Người mang Coca-Cola đến Dải Gaza

Thứ bảy, 20/02/2016 12:17

(Cadn.com.vn) - Sau gần 50 năm sinh sống và làm việc ở nước ngoài, ông Zahi Khouri trở về quê hương Palestine và tạo dựng "kỳ tích": mở một nhà máy đóng chai Coca-Cola trị giá 20 triệu USD trên Dải Gaza máu lửa.

Hòa nhập

Năm 1948, Khouri cùng gia đình rời thị trấn Jaffa, Palestine đến sinh sống ở Lebanon khi vừa tròn 9 tuổi. Sau đó, Khouri theo học tại trường đại học ở Đức và hoàn thành bằng cử nhân Kinh tế tại trường Quản trị Kinh doanh INSEAD tại Fontainebleau, Pháp. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc cho một số nhà máy sản xuất của Mỹ như nhà máy nhôm Reynolds và Tập đoàn Phelps Dodge trong khoảng thời gian từ 1967 đến 1972. Sau 5 năm làm việc cho các Cty Mỹ, Khouri chính thức trở thành công dân Mỹ.

Năm 1973, Khouri là một trong những nhà sáng lập ngân hàng đầu tư American Express tại Beirut, Lebanon. Ông cũng là một trong những cổ đông của Oylayan, một tập đoàn hùng mạnh ở Saudi Arabia chuyên cấp giấy phép kinh doanh cho Coca-Cola, Nabisco và General Foods. Sau hơn 20 năm làm việc cho Oylayan, Khouri nghỉ hưu năm 1994 với vai trò là Chủ tịch tập đoàn. 


Hướng về quê hương

Với một sự nghiệp kinh doanh xuất sắc cùng với khoản tiền kha khá tích lũy được, lẽ ra Khouri có thể trở về ngôi nhà thân yêu ở Florida tại Mỹ để nghỉ ngơi và tĩnh dưỡng. Thế nhưng, thay vào đó, giống như hàng triệu người ở độ tuổi hơn 50 trên khắp thế giới, ông quyết định tiếp tục theo đuổi đam mê kinh doanh. Năm 1997 Khouri trở lại quê hương để phát triển thương hiệu Coca-Cola. Tính đến nay, Cty Coca-Cola trị giá 100 triệu USD của Khouri xếp thứ 3 trong khu vực về số lượng nhân viên với 450 người.

Doanh nhân 77 tuổi cũng đang xúc tiến mở một nhà máy đóng chai Coca-Cola trị giá 20 triệu USD trên Dải Gaza vào tháng này. Đây được coi là quyết định đánh dấu sự phát triển kinh tế quan trọng đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua tại Dải Gaza - vùng đất có tỷ lệ thất nghiệp lên đến 42%. Khi đi vào hoạt động, nhà máy dự kiến sẽ tạo việc làm cho hơn 1.000 người.  Trải lòng về những quyết định của mình, ông chia sẻ: "Khi bạn sở hữu McDonald hoặc Coca-Cola, bạn góp phần đưa quốc gia của mình có tên trên bản đồ thế giới". 

Niềm tin và thách thức

Sự nghiệp kinh doanh của Khouri tại quê hương vấp phải nhiều khó khăn hơn ông tưởng. Xung đột giữa Israel và Palestine kéo dài, vì thế tình hình kinh doanh nhà máy Coca-Cola phải diễn ra trong bối cảnh bùng nổ 2 phong trào Intifada, cuộc nổi dậy của người Palestine chống lại Israel, và cuộc xung đột tại Dải Gaza  vào năm 2015. Trong phong trào Intifada thứ 2 vào năm 2002, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch bị phá hủy và chốt chặn. "Chúng tôi phải vận chuyển sản phẩm đến tay người tiêu dùng bằng lừa", ông vừa nói và cười phá lên.

Ngoài ra, Khouri phải đối mặt với hao hụt tài chính đáng kể khi thành lập Cty ở Palestine. Ông hùn vốn 3 triệu USD cùng với 2 đối tác khác để mở nhà máy. Ngoài ra, ông còn đầu tư nhiều dự án khác trong khu vực như thành lập Cty viễn thông Paltel, và góp phần tạo ra quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 10 triệu USD để phát triển công nghệ. Đóng góp vĩ đại cho môi trường kinh doanh, quan hệ tốt đẹp với Cty Coca-Cola "mẹ" cùng với một tinh thần lạc quan vô bờ bến giúp Khouri gắn bó với nhà máy đóng chai Coca-Cola trên Dải Gaza trong suốt 20 năm qua. Hiện tại, Khouri trở thành người phát ngôn cho cộng đồng doanh nghiệp Palestine. Những người biết ông đều nói rằng, ông là người yêu hòa bình và thực sự đã tạo nên sự khác biệt.

Với những đóng góp to lớn giúp khôi phục nền kinh tế quê hương, ông Khouri giành được giải thưởng Kinh tế vì Hòa bình do quỹ "Business for Peace Foundation" thành lập. Lễ trao giải thưởng sẽ diễn ra vào ngày 6-5 tại thành phố Olso, Na Uy.

Tuệ Khanh
(Theo BBC)