Người Quảng xa xứ kiên cường giữa tâm dịch
Trước đây, ở TPHCM, người Quảng Nam - Đà Nẵng cư ngụ và lập nghiệp nhiều nhất là Tân Bình và Gò Vấp, sau này còn có Bình Tân, Tân Phú, Quận 12... Những ngày này, Gò Vấp nổi lên như một tâm dịch làm nhiều người âu lo, trong đó không ít người thân từ quê nhà xứ Quảng đang hướng về nơi có những người con xa quê đang sinh sống.
Nhiều tuyến đường chính của Gò Vấp thưa thớt người qua. |
Gò Vấp và người Quảng
Vào những thập niên 80 của thế kỷ trước nếu ai có dịp đăt chân đến với khu Bảy Hiền (Tân Bình), Hạnh Thông Tây (Gò Vấp) nghe tiếng khung dệt vang lên nhộn nhịp trong các con hẻm nhỏ như đang đi giữa miền tơ lụa quê hương đất Quảng. Những năm đầu thế kỷ XXI ở những nơi này tiếng thoi dệt vải vắng dần, do thay đổi công nghệ và chuyển tập trung sản xuất ngành dệt vào các khu công nghiệp. Gò Vấp còn một nguyên nhân nữa là tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh, người dân xa dần nghề dệt truyền thống, chuyển đổi nghề khác để sinh sống, trong đó số đông là người Quảng .
Trước đây, Gò Vấp còn biết đến là nơi có nhiều ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, gắn liền với tên tuổi của người Quảng Nam như ông Nguyễn Châu (Tiên Phước) là người tiên phong xây dựng HTX Cơ khí Đồng Tâm nỗi tiếng vào những năm đầu giải phóng, Ông Trịnh Tâm (Duy Xuyên) HTX Dệt Nhuộm Thống Nhất, ông Nguyễn Thanh Bình (Bình Cạn) người Điện Bàn - Cty Dệt Quyết Thắng… ngoài ra còn rất nhiều người làm nghề đúc đồng, nấu đường, làm thuốc rê,..
Ngày ấy, Gò Vấp còn là vựa rau của Sài Gòn và là nơi cung cấp các loại hoa, các loại cây kiểng rất đẹp qua sự chăm sóc của những nghệ nhân trồng hoa, kiểng nổi tiếng. Ngày nay, đất trồng hoa thu hẹp chỉ còn một phần đất nhỏ chính quyền Gò Vấp xây dựng một công viên Làng Hoa nằm ở góc đường Lê Văn Tho và Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm) hằng năm cứ vào ngày giáp Tết người dân khắp nơi đưa hoa về đây trao đổi, mua bán thành một chợ hoa truyền thống ờ phía Nam.
Gò Vấp không xa trung tâm thành phố, trong nhiều thập niên qua, không chỉ người dân xứ Quảng mà rất nhiều cư dân các vùng miền đổ về cư ngụ tại Gò Vấp để sinh sống và lâp nghiệp, dân số tăng nhanh qua từng năm. Hiện tại dân số Gò Vấp xếp thứ 2 sau Bình Tân.
Đồng hương xứ Quảng muốn thưởng thức các món ẩm thực quê nhà thường tìm đến Gò Vấp với những món ăn thân thuộc như: Mỳ Quảng, bánh bèo, bánh đúc, Gà ta Tam Kỳ, bê thui, lòng xào nghệ, hến Hội An... có mặt đều khắp các tuyến đường.
Nhiều bảng hiệu khuyến cáo người dân không ra đường. |
Tâm dịch Gò Vấp
Những ngày cuối tháng 5, thông tin về những ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 tại một điểm sinh hoạt của một điểm nhóm Hội thánh truyền giáo, trên con đường Nguyễn Văn Công thuộc địa phận phường 3 Gò Vấp. Khi nhà chức trách thông báo về các ca bệnh nhiều người lo lắng, những thông báo tìm người có liên quan F1, F2, cấp tập từ thành phố đến với người dân, cùng với đó là các biện pháp phòng chống dịch được triển khai liên tục, thần tốc.
