Người nước ngoài tạo “bình phong” để hoạt động phi pháp
Thông qua công tác nắm tình hình trên địa bàn, Đội An ninh CAQ Thanh Khê (TP Đà Nẵng) phát hiện hoạt động nghi vấn vi phạm pháp luật của người Trung Quốc tại khách sạn Phú Lộc Phát trên đường Nguyễn Tất Thành. Đó là vào ngày 3-6-2019, chủ khách sạn này đến CAP Thanh Khê Tây (Q. Thanh Khê) khai báo tạm trú cho 8 người quốc tịch Trung Quốc lưu trú trong thời gian từ 1-2 tháng. Có hôm, số người đến lưu trú tại đây tăng lên 11 người. Nhóm người này sử dụng các phòng 301, 401, 402, 501 và thuê 3 người Việt Nam phục vụ việc nấu ăn. Đặc biệt là ở các phòng này, nhóm người Trung Quốc đặt nhiều máy tính có kết nối mạng để làm việc cả ngày lẫn đêm. Khách sạn Phú Lộc Phát nằm ở vị trí giáp biển nên hoạt động của nhóm người này theo kiểu khép kín, có biểu hiện sử dụng thiết bị công nghệ cao vi phạm pháp luật.
Cơ quan An ninh đang làm việc với nhóm người Trung Quốc. |
Thượng tá Hồ Thanh Hưng - Phó trưởng CAQ Thanh Khê cho biết, từ thông tin nói trên, ngày 3-7, CAQ Thanh Khê đã có Kế hoạch số 213/KH-CAQ (AN) phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ CATP Đà Nẵng kiểm tra tình hình người nước ngoài trên địa bàn nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn, kịp thời xử lý các vi phạm về đăng ký tạm trú, nhập cảnh hoạt động sai mục đích và các hoạt động vi phạm pháp luật khác liên quan đến người nước ngoài với các dấu hiệu núp bóng tổ chức cá độ, hoạt động tội phạm công nghệ cao.
Trên cơ sở đó, vào lúc 14 giờ ngày 5-7, Đội An ninh CAQ Thanh Khê tiếp tục nắm tình hình và phát hiện 10 người nước ngoài quốc tịch Trung Quốc thông qua người Việt Nam để thuê nguyên khách sạn Phú Lộc Phát trên đường Nguyễn Tất Thành đã nghỉ kinh doanh để làm “bình phong” phục vụ cho hoạt động của nhóm này. Số ngươi đó thông qua dịch vụ trên mạng để xin thị thực du lịch vào Việt Nam. Tuy nhiên lại không đi theo chương trình được bảo lãnh mà trên thực tế là vào Việt Nam để lao động, làm việc. Tại thời điểm kiểm tra, trong số này có một đối tượng người Trung Quốc cầm đầu đang tiến hành các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo số người Trung Quốc khác thông qua mạng Internet để tham gia vào các hoạt động vui chơi có thưởng. Đồng thời đối tượng cầm đầu còn tích cực dụ dỗ, lôi kéo số người Trung Quốc khác sang Việt Nam để được huấn luyện, đào tạo sử dụng máy tính, điện thoại do chính đối tượng này cấp để nhằm thực hiện hoạt động trên.
Lực lượng An ninh kiểm tra dữ liệu trong các laptop cá nhân. |
Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan An ninh đã phát hiện tại các phòng trong khách sạn, các đối tượng đang sử dụng 2 máy tính bàn và 16 laptop, điện thoại di động có kết nối mạng. Hiện nay Đội An ninh CAQ Thanh Khê đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ ban đầu để đề xuất xử lý theo quy định của Pháp luật.
Trung tá Nguyễn Văn Thanh- Đội trưởng Đội An ninh CAQ Thanh Khê cho biết: “Xác định công tác quản lý cư trú, hoạt động của người nước ngoài là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình công tác của CATP, CAQ. Do vậy trong thời gian qua, Đội An ninh đã tăng cường, tập trung lực lượng phối hợp nắm tình hình, kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các vi phạm của người nước ngoài trên lĩnh vực xuất nhập cảnh và các vi phạm của cơ sở lưu trú trong việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài”.
Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2019 đã phát hiện 19 cơ sở lưu trú vi phạm trong việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài, trong đó có 77 người nước ngoài chưa được khai báo tạm trú. Qua đó đã ra quyết định phạt trên 30 triệu đồng. Về hoạt động của người nước ngoài đã phát hiện 4 trường hợp gồm 131 người nước ngoài Trung Quốc có hoạt động sai mục đích nhập cảnh, có dấu hiệu núp bóng pháp nhân người Việt để kinh doanh, lừa đảo và hoạt động lôi kéo người nước ngoài khác tham gia vào các trò chơi có thưởng trên mạng Internet. Trên cơ sở đó, CAQ Thanh Khê đã kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ ban đầu chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Kiểm tra 2 máy chủ có màn hình lớn kết nối Internet. |
Đặc biệt, qua công tác nắm tình hình vào cuối tháng 11-2018 phát hiện có 118 người nước ngoài Trung Quốc tạm trú tại một số khách sạn trên địa bàn phát hiện dấu hiệu bất minh về cư trú, hoạt động. Qua theo dõi, kiểm tra, phát hiện số người này đang làm việc tại một văn phòng kinh doanh cho thuê trên địa bàn Q. Thanh Khê. Tất cả các đương sự đều thông qua dịch vụ trên mạng để xin thị thực nhập cảnh Việt Nam với mục đích du lịch (thị thực ký hiệu DL). Tuy nhiên, sau khi nhập cảnh, các đương sự không thực hiện theo chương trình, tour tuyến của các công ty bảo lãnh mà đến tạm trú tại Q. Thanh Khê để làm việc. Tại đây, số người nước ngoài nói trên được chia thành 7 nhóm và mỗi nhóm có 1 người là nhóm trưởng chịu trách nhiệm quản lý các thành viên và mỗi thành viên được trưởng nhóm trang bị 1 máy tính kết nối Internet. Số người này đều khai nhận làm việc cho các ông chủ ở Trung Quốc. Thông qua các phần mềm, trang web của Trung Quốc để dụ dỗ, lôi kéo nhiều người Trung Quốc khác tham gia vào các chương trình do số đối tượng này tạo ra nhằm mục đích kiếm lời hoặc lôi kéo, dụ dỗ thêm nhiều người Trung Quốc khác sang Việt Nam để được huấn luyện, đào tạo để tham gia vào hoạt động vi phạm của số này.
Đây thực sự đang là vấn đề cần được quan tâm trong bối cảnh có không ít người nước ngoài đến Việt Nam nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng dưới nhiều danh nghĩa khác nhau để hoạt động vi phạm pháp luật. Do đó, việc tăng cường công tác quản lý để chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm đối với người nước ngoài là điều hết sức cấp thiết. Dưới đây là một số hình ảnh được P.V Báo CATP Đà Nẵng ghi lại tại thời điểm kiểm tra KS Phú Lộc Phát, đường Nguyễn Tất Thành.
PHƯƠNG KIẾM