Người lưu giữ di nguyện giáo sư Trần Văn Khê

Thứ năm, 25/06/2015 10:04

(Cadn.com.vn) - Tin GS Trần Văn Khê từ trần đã gây nên niềm thương tiếc trong nhiều người. Nhà báo Hà Đình Nguyên (Báo Thanh niên) được gia đình trao lại bản di nguyện để lưu giữ. Đây có thể xem như một tình cảm lớn của giáo sư Trần Văn Khê và gia đình dành cho một người làm báo với tình cảm chân thành và tin cậy. Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với nhà báo Hà Đình Nguyên về sự việc này.

GS Trần Văn Khê.

P.V: Dường như GS đã cảm nhận sự ra đi của mình đến thật gần, nên đã lập di nguyện?

Nhà báo Hà Đình Nguyên: Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân kể với tôi rằng, sau Tết Ất Mùi (2015), ông được điện thoại của GS-TS Trần Văn Khê gọi ông đến gặp giáo sư gấp. Gặp nhau, thầy Khê nói: “Năm rồi (2014) những người rất thân thiết với tôi đã lần lượt ra đi, đó là bác sĩ- họa sĩ Dương Cẩm Chương, là vợ tôi (Nguyễn Thị Sương), là nữ dược sĩ Tường Vân (bạn học trường Petrus Ký thời 1940)…Tôi cũng đã dự cảm được ngày ra đi của mình không còn bao xa, nên đã thảo sẵn “Bản di nguyện” và rất cần anh lo liệu cho việc tang lễ…”. Thực ra, tôi nghĩ rằng không phải đợi đến thời điểm đầu năm 2015 mà thầy Khê đã chuẩn bị cho ngày ra đi của mình từ khá lâu rồi, khi mà ông đã phải ngồi vào chiếc xe lăn nhờ cô giúp việc tên Na đẩy mỗi khi muốn dịch chuyển.

Nhà báo Hà Đình Nguyên (đứng) và GS Trần Văn Khê.

P.V: Anh có bất ngờ khi được gia đình của GS Trần Văn Khê trao lại di nguyện, đây là ý nguyện của GS hay gia đình ?

Nhà báo Hà Đình Nguyên: Xin cải chính ngay tôi không phải là người được thầy Khê hoặc gia đình trao lại “Bản di nguyện” mà ngay sau khi mời bà Thừa phát lại Lư Ngọc Thu đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định lập vi bằng vào lúc 17 giờ ngày 5-6-2015.  Cuối vi bằng có chữ ký của cả 3 người, riêng GS Trần Văn Khê và Trần Thị Thủy Ngọc còn có thêm phần điểm chỉ dưới chữ ký. Bà Trần Thị Thủy Ngọc (con gái út của thầy Khê) đã nhận cất giữ “Bản di nguyện” (có 3 bản chính) và “Biên bản kiểm kê” (hiện vật trong tư gia) từ thầy Khê trao lại.

Bản thân tôi, tuy có gặp gỡ trong tác nghiệp với thầy Khê nhiều lần nhưng chắc không đủ độ tin cậy để giáo sư giao cho sứ mạng này. Tuy nhiên, tôi với GS-TS Trần Quang Hải (trưởng nam của thầy Khê) và Kiến trúc sư Trần Quang Minh (thứ nam) là chỗ thân tình (dù tôi nhỏ tuổi hơn các anh rất nhiều). Ngày 11-6-2015, tôi được anh Hải và các ông Nguyễn Đắc Xuân, Trần Bá Thùy mời đến tư gia của thầy Khê và cả 3 người đồng ý trao cho tôi 1 bản sao vi bằng (trong đó có Bản di nguyện của GS-TS Trần Văn Khê. Theo đó Báo Thanh niên được độc quyền công bố “Bản di nguyện” với chữ ký của GS-TS Trần Quang Hải và 2 vị cố vấn (2 người được GS-TS Trần Văn Khê chỉ định đích danh để giúp đỡ cho anh Trần Quang Hải trong việc tiến hành tang lễ). Họ cam đoan với tôi là không cung cấp văn bản này cho bất cứ tờ báo nào khác, kể cả báo chí nước ngoài. Quả thật lúc đó tôi rất xúc động, đây là lần đầu tiên trong suốt 20 năm làm báo tôi được tin cậy trao cho nắm giữ thông tin độc quyền.