TPHCM được xem như vùng đất năng động nhất cả nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, người dân của TP cũng rất năng động, nhất là nhiều bạn trẻ có nhiều sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, người dân TP cũng vậy “chơi ra chơi, làm ra làm”, đó là tính cách của người Sài Gòn. Thế nhưng, khi chính quyền TP ra quyết định giãn cách xã hội theo tinh thần của Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với Gò Vấp nhiều người lo lắng, công viêc sẽ không ít xáo trộn, những con người lúc nào cũng hối hả với công việc, lúc này phải đứng lại đề thực hiện công tác phòng chống dịch thì thật là điều chẳng ai mong muốn, nhưng với mục tiêu vì cộng đồng và sức khỏe, nên người dân rất đồng tình ủng hộ thực hiện nghiêm túc các quyết định của TP.
Ngay từ 0h00 ngày 31-5 khi thông báo giãn cách xã hội có hiệu lực, các cơ quan chức năng của Q. Gò Vấp phải đối phó với nhiều tình huống một cách lúng túng khi lượng người ra vào Gò Vấp mỗi lúc một đông tại thời điểm này. Và, như vậy Gò Vấp, phải mở, phải đóng các chốt liên tục trong những ngày đầu giãn cách. Chính quyền TPHCM và Gò Vấp phải chạy đua với thời gian để tìm một phương án tối ưu thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa ổn định để phát triển kinh tế.
Được biết, khi UBND TPHCM đưa ra quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của TTCP đối với Gò Vấp, từ chiều 30-5 và có hiệu lực từ 0h00 ngày 31-5, có lẽ thời gian gấp gáp có người đi làm xa chưa kip về, nhiều gia đình lo lắng. Các siêu thị lớn, nhỏ, chợ búa trong khu vực Gò Vấp đông kin kít người, ai cũng lo lắng dự trử lương thực thực phầm. Mặc dù TP khuyến cáo người dân không nên tích trữ, vì các cửa hàng thực phẩm vẫn mở cửa, nhưng tâm lý người dân lại lo âu trước các quy định về giãn cách xã hội và dịch bệnh.
Đến hôm nay công việc kiểm soát ra, vào Gò Vấp có vẻ đã ổn, những thông tin từng ngày cho thấy Gò Vấp vẫn còn phát hiện những ca bệnh truyền nhiễm đáng lo ngại trong cộng đồng, đang phong tỏa, cách ly tại nhà 9 điểm, cách ly tập trung 2 điểm và nhiều thông báo được phát đi từ Trung tâm Y tế các phường tìm kiếm những người đến các điểm có các ca nghi nhiễm, nhiều đêm liền các y bác sĩ đã căng mình lấy mẫu xét nghiệm cho hàng trăm ngàn dân ở nhiều phường của Gò Vấp. Nhiều nghĩa cử cao đẹp của người dân Gò Vấp được lan tỏa, các hàng hóa thực phẩm được hỗ trợ cho các điểm cách ly, các anh công an, dân phòng túc trực ngày đêm ờ các điểm phong tỏa.
Đường phố Gò Vấp ban ngày thưa thớt, thi thoảng có những chiếc xe máy lướt qua, các dãy phố sầm uất đóng cửa. Về đêm, phố phường vắng lặng, những bóng đèn hiu hắt trên những cung đường, những xóm nhỏ… người dân Gò Vấp chấp hành nghiêm các quyết định giãn cách xã hội.
Những ngày này, người dân xứ Quảng ở tâm dịch nguy hiểm đang là sự quan tâm của nhiều người, nhất là người thân và các cấp chính quyền địa phương ở quê nhà. UBND tỉnh Quảng Nam thông qua Hội đồng hương Quảng Nam tại TPHCM đã có lời thăm hỏi đến bà con, động viên mọi người chấp hành tốt công tác phòng chống dịch, không nên về quê trong lúc này. Vì về quê cách ly 21 ngày, có khi vào lại TPHCM cũng cách ly 21 ngày, nên bà con ở yên tại chỗ và chấp hành tốt các quy định về phòng chống dịch của địa phương là cách tốt nhất.
Gò Vấp nơi hội tụ nhiều cư dân khắp các vùng miền nhưng số đông vẫn là người dân xứ Quảng, người dân các tỉnh miền Trung. Hy vọng dịch bệnh sớm qua đi, cuộc sống bình thường sẽ trở lại với vùng đất ân tình này.
MAI PHÚC