Người mẹ của những đứa trẻ Đan Lai

Thứ ba, 16/03/2021 16:38

"Đi để biết, để thấu hiểu". Với suy nghĩ giản đơn như vậy, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh đã tình nguyện viết đơn xung phong được công tác ở Đồn Biên phòng Môn Sơn (H.Con Cuông, Nghệ An). Sau 3 năm gắn bó, chẳng biết từ lúc nào bà con nơi đây đã xem chị là một phần của bản làng, những đứa trẻ người dân tộc thiểu số Đan Lai trìu mến gọi chị là mẹ, rồi mọi người cũng gán cho chị là "Người mẹ của những đứa trẻ Đan Lai" từ đó.

"Người mẹ Đan Lai" đang dạy các con cách gội đầu. 

Tình nguyện viết đơn đi núi

Từng có 28 năm làm công tác Đảng tại Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An, một vị trí mà nhiều người mơ ước. Sau nhiều lần đi công tác tại cơ sở, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh hiểu hơn ai hết về cuộc sống khó khăn vất vả của bà con dân tộc thiểu số. Ít được giao lưu, tiếp thu với thế giới bên ngoài nên nhiều phong tục tập quán lạc hậu bà con nơi đây vẫn còn duy trì. Nó trở thành bức tường ngăn cách họ với thế giới bên ngoài. Mong muốn được góp một phần công sức của mình, đồng cam cộng khổ cùng đồng đội, chị Thanh mạnh dạn viết đơn gửi cấp trên, tình nguyện xin đi công tác tại miền núi. Thời điểm đó là năm 2018, lúc này đứa con gái lớn của chị sắp thi đại học, còn cậu con trai út chuẩn bị thi lên cấp 3 nhưng chị vẫn xác định tư tưởng và động viên chồng con cố gắng hỗ trợ để thực hiện tâm nguyện của mình. 

Được cấp trên đồng ý, chị trở thành nhân viên Đội vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Môn Sơn. Vùng đất Môn Sơn cách thành  phố Vinh gần 200km. Nơi đây hầu hết là đồng bào dân tộc ít người, ít được tiếp xúc với thế giới bên ngoài nên trình độ dân trí còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Đặc biệt, tại 2 bản người Đan Lai, nhiều phong tục tập quán còn lạc hậu vẫn được bà con duy trì, trở thành rào cản cho sự phát triển. Để gần gũi và hiểu rõ văn hóa của bà con nơi đây, năm đầu tiên chị đã xung phong ở lại trực Tết. Đó là cái Tết đầu tiên sau khi nhận công tác xa nhà. 

"Đêm giao thừa đầu tiên xa nhà, khó tránh khỏi giây phút chạnh lòng nhưng đã là quân nhân thì mình xác định phải hoàn thành nhiệm vụ. Tết cũng là thời điểm mà mình tìm hiểu đầy đủ những nét văn hóa của bà con nơi đây, là kiến thức quan trọng phục vụ công tác tuyên truyền sau này. Sau khi ăn bữa cơm thân mật cùng anh em trong đơn vị, tôi về phòng và cảm nhận hương vị Tết xa nhà" - chị Thanh nhớ lại.

Ở vùng đất xa xôi, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, ngày này qua ngày khác chị cùng đồng đội của mình rong ruổi khắp các bản làng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền vận động bà con nhân dân từ bỏ hủ tục lạc hậu, giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh (thứ 5 từ phải sang) đang tuyên truyền pháp luật cho chị em phụ nữ xã Môn Sơn.

Vui khi được làm mẹ lũ trẻ

Người Đan Lai từ lâu sống tách biệt với thế giới bên ngoài, những hủ tục lạc hậu, đói nghèo mãi bám riết lấy họ. Sau khi đề án bảo tồn và phát triển bền vững tộc người Đan Lai ra đời, cuộc sống bà con nơi đây được quan tâm hơn. Thế nhưng, sau mỗi đợt nghỉ hè, trẻ em Đan Lai lại theo bố mẹ lên nương làm rẫy rồi bỏ học. Việc đưa các em quay trở lại trường không chỉ là thách thức lớn của các thầy cô giáo nhà trường, mà còn là nhiệm vụ quan trọng của Đồn Biên phòng Môn Sơn, chính quyền địa phương. 

Hình ảnh Trung tá Thanh ngồi trên chiếc xe máy rong ruổi đi vào khắp các bản để tuyên truyền, vận động các em học sinh quay trở lại trường đã trở nên quen thuộc với bà con. Chị Thanh chia sẻ: "Trẻ em Đan Lai vốn nhút nhát, ngại ngùng khi tiếp xúc với người lạ. Các em chủ yếu sống theo bản năng vì vậy mọi việc dù nhỏ nhất mình cũng phải hướng dẫn. Từ cách lấy bao nhiêu dầu gội đầu là đủ, cách gội như thế nào đến cách vệ sinh cá nhân đánh răng, rửa mặt, chải đầu, đi dép... tất cả mình phải kiên trì hướng dẫn.  Để hiểu các em hơn, mình thường thủ thỉ nói chuyện, tiếp xúc nhiều".

Trái với trẻ con thành phố, các em ở đây vẫn còn thiếu thốn rất nhiều. Thấy vậy nên đi đâu chị cũng xin. Từ quần áo, giày dép, chăn màn, tivi... có bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Những  chuyến hàng ủng hộ được chị và đồng đội đưa về đã phần nào giúp các em đỡ vất vả hơn. Sau 3 năm, trong mắt những đứa trẻ Đan Lai chị đã trở thành người mẹ thứ hai của chúng.

Chị Thanh chia sẻ thêm: "Có lần tôi ốm, lũ trẻ kéo nhau đến Đồn thăm nom. Khi mọi người hỏi thì các con bẽn lẽn nói "đi thăm mẹ Thanh". Chỉ cần nhìn thấy lũ trẻ, tôi đã thấy ấm lòng rồi. Cách đây ít tháng, mẹ tôi mất, lũ trẻ biết chuyện đến ôm chặt rồi động viên khiến tôi cũng hết sức ngạc nhiên. Không ngờ các em đã cảm nhận được tình yêu thương và biết sẻ chia tình cảm đến những người thân yêu".

Giờ đây những "đứa con" Đan Lai ở Môn Sơn của chị Thanh đã có những em học lên bậc trung học phổ thông. Các em chính là những nhịp cầu nối thế giới của người Đan Lai với thế giới bên ngoài. Dù đi đâu, làm gì chúng vẫn nhớ về mẹ Thanh và tìm đến để chia sẻ như những đứa con ở xa lâu ngày về gặp mẹ. Với chị đó là niềm sung sướng nhất trong cuộc đời làm lính của mình.

DƯƠNG HÓA