Người Mường ở Trà My

Thứ sáu, 09/02/2018 14:40

Nhắc đến tộc người Mường người ta sẽ nghĩ ngay đến vùng đất phía Bắc, thế nhưng suốt hơn ba thập kỷ qua, giữa núi rừng Trà My trùng điệp (xã Trà Giang, H. Bắc Trà My, Quảng Nam) có một làng người Mường sinh sống, gầy dựng kinh tế vững chãi và lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc. Ở đây, người dân luôn tự hào, biết ơn vợ chồng cụ Bùi Văn Mớp (79 tuổi) là “thành hoàng làng” bởi đã có công “đẻ đất, đẻ nước”.

Vợ chồng cụ Mớp được xem là “thành hoàng làng” khi đã khai hoang, mở đất cho bản làng Mường trù phú hôm nay.

Người khai hoang, mở lối

Chúng tôi có dịp công tác tại Trà My, qua lời kể của người dân địa phương về một bản làng người Mường trù phú, ấm no với những ngôi nhà sàn kiên cố, đặc sắc nằm ẩn mình dọc theo dòng sông Trường nên quyết một lần đặt chân đến đây. Ngay đầu làng Trà Giang, khi hỏi đường chúng tôi không khỏi tò mò vì người dân ở đây luôn nhắc đến cụ Mớp bằng sự thán phục, ngưỡng mộ khi đã có công khai hoang, mở lối để Trà Giang hôm nay đầy đủ, no ấm. Thực tế, cách đây hơn ba thập kỷ, nơi đây chỉ là một vùng đất hoang, núi rừng bao phủ với đầy rẫy cạm bẫy. Lúc này, già Mớp quê gốc ở huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) là người đầu tiên in dấu chân mở ra một kỷ nguyên mới nơi rừng thiêng nước độc này. Trong căn nhà sàn kiên cố, mang đậm nét đặc trưng văn hóa Mường, vợ chồng cụ Mớp kể chúng tôi nghe biết bao gian nan, thử thách mà họ  đã vượt qua mới có cơ ngơi như ngày nay. Cụ Mớp kể, thời điểm đó tại quê nhà Hòa Bình, nạn đói hoành hành khắp nơi, đâu đâu người dân cũng chạy đua tìm cái ăn, cái mặc. Gia đình cụ cũng khó khăn trăm bề, anh em thì đông, có mảnh đất cắm dùi cũng không thể canh tác vì thời tiết khắc nghiệt. “Thế là phải đi, bụng kêu đi đâu là đi đó. Đi để kiếm cái ăn, ở lại có nước chết đói”. Thế rồi, cụ Mớp quyết định Nam tiến. “Bắt xe đò để vào Nam, đi mãi khi tới xã Trà Giang lúc này chưa có một bóng người, chỉ toàn là hùm beo, lợn lòi, vắt bám. Thế nhưng, không hiểu sao tôi lại có linh cảm nơi đây là mảnh đất thiêng, có thể khởi đầu cơ nghiệp”, cụ Mớp nhớ lại. Vậy là, cụ Mớp dừng chân, một tay khai hoang, mở lối, dựng nhà. Để ổn định cuộc sống ban ngày cụ ra thị trấn làm thuê kiếm tiền, đến đêm lại băng qua sông trở về khai đất, trồng trọt. Một thời gian ổn định cụ Mớp về quê báo tin và đưa vợ con vào đây lập nghiệp.

Cụ Lê Thị Vụ (79 tuổi) vợ cụ Mớp là người dân tộc Kinh nhưng khi lấy chồng bà luôn một lòng ủng hộ. “Lúc chồng tôi về rủ vào đó sinh sống bà con can ngăn không nên đi vì nơi rừng thiêng nước độc, cạm bẫy rình rập xung quanh. Tuy vậy, đã lấy chồng thì phải theo đến cùng”, cụ Vụ chia sẻ. Với bản lĩnh của người phụ nữ can trường, từng là thanh niên xung phong từ lúc 16 tuổi, cụ Vụ không ngại khổ cùng chồng làm việc quần quật, từ dẫn nước về làng, khai phá ruộng vườn đến trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế. “Ngày đó đi đâu cũng chỉ một mình với hùm beo và vắt. Đi tìm sắn, khoai trong rừng phải mất mấy ngày mới về đến nhà vì luôn đối mặt với rất nhiều nguy hiểm, nhưng tôi không sợ. Nơi nào hùm beo không tới được thì tôi sẽ tới”, cụ Vụ quả quyết.

“Mồ hôi thấm đất, đất nở hoa”

Đứng trên cầu sông Trường nhìn xuống, bản làng Mường nằm rải rác trên đất Trà Giang đẹp như tranh vẽ. Từ một vùng đất cằn cỗi bây giờ chuyển mình trù phú, phát triển. Trên những cánh đồng lúa ngả màu vàng óng là bạt ngàn rừng xanh, ghi đậm dấu chân chinh phục của người Mường. Khi vợ chồng cụ Mớp vào đây lập nghiệp đã có rất nhiều người Mường theo chân. Ông Bùi Văn Chìn cùng vợ và bốn con cũng vào đây lập nghiệp, bây giờ kinh tế ổn định nhưng luôn nhắc nhớ về công ơn cụ Mớp. “Ngày đó ai đói rách cụ Mớp đều đưa về nhà, cho  ăn, cho mặc. Kể cả ruộng đất cụ khai phá cũng sẵn sàng cho bà con canh tác”, ông Chìn cho hay. Bản làng Mường hôm nay thật sự thay da, đổi thịt khi có hàng trăm hộ sinh sống, lập nghiệp. Người Mường yêu thương đùm bọc nhau rất tình nghĩa. Trong mỗi nếp nhà sàn văn hóa truyền thống bao đời vẫn luôn được lưu giữ, phát huy. “Dù con cái có đi làm ăn xa, trong làng nhà nào có cưới hỏi là nhất định về tham dự. Trường hợp có ma chay mỗi hộ góp vài ký gạo và ít tiền cả làng chung nhau nghỉ việc, lo toan”, ông Bùi Văn Quyên, cho biết.

Người Mường giữa núi rừng Trà My còn được biết đến là “cha đẻ” của cây lát hoa, loại gỗ quý được họ mang giống về trồng. Hiện nay, cả cánh rừng Trà Giang ngập tràn cây lát hoa, nhà ít nhất vài ngàn cây, nhà nhiều lên đến hàng chục ngàn cây, có cây vài người ôm không xuể. Cây lát hoa đã mang lại nguồn lợi kinh tế cao giúp người Mường phát triển kinh tế. Cạnh đó, rừng cây lá tràm xanh ngát một màu cũng tô một nét mực cho sự vững chãi về kinh tế bản làng. Người Mường cũng thành lập Hội đồng hương, cứ đến dịp 2-9 hằng năm làng Mường sẽ trẩy hội, làm lưu luyến bước chân du khách và là nét đẹp văn hóa truyền thống đáng tự hào của mỗi người dân Mường trong nếp nhà truyền thống.

Phi Nông