Người mẹ đặc biệt của ba đứa cháu mồ côi
(Cadn.com.vn) - Tôi gọi tổ ấm của chị là đại gia đình, bởi ngoài 2 đứa con ruột, chị còn cưu mang thêm 3 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ...
Mẹ mất sớm, lại là chị cả trong 5 chị em nên từ nhỏ, chị Nguyễn Thị Thu Hường (52 tuổi, trú P.Thanh Bình, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) luôn ý thức trách nhiệm vừa làm chị, vừa làm mẹ, chăm lo cho các em. Trong thời kỳ cả nước khó khăn, năm 18 tuổi, chị phải đi xuất khẩu lao động ở Nga. Về nước, lại mãi lo chuyện làm ăn nên đến năm 30 tuổi chị mới lập gia đình, rồi sinh hai đứa con có trai có gái, học hành giỏi giang, cuộc sống gia đình với chị như thế cũng viên mãn lắm rồi. Đến năm 2009, em gái ruột của chị lâm bệnh nặng qua đời, người chồng không có công ăn việc làm ổn định, hay say xỉn và 3 đứa con trai, lớn nhất mới 12 tuổi, cháu nhỏ chưa đầy 2 tuổi. Thời gian sau, em rể chị gửi 2 cháu lớn vào trại trẻ mồ côi. Chị cay đắng nhìn cảnh các cháu được dắt vào trại mồ côi mà không thể có cách gì giúp được. Cách đây 2 năm, người em rể lại ra đi sau một tai nạn ngộ độc thực phẩm. Thương các cháu từ nay vĩnh viễn mất đi cả cha lẫn mẹ, chị Hường quyết định đưa cả 3 cháu về nuôi. "Nhiều đêm tôi cứ trằn trọc suy nghĩ, không biết phải nói thế nào với chồng con, bởi đây là cháu mình. Nhưng tôi đã quyết định phải nuôi các cháu vì chúng nó còn biết bấu víu vào ai?"- chị Hường tâm sự. Nhưng may mắn là chồng chị là người sống rất tình nghĩa. Biết được những băn khoăn, suy nghĩ của vợ, anh đã chủ động mở lời, bảo chị đem các cháu về nuôi và sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn với chị. Từ đó, chị trở thành người mẹ đặc biệt của 3 đứa cháu mồ côi, yêu thương, chăm sóc các cháu như con mình dẫu cuộc sống muôn phần gian nan hơn.
Vợ chồng chị Hường với 2 con và 3 cháu. |
"Phải có tấm lòng", đó là câu trả lời của chị cho những nỗ lực của mình suốt những năm qua. Nhưng với chị, khó khăn về kinh tế chưa là gì so với việc dạy dỗ các cháu, phải đối xử làm sao để các cháu không cảm thấy tủi thân. Chị trải lòng: "Khi cho quà các con, các cháu, mình phải chia đều để các cháu không phải suy nghĩ. Rồi thì phải dạy các con mình biết kiềm chế cảm xúc trước các em, phải làm sao cho tế nhị để các em khỏi tủi hờn vì không còn cha mẹ". Chia sẻ với việc làm của chị Hường, bà Hương Lan (72 tuổi, mẹ chồng chị Hường) tâm sự: "Hường là một người suy nghĩ thấu đáo, mặc dù hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, phải nuôi 2 con ăn học nhưng vẫn biết chia sẻ với nỗi đau của các cháu, tôi rất thương". Ngoài việc được gia đình 2 bên động viên và ủng hộ, việc làm của chị Hường cũng tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng, hàng xóm láng giềng thường xuyên thăm hỏi, thỉnh thoảng lại giúp đỡ, san sẻ cho các cháu phần quà, tấm bánh. "Trong xã hội có nhiều tấm gương về lòng nhân ái, có nhiều người khó khăn hơn mình nhưng họ cũng sẵn sàng cưu mang những mảnh đời bất hạnh, cho nên việc làm của con dâu mình cũng là thấu tình đạt lý. Tôi chỉ mong Hường có đủ sức khỏe để đi tiếp đoạn đường dài phía trước", một hàng xóm thổ lộ.
Từ khi đưa các cháu về nhà, chị Hường đã nhận thức được vai trò quan trọng của mình trong việc nuôi dạy các cháu nên người. Chị thuê giáo viên về dạy các cháu tại nhà, sắm xe đạp cho các cháu đi học. Khi cháu lớn (18 tuổi) nghỉ học giữa chừng, chị xin cho cháu đi học nghề, vừa học vừa làm để có thể tự lo cho bản thân, tránh việc ăn chơi rồi sa vào thói hư tật xấu. Ở gia đình chị Hường, cách mọi người cùng nhau giải quyết những mâu thuẫn, khúc mắc cũng khiến nhiều người khâm phục. Chị cười: "Tôi không bao giờ đánh con đánh cháu cả. Khi gặp chuyện, chúng tôi ngồi lại với nhau, họp gia đình để nói chuyện, phân tích những việc đúng, sai...". Cũng chính vì vậy mà gia đình chị luôn tạo nên được tiếng nói công bằng cho tất cả mọi người, hạn chế việc sứt mẻ tình cảm giữa các thành viên.
"Khó nhất là việc dạy cho các cháu lễ phép và biết yêu thương nhau. Dần dần các các cháu cảm nhận được tình thương gia đình, đã biết giúp đỡ nhau, tôi cũng thấy mình hạnh phúc, không mong mỏi gì hơn..."-chị Hường bộc bạch. Thương quý chị Hường bao nhiêu, những người hàng xóm lại càng cảm kích chồng chị bởi chính sự bao dung và tình thương của anh đã giúp chị có thêm động lực vượt qua khó khăn để nuôi dạy các con, các cháu. Anh nói: "Nhìn hoàn cảnh các cháu, người ngoài cũng còn thương chứ huống gì tôi. Chia sẻ với vợ được phần nào, tôi cũng thấy thoả mãn phần ấy. Cháu của vợ cũng chính là cháu của mình mà". Thời gian rảnh anh còn dạy các cháu học, động viên vợ và chia sẻ công việc với chị. Nhờ vậy, chị mới yên tâm vừa hoàn thành tốt việc ở cơ quan, vừa đảm đương việc nhà. Năm 2015, gia đình chị được Hội LHPN TP Đà Nẵng biểu dương là một trong 69 gia đình hạnh phúc tiêu biểu giai đoạn 2010 - 2015.
Với người phụ nữ đã đi qua hơn nửa cuộc đời ấy, hạnh phúc chỉ bình dị có thế. Dẫu phía trước sẽ còn nhiều khó khăn nhưng với sự động viên và chia sẻ của gia đình, của cộng đồng, tôi tin chị sẽ có đủ niềm tin để bước tiếp với vai trò người mẹ của 5 đứa con...
Thảo Vy