Người mang lan về rừng

Thứ năm, 16/06/2016 08:55

(Cadn.com.vn) - Trong khi người người, nhà nhà đổ xô vào cái thú chơi hoa lan và có thể bắt gặp chợ bán hoa lan ở bất cứ đâu với những nhánh lan được mang từ rừng về thì ở Tây Nguyên, có một người làm chuyện “ngược đời” là mang hàng trăm loại hoa lan về gieo lại ở những cánh rừng đại ngàn. Anh gọi đó là công việc “Trả lại mầm sống cho tự nhiên”.

Hàng triệu hạt phong lan được anh Công tỉ mỉ gieo lên những điểm thích hợp
tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.

Hơn chục năm qua ở phố núi Pleiku (Gia Lai), những người sành về hoa lan đều biết tiếng anh Võ Văn Công (trú hẻm 466-Lê Thánh Tôn, TP Pleiku, Gia Lai) khi sở hữu nhiều loại lan quý hiếm. Cùng với việc chăm sóc, nhân giống hàng loạt loại lan quí, cái việc đưa hoa lan về rừng gieo không khác nào “mang củi về rừng” của anh Công khiến nhiều người ngỡ ngàng. Bởi, ở  những tuyến đường của TP Pleiku, hàng loạt chợ lan hình thành, cung cấp đủ loại hoa lan, trong đó có rất nhiều loại lan được “săn” từ rừng về, còn anh thì mang lan gieo lại ở rừng... Trong khu vườn lan rộng tầm 600m2 của anh Công, cơ man hàng nghìn cây hoa lan đang treo trên giàn, mọc dưới đất hay trồng trong chậu với hơn 500 loài phong lan, địa lan, trong đó có các loại lan quý như Trầm Rừng, Hoàng Thảo Kèn, Hoàng Thảo Trần Tuấn...

Vừa tiếp chuyện, anh Công cùng nhóm bạn của mình đang tỉ mỉ hái từng quả lan trong khu vườn. Anh bảo: “Bọn mình đang gom quả lan để mai lên rừng gieo hạt, mình gọi việc này là “trả lại mầm sống cho tự nhiên”. Rồi anh tâm sự, mấy chục năm “ăn” với lan, “ngủ” với lan khiến anh trở thành một nghệ nhân có tiếng trong giới chơi cây cảnh. Trong quá trình chăm lan, anh hay thụ phấn các loại lan rồi lấy quả lan tự trồng trong vườn. Kết quả, sau thời gian, hạt lan nảy mầm rồi phát triển bình thường, góp phần làm phong phú vườn lan. Thế rồi, vào năm 2014, khi thấy phong trào chơi hoa lan phát triển mạnh và nhiều người đổ xô dẫm nát từng cánh rừng để gom các loài lan về bán, anh Công đã bao lần trăn trở.

“Mình sợ với cái đà khai thác lan ồ ạt sẽ khiến lan tuyệt chủng. Mình muốn làm gì đó để bảo tồn lan. Nhiều đêm ngủ mình cứ thao thức. Mình nghĩ hạt lan trồng trong vườn với điều kiện thiếu thốn còn lên được huống hồ gì là đưa về rừng trồng thì sẽ lên tốt hơn. Nghĩ thế nên mình quyết định gom quả lan để mang vào rừng gieo”, anh Công kể. Với hơn 100 quả thuộc 2 nhóm địa lan và phong lan từ Mạc Lan, Thanh Ngọc đến Hoàng Thảo Đơn Cam, Long Tu, Giáng Hương, Hồng Dâu, Giáng Hương Tam Bảo Sắc... đã được anh Công cùng nhóm của mình kiểm tra lại để chuẩn bị đưa về rừng. Để có những hạt lan này, nhóm của anh đã cất công thụ phấn đến khi chờ ra quả, từ vài tháng đến có khi gần cả năm mới hái vì từng loại lan có thời gian đậu quả khác nhau.

