Người nước ngoài đồng loạt nhắn ‘Cảm ơn Việt Nam’ giữa mùa dịch
Hưởng ứng chiến dịch “Cố lên Việt Nam” trên MXH, hàng chục người nước ngoài đồng loạt cầm tấm biển ghi lời cảm ơn, cổ vũ nhân viên y tế, chiến sĩ Việt ở tuyến đầu chống Covid-19.
“Cảm ơn Việt Nam” hay “Việt Nam cố lên” là chiến dịch do Wayne Worrell (54 tuổi) - giáo viên tiếng Anh, sống ở Việt Nam 10 năm - khởi xướng cách đây vài ngày. Ông Worrell cùng 25 người nước ngoài hiện sinh sống, làm việc ở Việt Nam đồng loạt gửi thông điệp cảm ơn đội ngũ nhân viên y tế, cảnh sát, quân đội, tình nguyện viên Việt Nam vì những nỗ lực của họ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Mỗi người một lời tri ân khác nhau nhưng tất cả đều ghi nổi bật dòng chữ: “Việt Nam cố lên!”. |
Chia sẻ với Zing, Worrell cho biết trong thời gian ở nhà tránh dịch, ông đọc nhiều bài báo về nỗ lực chống Covid-19 của Việt Nam. Bản thân lấy vợ Việt, có 3 con và ở Hà Nội đã 10 năm, ông muốn làm điều gì đó cho quê hương thứ hai của mình. Thông qua MXH, nam giáo viên kêu gọi bạn bè chụp ảnh với thông điệp ý nghĩa và nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng. Trong ảnh, gia đình Dan và Maggie Klein (bên trái, đến từ Mỹ) cảm ơn Việt Nam vì giúp họ an toàn. Còn Mohamed Mostafa Shaaban (người Ai Cập, chủ một nhà hàng ở Hà Nội) cảm ơn nỗ lực tuyệt vời của đội ngũ y bác sĩ. |
Người tham gia chiến dịch của Worrell đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Anh, Mỹ, Đức, Nam Phi, Bồ Đào Nha, Ấn Độ, Latvia... Phần lớn trong đó hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội, một số khác đến từ TP.HCM, Bạc Liêu, Bến Tre. Trong ảnh bên trái, Daina Raiskuma (người Latvia, quản lý một quán cà phê ở Hà Nội) cảm ơn đội ngũ y bác sĩ Việt vì lòng dũng cảm, sự hy sinh và tử tế của họ. Còn Duarte Mendes (giáo viên tiếng Anh, đến từ Bồ Đào Nha) cảm kích trước nỗ lực chống dịch của Việt Nam. |
“Tôi đã ở nhà gần 12 tuần và bận chăm sóc 3 con nhỏ 24/7 nên không thể dạy trực tuyến. Vì vậy, khi các con chơi hay ngủ, tôi thực hiện các chiến dịch của mình, có khi đến 5-6h sáng. Tôi không mong được nổi tiếng, mà chỉ đơn giản muốn gắn kết mọi người thuộc bất kỳ quốc tịch nào. Mọi người cần hiểu người nước ngoài ở lại Việt Nam vì coi đây là quê hương. Họ cũng quan tâm, coi người Việt là anh chị em của mình”, Worrell nói. Trong ảnh, Elyciah Klaartjies (giáo viên tiếng Anh người Nam Phi) viết: “Nhờ sức mạnh của các bạn mà tôi không hề thấy sợ hãi”. |
Đây không phải chiến dịch đầu tiên Wayne Worrell khởi xướng trong đợt dịch Covid-19 ở Việt Nam. Trước đó, ông đã đi hiến máu và kêu gọi cộng đồng người nước ngoài làm điều tương tự. Sau khi bài viết của nam giáo viên được chia sẻ trên MXH, số người hiến máu ở một địa điểm tăng gấp 5 lần. Trong ảnh, Ed Brown (trái) - giáo viên tiếng Anh ở Hà Nội - gửi lời cảm ơn “những người vẫn ra ngoài làm việc để duy trì các dịch vụ thiết yếu”. Gia đình Joe, Becca và Scotty Phillips (đến từ Mỹ) biết ơn vì được bảo vệ an toàn. |
Worrell tiết lộ trong vài ngày tới, ông sẽ giới thiệu tới cộng đồng chiến dịch mới. Theo đó, người tham gia được khuyến khích chụp ảnh cầm tờ giấy ghi thông điệp #consẽởnhà. Với mỗi bức hình, 10.000 đồng sẽ được quyên góp vào quỹ chống dịch Covid-19 ở Việt Nam. “Chúng tôi biết ơn sự hy sinh to lớn và muốn các y bác sĩ, quân đội, cảnh sát và tình nguyện viên ở tuyến đầu chống dịch biết rằng họ không đơn độc”, ông nói. Trong ảnh, giáo viên âm nhạc người Mỹ Chelsea Kerbaugh (trái) viết: “Chúng tôi mãi mãi biết ơn”. Còn ông Alexander Marco Burkhardt (quốc tịch Đức) ca ngợi: “Những con người phi thường. Một đất nước tuyệt vời”. |
Với Alex Pike (giáo viên tiếng Anh người Mỹ), những người đang gồng mình chống dịch ở tuyến đầu đều tuyệt vời. Nhóm giáo viên tiếng Anh người Nam Phi gồm Julia Meyer, Courtney Jordaan và Molly McMiles (từ trái qua) trân trọng sự nỗ lực và hy sinh của những người hùng trong cuộc chiến với dịch bệnh ở Việt Nam. |
Bên cạnh đội ngũ nhân viên y tế và quân đội, Connor Sims (giáo viên tiếng Anh người Mỹ) cũng gửi lời cảm ơn nhân viên siêu thị, tài xế và chính phủ Việt Nam. Đáp lại tình cảm của cộng đồng người nước ngoài, nhiều dân mạng Việt Nam cũng gửi lời cảm ơn họ vì tấm lòng tử tế giữa mùa dịch |
Theo zing