Người Mỹ gốc Á với nỗi lo bị kỳ thị

Thứ sáu, 19/03/2021 12:50

Người Mỹ gốc Á, vốn đã kiệt sức sau 1 năm đại dịch tấn công, lại đối mặt với tình trạng phân biệt chủng tộc khi một tay súng da trắng bị buộc tội tấn công 3 tiệm massage ở khu vực Atlanta và giết chết 8 người, hầu hết là phụ nữ Châu Á, vào tối 16-3 (sáng 17-3, giờ Việt Nam).

Người dân xuống đường giơ biểu ngữ ủng hộ cộng đồng người Mỹ gốc Á và gốc Tây Ban Nha hôm 17-3 (giờ địa phương). Ảnh: AP

Động cơ phân biệt chủng tộc?

Ngày 18-3, hàng trăm người Mỹ gốc Á và người dân các đảo ở Thái Bình Dương đã sử dụng mạng xã hội để thể hiện sự tức giận, buồn bã, sợ hãi và vô vọng của họ sau vụ tấn công. Dòng hashtag StopAsianHate (Ngừng phân biệt người Châu Á) được sử dụng rộng rãi trên Twitter vài giờ sau vụ xả súng.

“Tôi nghĩ lý do mọi người cảm thấy vô vọng là vì người Mỹ gốc Á đã gióng lên hồi chuông về vấn đề này quá lâu... Chúng tôi đã giương cao lá cờ đỏ”, Aisha Yaqoob Mahmood, Giám đốc điều hành của Atlanta - Quỹ ủng hộ người Mỹ gốc Á có trụ sở, hoạt động chính trị và vận động trên khắp Georgia, nói với AP. Nhiều người phẫn nộ khi nghi phạm Robert Aaron Long, 21 tuổi, không bị buộc tội ngay lập tức. Các nhà chức trách cho biết, Aaron Long nói với cảnh sát rằng, cuộc tấn công không mang động cơ phân biệt chủng tộc và anh ta khai nhắm mục tiêu vào các cơ sở vì "nghiện tình dục". 6 trong số 7 phụ nữ bị giết được xác định là người Châu Á.

“Cơ quan thực thi pháp luật cần “một số khóa đào tạo để hiểu thế nào là tội ác căm thù, phân biệt chủng tộc. Người đàn ông này đã xác định các mục tiêu do người Châu Á làm chủ”, chuyên gia Margaret Huang cho biết và nhấn mạnh, tay súng "rõ ràng đã truy đuổi một nhóm người được nhắm mục tiêu”. Bản thân là người Mỹ gốc Á, Huang cho rằng, rõ ràng vụ xả súng mang tính cá nhân. Cô ấy lo lắng rằng việc không phân loại vụ tấn công là một tội ác thù hận mang động cơ phân biệt chủng tộc sẽ “tuyệt đối không khuyến khích những người khác tiếp tục tiến lên và tìm kiếm sự giúp đỡ”.

Giới chức Mỹ lo ngại

Phát biểu sau vụ xả súng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng tình trạng bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á là “rất đáng quan ngại”.

Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh đã đề cập tình trạng bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á trong nhiều tháng qua và nêu rõ tình trạng này rất đáng quan ngại. Liên quan các vụ xả súng mới nhất, Tổng thống Biden cho hay chưa xác định được động cơ dẫn đến vụ xả súng này. Hồi tuần trước, trong bài phát biểu đánh dấu 1 năm nước Mỹ phải đối mặt với đại dịch COVID-19, Tổng thống Biden đã lên án "tội ác thù hận tàn ác" chống lại cộng đồng người Mỹ gốc Á khi khẳng định đó là hành động sai trái và phải chấm dứt.

Trong khi đó, một số nhà lập pháp Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng bạo lực gia tăng đối với người Mỹ gốc Á sau vụ tấn công trên. Mặc dù chưa rõ động cơ của vụ tấn công có xuất phát từ phân biệt chủng tộc hay không, tuy nhiên kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, các vụ tấn công công nhằm vào người Mỹ gốc Á tăng mạnh tại Mỹ. Một báo cáo mới công bố cho biết, có gần 3.800 vụ tấn công kỳ thị nhằm vào người Mỹ gốc Á trong vòng chưa đầy 1 năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ. Theo báo cáo do Stop Asian American Pacific Islander (AAPI), các hình thức kỳ thị bao gồm lăng nhục, né tránh, tấn công thân thể, quấy rối trực tuyến tới các vi phạm quyền công dân. Trong đó, phụ nữ là nạn nhân của các vụ kỳ thị nhiều hơn gấp 2,3 lần so với nam giới, trong khi đó người Trung Quốc là nhóm dân tộc lớn nhất (42,2%) bị kỳ thị. Theo Giáo sư  nghiên cứu người Mỹ gốc Á Russell Jeung từ trường Đại học bang San Francisco, người đồng sáng lập  Stop AAPI Hate, các vụ kỳ thị sẽ vẫn không giảm bớt trừ khi phải có yêu cầu hành động cụ thể.

Trên trang Twitter, Hạ nghị sĩ Michelle Steel lên án vụ tấn công là “vô nghĩa và bi thảm", trong khi Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal cho rằng vụ xả súng phản ánh một xu hướng cần phải chấm dứt, đồng thời cho rằng nước Mỹ phải đoàn kết để chống lại làn sóng bạo lực đang bùng phát nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á.

Kiểm soát súng đạn - câu chuyện chưa có hồi kết

Các vụ xả súng kinh hoàng và đẫm máu vẫn nối tiếp nhau diễn ra trong suốt những năm qua, như những lời cảnh tỉnh về một nước Mỹ ngày càng thiếu an toàn hơn khi các giá trị về tự do phần nào bị lung lay từ ngay trong lòng nước Mỹ.

Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát vừa thông qua hai dự luật về siết chặt kiểm soát súng, một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất và từ lâu được cho là không có hồi kết tại quốc gia này. Dù cả hai dự luật trên được Hạ viện thông qua với số phiếu chênh lệch không lớn, song phần nào đã mang lại những tín hiệu tích cực và niềm tin về một nước Mỹ an toàn hơn sau rất nhiều vụ xả súng đẫm máu trong những năm gần đây. Việc Hạ viện thông qua các dự luật kiểm soát súng trên cho thấy quyết tâm từ phe Dân chủ cũng như cam kết của Tổng thống Joe Biden trong chiến dịch tranh cử về việc tăng cường kiểm soát súng đạn.

Tuy nhiên, để có thể chính thức trở thành đạo luật, chính quyền của ông Biden và phe Dân chủ vẫn còn một chặng đường dài phía trước, đặc biệt nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt của phe Cộng hòa tại Thượng viện thời gian tới. Các dự luật kiểm soát súng đạn từng bị "chết yểu" dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama hiện cũng không dễ có cơ hội "sống lại" dưới chính quyền của ông Biden, dù rằng đảng Dân chủ đang giành quyền kiểm soát tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ.

KHẢ ANH