Người tâm thần lập giấy... ủy quyền (!?)

Thứ năm, 29/11/2018 12:59

- Pháp luật, không phải chỗ để đùa đâu, Tư Khuê Mỹ.

Bà Mai Thị Cẩm Thủy và giấy chứng nhận sức khỏe của Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng.

- Chuyện thật đấy Bề Tui.

-  "Nói cho có sách, mách có chứng" nghe Hai.

- Đó là vụ án "Tranh chấp quyền đòi lại di sản thừa kế" giữa nguyên đơn Mai Thị Bích Liên (1952, trú tổ 81, P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cùng những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các bà: Mai Thị Cẩm Thủy, Mai Thị Nga, Mai Thị Phương (cùng trú xã Minh Tân, H. Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) với các đồng bị đơn: Mai Xuân Lục, Mai Xuân Tam, Mai Thị Phước (cùng trú Q. Ngũ Hành Sơn) vừa được TAND Q. Ngũ Hành Sơn xét xử. Tuy nhiên, phán quyết của tòa đã bị Viện Kiểm sát cùng cấp kháng nghị nên ngày 30-11-2018, Tòa án TP Đà Nẵng sẽ xem xét, xét xử theo trình tự phúc thẩm.

- Án bị kháng cáo, kháng nghị là chuyện thường tình.

- Tuy nhiên trong vụ án này có tình tiết lạ đời là người tâm thần lập giấy ủy quyền cho người khác tham gia phiên tòa nhưng không được HĐXX thẩm tra, phát hiện.

- Nghe hơi lạ. Tư kể tiếp nghe coi...  

- Tại phiên tòa, ông Lê Sáng Đồng (1979, trú tổ 4, P. Khuê Mỹ) cung cấp cho HĐXX Giấy ủy quyền ghi ngày 6-12-2016 có nội dung: "Nguyên đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ủy quyền cho ông Đồng tham gia phiên tòa".

- Về thủ tục, có gì sai đâu?

- Trong những người ủy quyền cho ông Đồng có bà Mai Thị Cẩm Thủy là người bị bệnh tâm thần nhưng không có người giám hộ ký xác nhận. Theo giấy chứng nhận sức khỏe của Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng: Bà Thủy bị bệnh tâm thần bẩm sinh; mức độ bệnh: rối loạn tâm thần, chậm phát triển tâm thần và được UBND H. Thủy Nguyên, Hải Phòng cho hưởng trợ cấp xã hội với mức 270.000 đồng/tháng.

- Theo Bề Tui được biết, theo quy định tại Điều 125, Luật Dân sự năm 2015: "Giao dịch dân sự do người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện sẽ bị xem là vô hiệu". Với trường hợp này cấp phúc thẩm cần tuyên hủy bản án sơ thẩm vì đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Tố tụng dân sự.

BỀ TUI