Người Quế Sơn viết ca khúc Hội An
Đâu đó xa xa vọng lại khúc giang tấu bài “Tình ca Hội An” của nhạc sĩ Trần Quế Sơn. Giọng nữ trầm tha thiết cất lên: “Em hát tình ca ru anh, giữa lòng phố Hội nên thơ/thương hoa bưởi thơm sau hè, cho em vẫn mong anh về bên em”… Bất giác những khuôn mặt người, những thanh âm phố cứ ùa về trong tôi cảm xúc thương yêu vô hạn, gần gũi, dung dị, đáng yêu.
Ở cái phố Faifo này, bao chuyện tình, bao nhiêu người con gái tiễn đưa, chờ đợi khắc khoải những bóng thuyền đến rồi đi, ra khơi mãi không về. Những giai điệu mộc mạc, tự tình như câu chuyện người con gái Hội An cứ cuốn xô tâm trí tôi về ẩn náu nơi góc hoài niệm của riêng mình. Hội An hiện ra thật nên thơ, lời ru như cũng dạt dào len qua từng ô cửa “Em hát tình ca ru anh, đêm rằm phố cổ trăng mơ/ hoa cau vẫn rơi sân chùa, thương anh nói răng cho vừa, người ơi!”. Tình yêu thật đơn sơ, e ấp, trầm mặc như phố. Hoa cau trắng phau rơi rụng, như nỗi buồn cố kìm nén vỡ ra và rơi… Thoảng trong sương đêm là hương cau xa bay như có như không. “Em hát tình ca ru anh, tim hồng máu đỏ xin dâng/Yêu quên lá hoa lìa cành, yêu quên tóc bay theo mùa, chàng ôi!”. Một tình yêu tận hiến, thủy chung xóa nhòa cả thời gian, không gian và cả vết hằn thanh xuân trôi qua theo năm tháng. “Hội An ấm áp đời em, bằng đôi guốc mộc chiều đông”, bước chân đi về đơn côi, lẻ loi của người thiếu nữ phố như thấu tỏ, ôm cô vào lòng, ngóng chờ cùng cô người trai biển khơi ấy. Người con gái chỉ yêu thương lắm họ mới hát ru, âu yếm thì thầm lời gan ruột tự tình.
Hiếm có ca khúc nào duyên dáng, tinh tế, thâm trầm, đủ đầy như chính trái tim dạt dào người con gái sông Hoài. Tình yêu, sự ngóng đợi thầm kín cứ lớn dần, da diết ghi dấu qua từng ngõ rêu, từng mái phố rêu phong, thao thức như bóng đèn lồng đêm khuya vắng. Chỉ có tình yêu lớn lao, tiềm thức gắn bó máu thịt với cổ trấn này, nhạc sĩ mới góp nhặt được những giai điệu sâu lắng và ca từ xúc động, rưng rưng đến vậy. Mùa về trên mái phố, nỗi chờ mong như mưa xuân cho mái phố xanh rêu. Nỗi buồn, mong nhớ thật thà, hồn hậu được phố vỗ về “bằng mái ngói rêu, bằng nét Kim Bồng nghìn xưa”, mắt thuyền, mắt cửa cũng khắc khoải đợi chờ…
Nhạc sĩ Trần Quế Sơn đã quá tài tình khi đưa những hình ảnh văn hóa Hội An vào trong bài hát. Từ câu chuyện tình yêu của người con gái Hội An chờ người yêu phương xa mãi không về, tác giả đã khéo léo đưa các hình ảnh của phố Hội An vào ca khúc một cách rất tự nhiên. Bài hát đã thật sự chạm đến trái tim của bao người con Hội An, những người đã đến, đã về từ Hội An.
Tôi là người yêu phố Hội vô cùng. Phố đã cưu mang một đứa con bỏ Sài Gòn về cố quận. Tôi bước chân qua hẻm phố, gặp bóng dáng cặp vợ chồng già uống trà, đọc báo trên gác cao, phía sau giàn hoa giấy, tiếng rao đêm… Và tôi mỉm cười với lựa chọn trở về của mình.
