Người mẹ hiền của những đứa trẻ Mơ Nông
(Cadn.com.vn) - Là giáo viên biên chế đang công tác tại một trường ở thành phố, cô xin về giảng dạy ở một trường miền núi để được gần gia đình. Những tưởng có cuộc sống êm đềm như bao gia đình khác nhưng một tai nạn bất ngờ ập xuống cướp mất người chồng mới cưới khi cô đang mang thai 7 tháng. Vậy là, cô một mình chăm sóc, nuôi con giữa núi rừng, vừa tận tâm dạy học. Đó là cô giáo Trần Thị Hoàng Oanh - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Trà Leng (xã miền núi Trà Leng, H. Nam Trà My, Quảng Nam), ngôi trường với 100% là con em đồng bào dân tộc Mơ Nông theo học.
Cô Trần Thị Hoàng Oanh (bìa trái) đang trao đổi công việc với nhân viên nhà trường. |
Tận tâm với nghề
Chúng tôi gặp cô giáo Trần Thị Hoàng Oanh khi cô vừa hoàn thành chuyến công tác đến nắm bắt tình hình dạy học ở các nóc, thôn, bản. Tiếp chúng tôi bằng câu chuyện về hoạt động dạy học của trường khá tự nhiên, cô chia sẻ: "Cũng như một số trường mẫu giáo khác trên địa bàn huyện miền núi Nam Trà My, để đến được các thôn, nóc, bản làng dạy học, giáo viên phải mất hàng tiếng đồng hồ đi bộ băng rừng, vượt núi hết sức vất vả và nguy hiểm.
Hiện nay, ngoài điểm trường chính, Trường Mầm non Trà Leng có thêm 6 điểm trường khác nằm rải rác khắp trên địa bàn xã, với địa hình đi lại hết sức hiểm trở, vực sâu, vách núi dựng đứng. Tất cả các điểm trường đều chưa có đường giao thông, muốn vào điểm trường không có con đường nào khác là phải đi bộ". Chính vì vậy mà cô Oanh phải mất 3 ngày đường mới đến được các điểm trường nắm bắt tình hình dạy học, vừa thăm hỏi, động viên giáo viên cắm bản.
"Là phận giáo viên nữ với nhau, ai cũng mong muốn có một mái ấm gia đình, ngày ngày gần gũi, quây quần bên người thân. Nhưng một phần vì công việc, phần vì yêu nghề, thương lũ trẻ nghèo khó, người giáo viên nữ vùng khó luôn nhận về mình sự vất vả, thiệt thòi mà ít ai có thể hiểu, thông cảm, chia sẻ hết được", cô Oanh tâm sự.
Chính những tình cảm đó mà khi về đảm nhận vai trò lãnh đạo nhà trường, cầm trên tay danh sách đội ngũ 9 giáo viên thì có đến 7 người hợp đồng khiến cô Oanh hết sức trăn trở. "Mình cũng đã trải qua một chặng đường dài trực tiếp đứng lớp, dạy học ở những điểm trường khó khăn. Khi đã xác định đến với nghề thì bản thân đã chấp nhận sự khó khăn, thiếu thốn. Nhưng trong thâm tâm lúc nào cũng mong muốn một điều là làm sao có được một chỗ đứng ổn định trong nghề để yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục", cô Oanh chia sẻ.
Trường mẫu giáo Trà Leng, nơi cô Oanh công tác. |
Cống hiến hết mình cho "con chữ" vùng khó
Cô Oanh đã từ bỏ vị trí của một giáo viên biên chế hơn 5 năm ở một trường mầm non tại Long Thành (tỉnh Đồng Nai) về Nam Trà My xin dạy hợp đồng. Lúc đó, cứ ngỡ sự khó khăn thiếu thốn và nỗi đau mất chồng, một mình nuôi con nhỏ giữa núi rừng hoang lạnh sẽ làm nản chí cô giáo trẻ Trần Thị Hoàng Oanh, nhưng lòng yêu nghề và ước mơ theo nghiệp giáo viên đã giúp cô gắn bó với giáo dục huyện miền núi Nam Trà My bao năm qua.
"Mỗi ngày, hình ảnh những em nhỏ vượt rừng núi đến trường trên những con đường cheo leo hiểm trở, hay đung đưa theo chiếc cầu tre băng qua suối sâu, vực thẳm cứ làm tôi trăn trở mãi. Con em đồng bào dân tộc ở vùng miền núi nhà nghèo, điều kiện cuộc sống hết sức ngặt nghèo, thiệt thòi đủ thứ. Là giáo viên dạy học cũng không có gì giúp đỡ các em nên chỉ biết lấy hết kiến thức, tâm huyết của mình để giảng dạy, yêu thương các em. Đó cũng là động lực giúp tôi vượt qua khó khăn, gắn bó với con em đồng bào dân tộc Mơ Nông nghèo khó nơi đây", cô Oanh nói.
Ngoài tấm lòng tận tâm với công việc, yêu thương trẻ hết lòng, cô giáo Trần Thị Hoàng Oanh còn được đồng nghiệp, lãnh đạo ngành GD-ĐT H. Nam Tra My đánh giá cao về trình độ chuyên môn, nhiệt tình, năng nổ và có trách nhiệm cao với công việc. Thầy Võ Đăng Thuận - Phó Trưởng phòng GD-ĐT H. Nam Trà My đánh giá: "Bằng cái tâm của một nhà giáo và lòng yêu nghề, cô giáo Trần Thị Hoàng Oanh là một trong những tấm gương sáng của sự phấn đấu, nỗ lực dạy học cho đội ngũ giáo viên trẻ của địa phương. Bản thân đã trải qua nhiều đau thương mất mát, nhiều thăng trầm trong nghề nhưng bao giờ cô cũng dành trọn tâm huyết với nghề, với trẻ em vùng khó".
Khải Minh