Người thầy của ứng dụng thực hành

Thứ hai, 21/11/2016 10:12

(Cadn.com.vn) - Đối với một công chức Nhà nước, để đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua (CSTĐ) cơ sở liên tục trong 11 năm liền, trong đó có 1 năm đạt danh hiệu CSTĐ cấp TP, là điều không hề đơn giản. Thầy giáo Lê Cư (1961, Tổ trưởng Tổ Vật Lý – Công nghệ  Trường THPT Hoàng Hoa Thám) đã đạt được điều này nhờ những năm tháng miệt mài tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo, cải tiến các sản phẩm đồ dùng dạy học.

Đau đáu một chữ nghề!

Thuở bé, cậu học trò ở vùng quê Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) Lê Cư rất thích mày mò những đồ dùng gia dụng liên quan đến máy móc, điện tử. Khi học lớp 6 tại trường Phổ thông Đông Giang (nay là trường THPT Hoàng Hoa Thám), ngoài giờ lên lớp, cậu xin gia đình cho đi học thêm nghề sửa radio. Tốt nghiệp THPT, chàng trai Lê Cư đăng ký thi vào ngành SP Vật lý Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn. Ngoài giờ lên giảng đường, chàng SV này xin vào làm không công tại một cơ sở điện tử gần trường. Chính những giờ làm không công này giúp cho SV Lê Cư có cơ hội vừa được thực hành, vừa vận dụng những kiến thức lý thuyết học được vào trong thực hành.

Năm 1983, tốt nghiệp ĐH, thầy được phân về dạy tại Trường THPT Hòa Vang. Thời kỳ bao cấp, đất nước còn khó khăn, sẵn có nghề điện, điện tử, ngoài giờ giảng dạy trên lớp, thầy giáo trẻ Lê Cư nhận làm phần điện của các công trình xây dựng nhà cửa để kiếm thêm thu nhập. Năm 1989, có một đợt tinh giảm biên chế trong ngành GD-ĐT, dù không nằm trong diện này nhưng nhận thấy mình có thể ra ngoài kiếm sống bằng nghề “tay trái” này, thầy tự nguyện xin nghỉ chế độ, dành cơ hội ở lại ngành cho các đồng nghiệp khác. Trong những tháng ra ngoài làm, để đỡ nhớ nghề, thầy nhận dạy nghề điện cho lực lượng thanh niên xung phong do Sở LĐ-TB&XH tỉnh QN- ĐN (cũ) tổ chức. 11 năm ra ngoài bươn chải nhưng thầy vẫn luôn đau đáu nhớ những năm tháng đứng trên bục giảng ở trường THPT.

“Những lúc dạy nghề cho lực lượng thanh niên xung phong, tôi nhớ đến những gương mặt hồn nhiên của các em HS THPT da diết...”, thầy cư hồi tưởng. Nỗi nhớ “bảng đen, phấn trắng” đã thôi thúc thầy quay lại bục giảng. Năm 2000, hay tin có đợt thi tuyển công chức ngạch giáo viên bậc THPT, thầy làm hồ sơ đăng ký dự thi (lúc đó đã 39 tuổi) và đạt vị trí thứ 3 tại cuộc thi này. Việc thầy quay trở lại nghề giáo đã nhận không ít lời bàn ra, tiếng vào. Có người bảo, tuổi cũng đã lớn, kinh tế ổn định vững vàng sao không tiếp tục làm ngoài vừa tự do, thoải mái, lại thích gò bó trong khuôn khổ. Nhưng nhờ tình yêu nghề, yêu trò đã giúp thầy vượt qua những “lấn cấn” đó!

Thầy Lê Cư hướng dẫn thực hành cho GV Vật Lý do Sở GD-ĐT tổ chức.

Người thầy của những sáng kiến thực hành

Xác định “học phải đi đôi với hành”, để những giờ học Vật lý không trở nên khô khan, “khó gặm”, trong 5 năm đầu về dạy tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám, thầy ôm ấp ý tưởng viết và ứng dụng các sáng kiến, cải tiến các đồ dùng dạy học tự làm cũng như những giải pháp sáng tạo kỹ thuật vào việc giảng dạy môn Vật lý ở trường phổ thông. Thầy đã cố gắng tìm tòi, sáng tạo, cải tiến các  đồ dụng dạy học, đưa ứng dụng thực hành vào bài giảng, giúp HS dễ hình dung, khắc sâu hơn kiến thức được học. Sau thành công đầu tiên của sáng kiến “Máy biến tần và ứng dụng” được Hội đồng khoa học công nghệ Sở GD-ĐT xếp loại C (năm 2006), được đưa vào ứng dụng rộng rãi tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám, thầy tiếp tục sáng kiến “Biện pháp khắc phục hộp công tắc với đồng hồ đo thời gian hiện số Model MC-964”, giúp cho các trường THPT sửa chữa lại nhiều hộp công tắc bị hư hỏng. Rồi đến đề tài thiết bị dạy học tự làm: “Thiết bị phóng điện trong không khí ở điều kiện thường”, “Thiết bị tạo dòng điện trong chân không”, “Hướng dẫn sử dụng dao động kí điện tử (Oscilloscope) Victor-VC2020A-20MHz để thực hành các thí nghiệm Vật lý ở trường THPT” đã giúp nhiều giáo viên Vật lý sử dụng thành thạo máy dao động kí điện tử.

Mới đây nhất, sáng kiến thiết bị dạy học tự làm “Ứng dụng quang trở vào việc tiết kiệm điện trong lớp học” của thầy được Hội đồng KH-CN Sở GD-ĐT xếp loại A và nhận được giải nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp TP lần thứ 14. Sáng kiến này đã được tổ Vật lý sử dụng dạy bài “Hiện tượng quang điện trong” lớp 12, giúp các em HS hiểu rõ hơn về ứng dụng quang trở trong đời sống. Không chỉ có thế, thầy còn được Sở GD-ĐT điều động làm báo cáo viên để triển khai chương trình của sách giáo khoa phân ban đến giáo viên môn Vật lý; tham gia hướng dẫn giáo viên dạy Vật lý thành phố thực hiện các thí nghiệm chứng minh và thực hành vật lý ở các lớp 10, 11, 12...

Thầy Lê Cư trong phòng thí nghiệm thực hành.

Suốt từ năm 2006 đến nay, với những sáng kiến của mình, thầy đã 6 lần được Hội đồng KH-CN Sở GD-ĐT cấp nghiệm thu, xếp loại A, B, C; được tặng 3 bằng khen gồm 2 giải Nhì, 1 giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp TP, 11 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cơ sở, trong đó có 1 năm đạt Chiến sĩ thi đua cấp TP; được UBND TP tặng bằng khen trong phong trào thi đua yêu nước (2010-2015). Năm học 2015-2016, thầy vinh dự được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen vì đã có nhiều thành tích tiêu biểu xuất sắc.

Thầy Nguyễn Quang Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám, dành rất nhiều tình cảm trân trọng khi nói về người thầy đáng kính này: “Đó là người thầy thầm lặng, luôn khiêm nhường dù có rất nhiều thành tích, có nhiều cống hiến cho nhà trường. Mới đây, Hội đồng sư phạm nhà trường đã hoàn tất hồ sơ gửi Sở GD-ĐT đề nghị phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho thầy Cư” .

P.Thủy