Người kể chuyện Bác Hồ bằng tem

Thứ sáu, 16/05/2014 09:55

(Cadn.com.vn) - Ông Phạm Trung Kiên (P. Mỹ An, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), được giới sưu tầm tem cả nước nể phục khi sở hữu một bộ tem có một không hai về Bác Hồ. Hơn 20 năm, ông miệt mài sưu tập một bộ tem quý về Bác Hồ kính yêu. Ông dành hẳn một gian trong nhà để thờ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Kiên kể, cơ duyên đưa ông đến với những con tem in hình Bác bắt đầu từ năm 1971, lúc đó ông tham gia đội đặc công ở Đà Nẵng và bị thương trong một trận đánh nên được đưa ra miền Bắc chữa trị. “Ở miền Bắc tôi tình cờ bắt gặp những con tem có in hình Bác, nhân vật mà tôi đã thần tượng từ khi còn bé. Thế là tôi bắt đầu sưu tầm những con tem với ý định giữ hình ảnh Bác cho riêng mình”–ông Kiên nhớ lại. Sau ngày hòa bình, được công tác trong ngành Viễn thông, giấc mơ được sưu tầm tem về Bác của ông mới thành hiện thực và thuận lợi hơn.

Bản vẽ phác thảo và con tem thể hiện Bác Hồ làm việc ở Pác Bó,
một trong những điểm quý giá của bộ sưu tập.

Đến nay bộ sưu tập  của ông Kiên có hơn 500 chiếc tem và phong bì thực gửi, từ chiếc tem được in vào tháng 8-1946 trên giấy dó, những chiếc phong bì thực gửi còn ghi rõ tên người gửi và người nhận, đến những chiếc bưu thiếp của người dân hai miền Nam-Bắc gửi cho nhau…, phần lớn đều có hình ảnh Bác Hồ. Không chỉ được in trong nước, những con tem về Bác Hồ mà ông Kiên lưu giữ còn được in ở Liên Xô (cũ), Lào, Cuba và các nước Châu Mỹ La-tinh.

Ngoài ra còn có gần 100 chiếc tem dị bản, đa dạng về loại hình như răng ăn sâu vào tem, tem in hình ở mặt sau, tem in thử... Và điều độc đáo hơn cả, ông Kiên đã kết nối những con tem đơn lẻ ấy trở thành một câu chuyện xuyên suốt về thân thế và sự nghiệp của Bác Hồ. Bộ sưu tập của ông được chia thành 5 chương như  từ làng Sen đến con đường cứu nước, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và nước VN Dân chủ Cộng hòa, cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta. Qua mỗi chương, ông Kiên dùng tem để kể câu chuyện về Bác.

Ông Kiên với bộ sưu tập tem độc đáo về Bác Hồ.

Tất cả đều để lại hình ảnh xúc động về Bác Hồ và những khám phá thú vị về những con tem quý, độc đáo. Mỗi chương đều được ông Kiên chú thích, dẫn giải rõ ràng và khoa học. Ông cho hay - “Bộ sưu tập của tôi có con tem chỉ đáng giá vài nghìn đồng, nhưng cũng có những con có giá trị rất lớn. Điểm độc đáo của bộ tem này là quy tụ được nhiều con tem được in vào những thời điểm lịch sử gắn liền với cuộc đời hoạt động của Bác Hồ. Ngoài ra còn có  những phong bì FDC (phong bì thực gửi: P.V), dấu nhật ấn ngày phát hành tại địa phương và cả bản vẽ của các họa sĩ về Bác Hồ trước khi được in thành tem”.

Trong bộ sưu tập có bản phác thảo con tem cảnh Bác Hồ làm việc tại Pác Bó của họa sĩ Nguyễn Hiệp vẽ, phong bì ngày phát hành đầu tiên ghi lại giờ phút Bác Hồ qua đời, đóng dấu nhật ấn của Bưu điện Việt Nam đúng thời khắc 9 giờ 47 phút ngày 3-9-1969, trên in dòng chữ: “Vô cùng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến”… giá trị có một không hai. Nhiều nhà sưu tầm tem đã trả giá rất cao bộ sưu tập để mua lại nhưng ông Kiên nhất mực không nhượng.

“Tôi bỏ nhiều thời gian để sưu tập bộ tem về Bác Hồ. Đó là những tình cảm thiêng liêng, sự kính trọng của tôi dành cho Bác. Vừa qua, tôi đã tặng một bản đồ Việt Nam được lắp ghép bằng tem cho Bảo tàng Đà Nẵng, mà ở mỗi tỉnh thành là những con tem về sự kiện lịch sử, thiên nhiên và danh nhân của tỉnh đó. Đặc biệt có những con tem về Hoàng Sa– Trường Sa, được đặt đúng vị trí trên biển Đông. Tôi chỉ mong rằng việc làm nhỏ của mình góp tiếng nói bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước”–ông Kiên tâm sự. Dù đã hoàn thành bộ sưu tập nhưng ông Kiên lúc nào cũng muốn tìm thêm nhiều con tem quý hiếm khác có in hình Bác. Bởi vì hình ảnh Bác Hồ lúc nào cũng ở trong tim và cổ vũ, dẫn dắt sự thành công trong cuộc đời của ông.

Tấm bản đồ bằng tem ông Kiên tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng.

Hoàng Anh