P.V: Đọc qua di nguyện nhiều người cảm nhận những tình cảm sâu sắc, đầy tính nhân văn của một cây đại thụ âm nhạc Việt Nam và thế giới, trước lúc giáo sư từ giã cuộc đời, Riêng anh nội dung nào của di nguyện là những giá trị của cuộc sống cho chúng ta hôm nay?

Nhà báo Hà Đình Nguyên: Đọc “Bản di nguyện”, điều khiến tôi xúc động, “tâm phục khẩu phục” là cho tới lúc tàn hơi kiệt sức, cái chết đã hiển hiện trước mắt mà con người vĩ đại này vẫn canh cánh chuyện bảo tồn, phục hưng nền âm nhạc truyền thống VN, qua điều 8: “Riêng tiền phúng điếu thì Ban Tang lễ có thể sử dụng số tiền này để lập 1 quỹ học bổng hoặc Giải thưởng Trần Văn Khê để hằng năm phát cho người có công trình nghiên cứu hoặc cống hiến xuất sắc về âm nhạc truyền thống VN”. Ông còn sợ người ta gặp khó khăn khi đến với Thư viện Trần Văn Khê ở điều 10: “Tôi ước ao các thủ tục vào đọc sách, tham khảo tư liệu tại Thư viện Trần Văn Khê được dễ dàng cho những người đến thư viện đọc và nghiên cứu...”. Một con người ngót cả thế kỷ ngụp lặn trong âm nhạc dân tộc, vậy mà khi chết chỉ muốn: Điều 4: “Một dàn nhạc đờn ca tài tử gồm những bạn thân đồng điệu và môn sinh của tôi sẽ hòa tấu một buổi đặc biệt trong tang lễ (lưu ý: mỗi hơi của điệu thức chỉ cần đánh một vài bài thôi). Những bộ môn nhạc truyền thống khác có thể đến viếng và biểu diễn, tuy nhiên cần ngắn gọn để đừng mất nhiều thời gian”. Vậy đó, đến lúc chết cái tâm của ông vẫn thật trong sáng, tâm huyết với lý tưởng của mình nhưng cũng thật giản dị...

Thể theo Di nguyện của GS-TS Trần Văn Khê (lập Giải thưởng Trần Văn Khê) Ban Tang lễ có những lưu ý quý khách, đơn vị đến viếng như sau: Thay vì mua vòng hoa, lẵng hoa ở ngoài vào viếng GS-TS Trần Văn Khê thì số tiền đó sẽ được góp vào thùng phúng điếu nhằm lập Giải thưởng Trần Văn Khê. Tại nơi quàn linh cữu (32-Huỳnh Đình Hai, Q. Bình Thạnh, TPHCM) Ban Tang lễ đã chuẩn bị những lẵng hoa (luân lưu) và có người trực để viết tên đơn vị, đoàn thể đến viếng vào dải băng để vào viếng và chụp hình (tiền viết dải băng là 20.000 đồng). Với tinh thần “đám tang văn hóa”: âm thanh trong toàn khu vực tang lễ luôn luôn dịu nhẹ (không có kèn, trống), tuyệt đối không to tiếng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cá nhân chỉ được vào thắp nhang viếng trong vòng 1 phút, các đoàn thể tối đa 3 phút. Ước mong khi sống thầy Khê là một nhà văn hóa lớn của dân tộc, khi qua đời cũng để lại một tang lễ thật văn hóa cho xã hội.

P.V: Xin cảm ơn nhà báo Hà Đình Nguyên về cuộc trao đổi này.

Mai Phúc
(thực hiện)