Người lao động khó khăn để tiếp cận nhà ở tại Đà Nẵng

Thứ năm, 04/11/2021 20:24

Hiện nay, tại địa bàn Đà Nẵng có nhiều khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) với đông đảo người lao động (NLĐ) trong và ngoài TP đang tập trung làm việc. Đại đa số NLĐ mong muốn có một cơ ngơi để yên tâm làm việc, tiếp tục gắn bó lâu dài, đóng góp công sức vào sự phát triển của Đà Nẵng, tuy nhiên, với đồng lương ít ỏi, cùng với giá đất, nhà, căn hộ ngày một tăng cao khiến NLĐ gặp rất nhiều khó khăn để "an cư, lạc nghiệp".

Bữa cơm tối đơn sơ nhưng ấm áp tại căn trọ chật chội của vợ chồng anh Lê Phước Nam và 2 con nhỏ. 

Nhà ở vượt tầm với

Dạo quanh một số KCN, KCX tại TP Đà Nẵng, không khó bắt gặp những phòng trọ nhỏ bé, xập xệ được nhiều NLĐ lựa chọn để làm nơi trú ngụ, tá túc sau mỗi ngày làm việc. Theo nhiều công nhân, với đồng lương ít ỏi, eo hẹp cộng với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao thì những phòng trọ nhỏ với giá thuê thấp chính là lựa chọn hàng đầu của họ. Mặc dù trong những năm qua, nhằm giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho NLĐ, Đà Nẵng đã triển khai xây dựng, mở bán nhiều căn hộ chung cư xã hội giá ưu đãi. Nhưng thực tế, với hơn 126 nghìn đoàn viên công nhân, mức lương trung bình 6 triệu đồng/tháng, cùng với giá cả và những quy định riêng đối với từng đối tượng được thuê, mua nhà chung cư thì việc NLĐ sở hữu một nơi để "an cư" thật sự rất khó khăn.

Trong căn trọ nhỏ, chật chội chưa đầy 15m2 tại P. Hòa Khánh Nam (Q. Liên Chiểu) vợ chồng anh Lê Phước Nam (32 tuổi - công nhân Công ty thép Việt Mỹ) và chị Trần Thị Hồng (31 tuổi - công nhân Công ty Matrix - KCN Hòa Khánh) "sống chung" với lỉnh kỉnh đồ gia dụng, áo quần... Vợ chồng anh Nam rời vùng quê nghèo ở H. Đại Lộc (Quảng Nam) ra làm việc trong KCN Hòa Khánh gần 2 năm nay. Hàng tháng, tổng thu nhập của anh chị gần 12 triệu đồng. Với chi phí ăn ở ngày càng tăng cao, cộng việc nuôi 2 cháu nhỏ đang ở tuổi ăn học, hai vợ chồng chỉ dôi dư khoảng 2 triệu đồng/tháng. Với vợ chồng anh Nam, mơ ước có một ngôi nhà nhỏ chính là niềm mong mỏi bấy lâu nay, nhưng thực tế, với mức lương "chỉ đủ sống" như hiện tại thì rất khó cho họ thực hiện được mong muốn đó.

Anh Đặng Văn Lâm (công nhân Công ty Lắp ráp điện tử tại KCN Hòa Khánh) sinh ra và lớn lên trong một gia đình khó khăn tại 1 huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Do không đủ chi phí học tập, 10 năm về trước, anh quyết định nghỉ học và đến Đà Nẵng để tìm công việc. Với đồng lương ít ỏi, anh Lâm chọn cho mình 1 căn phòng trọ nhỏ với giá 700 nghìn đồng gần KCN Hòa Khánh. Căn phòng nhỏ chật chội chỉ đủ để anh Lâm bỏ tạm 1 bếp nhỏ, 1 cái bàn và 1 chiếc giường nhỏ để trải lưng sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi. Có những đêm mưa lớn, đang ngủ mê, anh giật mình tỉnh giấc khi nghe tiếng gọi của bạn sát bên phòng vì nước đã tràn vào phòng đến mắt cá chân. Sinh hoạt bất tiện là vậy, song khi được hỏi lý do sao không tìm căn phòng trọ mới khang trang hơn, anh Lâm cho biết: "Ở Đà Nẵng, tìm được căn phòng trọ với giá 700 nghìn đồng rất hiếm. Với số lương gần 8 triệu đồng/tháng, đủ để gửi về lo cho vợ và 2 con ở quê thì căn trọ giá rẻ như vậy đã đủ để tôi tá túc qua đêm. Sau nhiều năm làm việc, vợ chồng tôi đã để dành được ít vốn với mong muốn tìm 1 cơ ngơi ở Đà Nẵng để an cư. Nhưng với giá đất, nhà, căn hộ cao như hiện tại thì không biết lúc nào chúng tôi mới tạo cho mình được cơ ngơi ổn định".

Công trình Nhà ở công nhân KCN Hòa Cầm (Đà Nẵng) do LĐLĐ TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư.

Đề xuất sử dụng tiền lãi Quỹ BHXH để xây dựng nhà ở cho công nhân, NLĐ

Ông Nguyễn Duy Minh- Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng cho biết, hiện nay trên địa bàn Đà Nẵng có 6 KCN với đông đảo công nhân, NLĐ đang làm việc, chính vì vậy, nhu cầu về nhà ở cho đối tượng này là cấp thiết. Phần lớn công nhân phải ở trọ hoặc ở các khu dân cư xuống cấp, đặc biệt không đảm bảo chất lượng, nhu cầu sinh hoạt trong mùa mưa bão. Mặc dù TP có chủ trương và giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư, xây dựng căn hộ, nhà ở xã hội cho công nhân, NLĐ mua, thuê. Tuy nhiên, với khả năng và tài chính tích lũy của công nhân còn hạn chế nên việc mua hay thuê các căn hộ của doanh nghiệp vẫn còn khá cao so với khả năng của họ.

Mới đây, trong phát biểu thảo luận trước Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2020, ông Nguyễn Duy Minh đã đề xuất nghiên cứu sử dụng tiền lãi đầu tư của Quỹ BHXH để đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân, NLĐ mua, thuê. Trước nhu cầu lớn từ người lao động ở nhiều địa phương có KCN thì việc sử dụng nguồn lãi này để đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân, NLĐ là hợp lý. "Trước đây Chính phủ đã có chiến lược phát triển nhà ở xã hội đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Trong thực tế, việc triển khai còn một số vấn đề chưa đáp ứng được nhu cầu, cho nên sử dụng tiền lãi từ đầu tư của quỹ BHXH sẽ giảm áp lực chi tiêu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề này cần phải nghiên cứu cụ thể, có báo cáo Quốc hội và Chính phủ cho ý kiến để làm kỹ hơn chứ không phải là đầu tư được ngay", ông Nguyễn Duy Minh nhận định.

Ngọc Quốc