Người ở lại Kỳ Rỹ

Thứ bảy, 21/01/2023 20:10
Hơn 20 năm gắn bó với biên ải Kỳ Rỹ, A Xing (nay là thôn Kỳ Tăng, xã Lìa, H.Hướng Hóa, Quảng Trị), cô Trần Thị Châu - Trường Mầm non A Xing, cùng bạn đời nghề giáo đã dành trọn tâm huyết, chia sẻ khó khăn với đồng bào Pa Cô – Vân Kiều nghèo nơi đây. Nhiều người ví lòng tốt của gia đình cô giáo tuổi Mão như “kho báu”, luôn lấp lánh trên biên viễn này.
Thầy Thành (chồng cô Châu), tặng quà khuyến học cho học sinh nghèo của bản Kỳ Tăng từ chính nguồn lương của hai vợ chồng.
Cô Châu mang chiếc áo do chính mình cắt may cho trẻ mầm non A Xing.

Từ TP Đông Hà vượt hơn 110 km ngược lên bản có sông biên giới Sê Pôn này, tôi hình dung những ngược xuôi cuối tuần về xuôi mà cô Châu thực hiện bao năm qua trên hành trình nhân ái đã lựa chọn được duy trì bởi sự kiên định, lòng không khỏi cảm phục. Hỏi nhà cô giáo Châu, bà Y Nga (thôn Amôr, xã Lìa) liền dẫn tôi đến trước ngôi nhà cấp 4 có bụi dã quỳ hoa đang nở vàng rực. Nghe tiếng í ới của người mẹ Pa Cô, cô Châu cùng chồng là thầy Đỗ Xuân Thành (1971 - giáo viên trường Tiểu học và THCS A Xing) chạy ra đón trong niềm nở. Câu chuyện với vợ chồng cô Châu cứ như bất tận trong vô vàn cảm xúc. Đó là nhiệt huyết, là tình yêu thương bao la, là nghị lực vươn lên trong nghịch cảnh và gói gọn trong từ: cảm phục!

Sinh năm 1975, quê Q.Hải Châu, Đà Nẵng, lớn lên ở vùng Cùa, H.Cam Lộ (Quảng Trị), nhưng trọn thanh xuân cô giáo Châu gửi trên vùng biên giới tuyến Lìa cho đến tận bây giờ. Từ một người bén duyên ngành lâm nghiệp, cô Châu rẽ lối sang sự nghiệp “trồng người” ở nơi vùng núi đầy nắng, đầy gió và lắm gian nan này. Cha mất sớm, mẹ ốm đau, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên năm 1993 dù đỗ Đại học Y Huế, cô Châu đành gác lại khát khao trở thành bác sĩ để trở thành lao động trụ cột gia đình. Mấy năm sau, cô chọn học ngành lâm nghiệp (vừa học vừa làm) tại Trường Công nhân kỹ thuật Quy Nhơn. Tốt nghiệp năm 1998, cô Châu rời quê nhà lên Hướng Hóa nhận việc và được chuyển vào nông trường cao su tại A Xing năm 1999. Giữa vùng đất xa xôi, heo hút, lam sơn chướng khí, đồng bào Pa Cô – Vân Kiều nghèo khó, cô lại thấy thương mến đến lạ. Chính tại đây, cô đã gặp chân ái đời mình là thầy Đỗ Xuân Thành đang dạy học tại A Xing. Thầy Thành quê H.Triệu Phong, gia đình đi kinh tế mới ở xã Tân Long (H.Hướng Hóa), lúc đó đã có mấy năm dạy học ở bản. Khi cô Châu quyết định gắn bó với biên cương, thầy Thành cũng đồng tâm, ủng hộ. Năm 2000, hai vợ chồng cất căn nhà nhỏ tại bản Kỳ Rỹ. Bám bản, ở với đồng bào, cô Châu càng thấu hiểu vất vả, thiếu thốn của bà con. Nên ngay từ thời điểm đó, dù vợ chồng còn lắm chật vật, cô Châu vẫn mở ra hành trình thiện nguyện. Mỗi lần về xuôi, cô không quản ngại đi xin áo quần, xin sách vở cho trẻ em, kêu gọi ủng hộ nhu yếu phẩm cho bà con. Khi công việc tại nông trường có thay đổi, cô quyết định không rời Kỳ Rỹ nữa và nghỉ việc. Bao nhiêu gắn bó và thôi thúc bởi tình yêu con trẻ, cô quyết định đi học sư phạm mầm non với mong muốn về dạy cho con em của bản. Năm 2002, cô Châu chính thức bước vào nghề giáo. Việc dạy có lúc gián đoạn và thay đổi địa bàn vì điều kiện khách quan, đến năm 2005 cô Châu trở lại trường Mầm non A Xing, tiếp tục nâng cao trình độ, nghiệp vụ và công tác cho đến bây giờ. Với niềm yêu nghề, cô Châu luôn là người “mẹ hiền” của trẻ nhỏ vùng cao A Xing. Không chỉ có thế, các em còn nhận được ở cô giáo miền xuôi này nhiều hơn thế. Đó là sự sẻ chia đầy thiết thực mà cô là mắt xích của sợi yêu thương vô ngần đặc biệt ấy.

