Người Mỹ bị “dắt mũi” trong cuộc chiến Afghanistan

Thứ tư, 11/12/2019 13:50

Tờ Washington Post vừa công bố một số tài liệu cho thấy các quan chức cấp cao của Mỹ đã che giấu bằng chứng về cuộc chiến kéo dài 18 năm, theo đó mọi việc không nhiều tiến triển như những gì được chính quyền Washington công bố.

Binh sĩ Mỹ đang chiến đấu ở Afghanistan. Ảnh: Reuters

Washington Post cho biết đã thu thập được hơn 2.000 trang các cuộc phỏng vấn với các sĩ quan và nhà ngoại giao hàng đầu của quân đội Mỹ, nhân viên cứu trợ, quan chức Afghanistan và những người khác đóng vai trò trực tiếp trong cuộc chiến gần hai thập kỷ. Các tài liệu này mâu thuẫn với đoạn điệp khúc dài của các tổng thống Mỹ, các chỉ huy quân sự và các nhà ngoại giao, những người mỗi năm đều tuyên bố đảm bảo với người dân Mỹ rằng, họ đang tiến bộ ở Afghanistan và cuộc chiến là điều đáng để thực hiện. Theo Washington Post, các cuộc phỏng vấn cho thấy rõ, các nhân vật chóp bu của Mỹ đã tìm mọi cách “tô hồng” cuộc chiến tại quốc gia Tây Nam Á này dù họ biết là sai, đồng thời che giấu bằng chứng cho thấy cuộc chiến đã trở nên không thể kiểm soát được.

Hoàn toàn mù mờ về cuộc chiến

Các tài liệu mới trên gợi nhớ tới “Tài liệu Lầu Năm Góc”, kho tài liệu quân sự gây chấn động về chiến tranh Việt Nam bị rò rỉ và cũng được tờ Washington Post đăng tải năm 1971. Tài liệu Lầu Năm Góc cho thấy câu chuyện tương tự: quân đội Mỹ đã lừa dối, che đậy sự thất thế trong cuộc chiến ở Việt Nam.

Tờ Washington Post phải đấu tranh pháp lý trong 3 năm để tiếp cận bản ghi các cuộc phỏng vấn, được thực hiện bởi Văn phòng Tổng Thanh tra Đặc biệt về Tái thiết Afghanistan (SIGAR), cơ quan Liên bang Mỹ có nhiệm vụ chống tham nhũng, lãng phí trong các nỗ lực chiến tranh của nước này. Các cuộc phỏng vấn được SIGAR tiến hành bên cạnh việc thanh tra chính thức, nhằm tìm ra các bài học từ thất bại ở Afghanistan. Nhiều sai lầm của Mỹ trong cuộc chiến Afghanistan đã bị SIGAR phanh phui trước đây, công bố trong các báo cáo kỹ thuật, nhưng các tài liệu mới này tiếp tục vẽ nên bức tranh dễ hiểu hơn về những gì đã xảy ra.

John Sopko, người đứng đầu SIGAR thực hiện các cuộc phỏng vấn, thừa nhận, các tài liệu cho thấy, người dân Mỹ liên tục bị lừa dối. Bên cạnh những “bài học rút ra”, tờ báo cũng nhận được hàng trăm bản ghi nhớ được viết bởi Donald Rumsfeld, người từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời cựu tổng thống George W. Bush. Mỹ kéo quân đến Afghanistan sau vụ tấn công 11-9- 2001 ở New York và Washington nhằm loại bỏ mối đe dọa từ Al-Qaeda và lật đổ Taliban. Gần 20 năm sau đó, khoảng 13.000 lính Mỹ vẫn ở Afghanistan và Taliban vẫn là mối đe dọa tiếp tục đối với chính phủ Afghanistan. “Chúng tôi không có những hiểu biết cơ bản về Afghanistan - chúng tôi không biết mình đang làm gì”, ông Douglas Douglas Lute, một tướng quân đội ba sao từng tham gia cuộc chiến ở Afghanistan dưới thời cựu Tổng thống Bush và Barack Obama, cho biết trong cuộc phỏng vấn năm 2015. “Chúng tôi đang cố gắng làm gì ở đây vậy? Chúng tôi hoàn toàn mù tịt về những gì chúng tôi đang thực hiện”, ông Lute cho biết thêm.

Tiêu tốn 1.000 tỷ USD?

Jeffrey Eggers, một thành viên của lực lượng Hải quân SEAL kiêm nhân viên của Nhà Trắng đã nghỉ hưu dưới thời ông Bush và ông Obama, đã đặt câu hỏi về cái giá mà Mỹ phải trả cho cuộc chiến ở Afghanistan. “Chúng ta đã nhận được gì cho cuộc chiến trị giá 1.000 tỷ USD này? Có phải nó trị giá 1.000 tỷ USD không?, ông Eggers đặt câu hỏi. “Sau khi Osama bin Laden bị tiêu diệt, tôi đã nói rằng, Osama có lẽ đang cười nhạo dưới mộ khi biết được chúng tôi đã chi bao nhiêu cho cuộc chiến”, ông nói.

Trong số những người được phỏng vấn có cựu tướng quân đội Michael Flynn, người từng là Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Trump. “Từ các đại sứ xuống cấp thấp, tất cả họ đều nói chúng tôi đang làm một công việc tuyệt vời. Nhưng có thật vậy không? Vậy, tại sao chúng ta lại cảm thấy như mình đang thua?”, ông Flynn nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2015.

Các quan chức cấp cao Mỹ được phỏng vấn cho biết không có chiến lược hay mục tiêu rõ ràng nào ở Afghanistan sau khi đẩy lui Al-Qaeda và lật đổ Taliban. “Nếu có một khái niệm về nhiệm vụ thì đó là của Afghanistan. Nhưng tại sao chúng ta lại ở đó sau 15 năm. Chúng ta đang cố gắng để đạt được điều không thể đạt được”, ông Richard Boucher, từng là nhà ngoại giao hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ tại Nam Á, cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2015. Một quan chức Mỹ  từng là người liên lạc với NATO cũng đặt ra những câu hỏi về chiến lược: “Chúng tôi thực sự đã làm gì ở đất nước đó? Mục tiêu của chúng tôi là gì? Xây dựng quốc gia ư? Quyền phụ nữ ư? Đây chưa từng là suy nghĩ của chúng ta về những mục tiêu ở Afghanistan”.

Tờ Washington Post cho biết các cuộc phỏng vấn cũng cho thấy, “chính phủ Mỹ thường xuyên đưa ra các số liệu thống kê mà các quan chức biết là bị bóp méo, giả mạo hoặc hết sức sai lầm”. Một quan chức cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Obama liên tục gây áp lực buộc cơ quan này phải đưa ra các số liệu cho thấy sự gia tăng của quân đội Mỹ đang hoạt động ở Afghanistan từ năm 2009 đến 2011 mặc dù có bằng chứng ngược lại. “Không thể tìm ra các con số phù hợp. Chúng tôi đã thử đưa ra những con số về số lượng quân được đào tạo, mức độ bạo lực, kiểm soát lãnh thổ và không con số nào vẽ ra một bức tranh chính xác. Các số liệu luôn bị thao túng trong suốt thời gian xảy ra cuộc chiến”.

AN BÌNH