Ba năm trước tôi may mắn được nghe chính nhạc sĩ Trần Quế Sơn hát ca khúc “Hương sắc Hội An”, tại Hội An. Tôi dám chắc rằng chỉ có tình yêu Hội An ở anh mới đủ biến hình “phù thủy” mới chạm tới, đánh thức được những cung bậc lạ lùng, dị kỳ như vậy. Khi tiếng sáo Chăm ngân lên, tôi như thấy trong hơi sương ảo ảnh, cánh tay trần Apsara đưa lên vũ khúc tiên trời. Trong “Hương sắc Hội An”, nhạc sĩ đã sử dụng âm hưởng nhạc Chăm nên giai điệu mang tính chất uyển chuyển của điệu múa Chăm, một vài chỗ sử dụng nét giai điệu mang âm hưởng Tây Ban Nha, Nhật, Trung Hoa chứng tỏ nhạc sĩ hiểu vùng đất đến dường nào mới cho ra đời ca khúc ấn tượng gửi đến công chúng yêu nhạc. Anh như thú nhận “Tôi mê Thu Bồn loang ánh trăng, đêm đêm vẳng tiếng hò khoan/Ban mai thuyền về đầy cá tôm, bến sông nô nức rộn ràng”. Ai mà không bị quyến rũ, say mê của phố bình yên, trù phú như thế. Mỗi sáng tinh mơ, phố mơ màng, xuôi theo gió là hương trầm dịu nhẹ. Tiếng chuông xe đạp rung reng, tiếng người chèo thuyền gõ mái chèo khua cá. Tất cả thật bình yên, thật gần, đủ dịu dàng để tâm can những người vội vã nhất phải bình tâm.
Sáng tác nhạc quê hương đã là khó, về Hội An càng khó gấp trăm bởi chiều dài lịch sử và nét văn hóa phong phú, lạ lùng nơi đây. Quá nhiều nét đẹp hội tụ, người nhạc sĩ phải gạn đục, khơi trong, phải đến Hội An nhiều lần và nhiều mùa thì mới cảm hết được vẻ đẹp của phố. Những ngày giáp Tết, phố rực vàng hoa cúc trước hiên những ngôi nhà cổ “Phố dâng tràn hoa hồng vàng”. Hội An tao nhã với những khu giếng trời, nơi tôi hay thấy cụ già ngồi thưởng trà, hay cả ba thế hệ cùng ngồi làm bánh bao, bánh vạc, tỉ mỉ, chú tâm. Thời gian nơi đây tĩnh lặng, trôi thật chậm. Khi đó tôi lại nhớ đến mấy câu hát của nhạc sĩ “Lắng đọng, Hội An trong tôi, êm đềm/Hội An trong tôi, đất trời như gương, tình người như sương, ôi nhẹ nhàng thân ái”. Hiếm có nơi nào mà 2 con đường song song, 2 dãy nhà đối lưng nhau đã là kiến trúc của 2 quốc gia khác nhau. Những đình Cẩm Phố, Chùa Cầu, Hội Quán Quảng Đông, Triều Châu,… quây quần, hội tụ trong cùng một không gian văn hóa. Trong âm nhạc Trần Quế Sơn, anh như lưu dấu, đau đáu với những giá trị văn hóa, linh hồn của phố Faifo. Anh đã đặt Hội An nơi trái tim mình nên xúc cảm và góc nhìn quá tinh tế, tài hoa, khéo léo, giản dị hóa âm nhạc thính phòng giao hưởng. Tất cả dung hòa tạo nên ca khúc “Hương sắc Hội An” thật đẹp, thật hoàn mỹ.
Hội An là vùng đất diễn ra sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ, con người nơi đây hào sảng. “Hội An đất chật người đông/Nhân tình thuần hậu lá bông đủ màu”. Hội An “Phố giữa biển sông ngọc ngà” còn lưu lại bao “nét cổ vàng son”. Con người và biển cả, sông Hoài, làng xóm, ngõ phố hồn hậu nơi đây đủ sức níu chân vạn du khách xa gần.
Nhạc sĩ người Quế Sơn đã dành tình yêu thật thà cho phố Hội. Hai ca khúc “Tình ca Hội An” và “Hương sắc Hội An” đã được đón nhận đầy trân trọng tại các chương giao lưu văn hóa, các sự kiện văn hóa âm nhạc. Giai điệu như len lỏi vào sâu thẳm những trái tim, những tâm hồn từng đêm mơ phố. Trong giấc mơ ấy có lung linh sắc hoa đăng, có “thơm lừng rau Trà Quế”, có màu hoa giấy rực hồng như đôi môi con gái Hội An. Và chắc hẳn nhiều người Hội An đã thuộc bài này và trở thành ca sĩ mang ca khúc này hát cho bạn bè mình trên khắp sáu châu. Cũng nhiều người giật mình lo lắng bao lâu rồi đã lãng quên giá trị văn hóa bản địa độc đáo. Bao lâu rồi bước chân lên từng viên đá lề phố mà vô tâm. Đá trăm năm cũng hư hao. Nhạc sĩ trăn trở: mong sao những bản sắc kiến trúc, di sản của lịch sử thăng trầm Hội An được nâng niu, gìn giữ. Một Hội An nên thơ, đẹp như tranh sẽ mãi là không gian văn hóa được chung tay bảo tồn bảo tàng. Di sản là để chúng ta đáng lo nhiều hơn là tự hào. Nếu không sớm bảo vệ những giá trị vật thể và phi vật thể, một ngày nào đó Hội An sẽ mai một dần, tàn phai. Đó là điều chẳng ai muốn.
Diễm Hương