Thầy Thành (chồng cô Châu), tặng quà khuyến học cho học sinh nghèo của bản Kỳ Tăng từ chính nguồn lương của hai vợ chồng.

Cứ cuối tuần, ngày nghỉ, cô Châu lại cùng chồng lặn lội về xuôi kêu gọi quyên góp áo quần mùa đông, sách vở vào năm học mới, quà bánh, sữa cho trẻ, gạo dầu cho đồng bào... Nếu xin được vải, cô Châu lại tự tay may đồng phục cho trẻ. Không thể đong hết được ân tình cô Châu đã dành cho trẻ nghèo trên bản cao này hơn 20 năm qua. Đồng tâm cùng vợ, thầy Thành cũng trở thành “mắt xích” để nối dài thiện nguyện, kêu gọi ủng hộ, trích lương để tặng quà khuyến học cho học sinh của bản Kỳ Tăng, cho học sinh nghèo khó khăn tại trường mỗi dịp năm học đến. “Mừng lắm khi có sự đồng hành của nhiều cá nhân, tổ chức. Chúng tôi hạnh phúc khi chuyển những tấm lòng ấy đến với đồng bào, với các em nhỏ kịp thời” - cô Châu xúc động tâm sự về động lực trên hành trình thiện nguyện, lan tỏa ra nhiều xã biên giới khác. Nhờ sự quan tâm, sẻ chia của vợ chồng cô Châu, nhiều phụ huynh đã thêm động lực cho con đến lớp. Nhờ những tấm áo được may kỳ công chứa đựng ấm áp, bao em nhỏ đã thoát khỏi rét run giữa giá lạnh... Đáng trân quý hơn cả, trong giai đoạn 2014-2019, cô Châu không may mắc bệnh hiểm nghèo mà vẫn vừa chống chọi với bạo bệnh, vừa không ngừng việc thiện nguyện đã lựa chọn vì lo cho trò, thương bà con. Và kỳ tích đã tìm đến. Sau 5 năm chữa trị, cùng với năng lượng tích cực làm việc tốt, cô Châu từ hồi phục đến đạt các chỉ số sức khỏe bình thường trở lại. Điều đó càng thôi thúc cô cống hiến nhiều hơn... Trước tấm lòng của vợ chồng cô giáo Châu, Chủ tịch UBND xã Lìa Hồ Văn Chung bày tỏ sự xúc động bởi sự đóng góp vô cùng đáng quý ấy.

Tôi rời căn nhà nhỏ, giản đơn của vợ chồng cô giáo, cũng là lúc các mẹ, các chị đến dự lớp tập luyện dưỡng sinh trường sinh học do cô Châu mở miễn phí nhằm nâng cao sức khỏe cho đồng bào. Trong bao ánh mắt vui vẻ ấy, dường như tôi cũng đã chạm đến suối nguồn thương yêu mà cô đã khơi chảy trên biên viễn xa xôi này.

LÊ HOA