Người mê xem báo cũ

Thứ bảy, 21/06/2014 08:30

(Cadn.com.vn) - Ở thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) có ông Phan Cân (66 tuổi), là nông dân sản xuất, chăn nuôi giỏi nhờ “mê” xem báo cũ.  Tâm sự với chúng tôi, ông Cân cho hay, trước đây, gia đình ông ở thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn (Hòa Vang), làm ăn, sinh sống nhờ rẫy chè 2 ha. Tuy thu nhập không cao, nhưng cũng đủ chi phí qua ngày. Năm 1987, chè bị ế, rớt giá thê thảm, thu nhập mỗi ngày mỗi thấp, kinh tế gia đình ngày càng tuột dốc. Trước tình thế trên, vợ chồng ông quyết định gửi rẫy, gửi con cho ông bà nội, ngoại để đi  làm thuê, cuốc mướn, trôi nổi khắp các xã cánh tây của H. Hòa Vang.

Tuy làm cật lực song cái nghèo vẫn đeo bám mãi.  Đến năm 1989, vợ chồng ông xin hợp đồng làm công nhân chăn nuôi bò, nuôi cá, trồng rừng... cho Khu trang trại rừng Huyện ủy Hòa Vang. Sau nhiều năm tích lũy,  tiết kiệm ông mua đất làm nhà và định cư tại thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú. Đặc biệt, ông Cân là người “nghiện” xem báo thuộc loại nhất xã. Ông tâm sự: “Ở cái miền núi nầy, khó có thể xem báo cập nhật hằng ngày được. Hơn nữa, muốn xem thì không đủ tiền để mua nhiều loại báo, nên tôi phải xem báo cũ”.

Ông Phan Cân với những chồng báo cũ tại nhà.

Ở nhà ông Cân có hàng chục ký báo cũ, rất phong phú về số đầu báo. Theo ông Cân, xem báo cũ có nhiều cái lợi: vừa rẻ tiền vừa tận dụng được. Ông thường gửi người quen mua mỗi lần khoảng 5 kg báo cũ, xem xong ông lại bán cho cơ sở thu mua phế liệu hoặc dùng báo để lót dưa hấu, một công hai việc. Ngoài ra, số báo ông xem được huy động từ nhiều nguồn khác nhau như các cơ quan, đơn vị sau khi xem xong biếu ông mang về nhà xem. Năm 2013,  có người biết tin ông thích xem báo mà không có tiền mua đã gửi tặng ông hàng kết báo cũ qua đường bưu điện.

Ngoài ra, ông cũng thường đến Bưu điện Văn hóa xã để xem một số thông tin nóng. Trung bình mỗi năm, ông xem khoảng 50 kg báo cũ. “Nhiều tờ báo ở Trung ương hoặc địa phương, tuy phát hành đã lâu, nhưng có nội dung rất bổ ích, hấp dẫn, giúp tôi hiểu biết thêm chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời nắm bắt thêm các kiến thức về sản xuất, chăn nuôi để áp dụng trong việc phát triển kinh tế gia đình... Những tờ có thông tin hay, tôi lưu giữ và chia sẻ với bạn bè, người thân cùng xem...”, ông Cân bộc bạch.

Nhờ đọc báo mà ông Cân thực hiện tốt nghĩa vụ công dân của mình, cùng vận động con cháu, hàng xóm thực hiện tốt cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Trong những năm sản xuất cao điểm, gia đình ông canh tác 4,5 ha dưa hấu, đậu các loại, bông vải, chăn nuôi 2 con trâu, hơn 20 con bò. Đặc biệt vụ đông xuân năm 2004, ông Cân thu hoạch hơn 4 tấn bắp lai, là hộ đạt “kỷ lục” về sản lượng bắp lai của xã Hòa Phú trong năm này.

Vào năm 2008, hai cha con ông Cân cùng cộng tác thêm một số hộ khác đã canh tác 3,6 ha dưa hấu với 2 vụ, đạt sản lượng 130 tấn, bán với giá 2.000 đồng / kg, thu về 260 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 160 triệu đồng; Qua 6 tháng đầu năm 2009, gia đình canh tác 2,5 ha dưa hấu đạt sản lượng 80 tấn, bán với giá 2.200 đồng/ kg, thu về hơn 160 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi 100 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn canh tác 1 ha đậu, bắp, mè thu về 15 triệu đồng. Hiện nay, ông trồng 7 ha rừng (keo lá tràm) và nuôi 40 con heo, hàng năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Đầu thôn Hòa Hải có hai ngôi nhà tương đối khang trang của hai cha con ông, đầy đủ tiện nghi. “Tôi đạt được những thành công trong sản xuất, chăn nuôi nói trên, ngoài sự cần cù, chịu khó, còn tích lũy những kinh nghiệm, kiến thức qua các số báo cũ mà tôi đã đọc. Tuy báo đã cũ, nhưng nguồn tri thức vẫn còn giá trị, bổ ích và hấp dẫn với những người chưa đọc, và tôi luôn là một trong số đó”, ông Cân chia sẻ,

 Khánh An