Tờ mờ hôm sau, chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình với Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (xã Ayun, H. Mang Yang, Gia Lai)–nơi được công nhận là vườn di sản ASEAN. Khi vừa chạm chân đến cửa rừng, chúng tôi bị 2 cán bộ kiểm lâm của vườn chặn lại. Dù các thành viên của nhóm giải thích mục đích của tôi, các kiểm lâm viên vẫn yêu cầu phải có ý kiến của lãnh đạo Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Sau cuộc điện thoại khá thân thiết giữa anh Công với ông Nguyễn Văn Hoan, Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, chúng tôi mới được các anh kiểm lâm đồng ý, hướng dẫn đường đi vào rừng. “Do biết nhóm mình đi vào rừng gieo lan nên anh Hoan đồng ý, chứ vườn quản lý, bảo vệ gắt gao lắm”, anh Công cho biết.

 Khoảng 9 giờ, nhóm đã đến được tiểu khu 433. Để lại xe máy, chúng tôi bắt đầu len lỏi vào rừng tìm điểm “trả lại mầm sống cho tự nhiên”. Khi đến độ cao tầm 800m so với mực nước biển, trước mắt đã hiện ra một khu rừng cây cối rậm rạp, thảm thực vật dày cùng nhiều cây gỗ mộc bắc ngang, nhóm quyết định dừng lại. “Chỗ này có đầy đủ yếu tố như độ ẩm, không khí và ánh sáng để các loại lan thuộc nhóm địa lan mọc”, anh Công cho biết. Nhóm tập trung lại, cẩn thận lấy từng quả địa lan rồi chia nhau ra, từng người tìm những vị trí thích hợp để gieo. Cầm quả địa lan trên tay, anh Công cẩn thận xé vỏ quả rồi lắc nhẹ, hàng triệu hạt lan màu trắng như bụi phấn bay ra cuốn theo gió bám vào các thân, gốc, cây mục hay trên lớp thực bì. Sau 30 phút, hàng chục quả địa lan đã được gieo xong.

Nhóm “Trả lại mầm sống cho tự nhiên” của anh Công trong chuyến gieo hạt phong lan
tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.

Chúng tôi tiếp tục vượt qua những dốc núi trơn trượt để tìm địa điểm gieo hạt phong lan. Đến cánh rừng cạnh dòng suối, xung quanh có nhiều cây gỗ dẻ lớn, nhỏ, anh Công ra hiệu cho cả nhóm dừng lại trao đổi. “Vạt rừng này mình gọi là bán thường xanh. Nghĩa là rụng lá một mùa nên nhiều ánh sáng. Phong lan cần nhiều ánh sáng. Chỗ này lại ít tác động nên rất phù hợp trồng”, anh Công giải thích và quyết định gieo hạt ở khu vực rừng này. Những quả phong lan được chia cho từng thành viên rồi mọi người tản ra trong vòng bán kính 2km, tỉ mỉ xẻ từng quả cho hạt lan bay ra bám vào các thân, cành cây đã được chọn. Sau 4 giờ lội rừng, nhóm hoàn tất việc gieo hạt. Về phần mình, anh Công cẩn thận lôi bút, giấy ra vẽ toàn bộ sơ đồ đường đi và vị trí gieo hạt lan. “Lan từ lúc gieo hạt đến khi lên cây phải mất vài năm. Mình đánh dấu vị trí để sau này xuống kiểm tra, đánh giá sự sinh trưởng, phát triển của chúng”, anh Công nói thêm.

Với ý tưởng “Trả lại mầm sống cho tự nhiên” khi mang hạt phong lan về gieo tại những cánh rừng, anh Công cùng nhóm của mình đã bắt tay thực hiện từ tháng 3-2014. Hàng trăm quả phong lan, địa lan đã được anh Công cùng nhóm tự tay gieo ở những vùng rừng thuộc H. Tu Mơ Rông (Kon Tum) và Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. “Với đam mê và ý tưởng của anh Công, Vườn chúng tôi đánh giá cao việc làm này, bởi sẽ góp phần làm phong phú, đa dạng sinh học của Vườn. Bởi những loại lan anh Công mang vào gieo ở đây đều có nguồn gốc bản địa và nhiều loại quý, hiếm. Vườn sẽ tiếp tục phối hợp với anh Công để theo dõi sự sinh trưởng của những loại lan mà anh đã gieo”, ông Nguyễn Văn Hoan, Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đánh giá.

M.T