Người thầy đi xin bể bơi cho học sinh

Thứ ba, 20/09/2016 07:34

(Cadn.com.vn) - Trăn trở trước tình trạng học sinh đuối nước, thầy Đỗ Xuân Thưởng – Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Đức Thiệu (thị trấn Ái Nghĩa, H. Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đã không quản ngại khó khăn đi xin các nguồn tài trợ đưa bể bơi về vùng rốn lũ, tổ chức dạy bơi cho học sinh. Nhờ có bể bơi mà hơn 4 năm qua đã có hàng ngàn trẻ em, học sinh được học bơi và được trang bị các kỹ năng phòng tránh đuối nước. 

Hết lòng vì học sinh

Trong những lần về H. Đại Lộc công tác, chúng tôi thường được nghe lãnh đạo Phòng GD-ĐT, đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường kể chuyện về thầy Đỗ Xuân Thưởng – người lặn lội đi xin tiền xây dựng bể bơi cho học sinh vùng rốn lũ. Đó là vào năm 2012, khi nghe trên phương tiện thông tin đại chúng có tổ chức Swim Vietnam đang khảo sát xây dựng các bể bơi miễn phí cho các trường học tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), thầy Thưởng cùng các đồng nghiệp lặn lội tìm xuống Hội An liên hệ xin đưa bể bơi về trường mình. Nhớ lại điều này, thầy Thưởng tâm sự: “Mỗi khi nghe tin con em trong vùng bị đuối nước, lòng tôi lại quặn thắt. Không lẽ cứ để nỗi đau này còn tiếp diễn mãi?”. Câu hỏi như càng thôi thúc thầy tìm kiếm giải pháp phòng tránh đuối nước cho con em, học sinh vùng lũ.

Cảm phục trước tấm lòng thương yêu đầy trách nhiệm với học sinh của người thầy giáo, Tổ chức Swim Vietnam nhận lời về trường khảo sát thực tế để lắp đặt bể bơi, thế nhưng sự việc diễn ra thật khó khăn. Thầy Thưởng nhớ lại: “Sau khi tiến hành khảo sát, Tổ chức Swim Vietnam yêu cầu nhà trường muốn được đầu tư xây dựng bể bơi thì phải xây dựng 1 nhà để bể bơi và làm hệ thống lưới B40 rào chắn, có cửa ra vào đảm bảo an toàn cho học sinh. Đây quả là một bài toán về kinh phí đối với ngôi trường đóng chân trên một địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà bỏ qua cơ hội được học bơi cho con em vùng lũ”.

Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, thầy quyết định lập tờ trình gửi lãnh đạo UBND H. Đại Lộc xin hỗ trợ kinh phí 300 triệu đồng để xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ bể bơi. Ý nguyện của thầy cũng chính là điều trăn trở bao lâu nay của lãnh đạo chính quyền địa phương nên các hạng mục phụ trợ bể bơi được UBND huyện đầu tư kinh phí xây dựng và chỉ hoàn thành sau gần 3 tháng thi công. Ngày bể bơi được chuyển về lắp ráp, niềm vui của tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường như vỡ òa.

Công tác tổ chức tập huấn kỹ năng dạy bơi cho đội ngũ giáo viên được tiến hành khẩn trương. Theo đó, hoạt động dạy bơi cho học sinh được thực hiện một cách hiệu quả. Không chỉ tổ chức dạy bơi cho học sinh trong trường, thầy tiếp tục tham mưu với lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện lập kế hoạch và phân lịch học bơi cho học sinh các trường trên địa bàn. Sau 4 năm đưa vào hoạt động, bể bơi đã dạy cho hàng ngàn học sinh trên địa bàn huyện biết bơi. Hiện nay, bể bơi đang phát huy hiệu quả tốt góp phần thực hiện chủ trương phổ cập bơi và giáo dục kỹ năng bơi lội phòng tránh đuối nước cho học sinh vùng lũ H. Đại Lộc.

Trong hơn 4 năm qua, có hàng ngàn học sinh vùng rốn lũ H. Đại Lộc được học bơi từ bể bơi mà thầy Thưởng cất công lặn lội đi xin về.

Trưởng thành trong gian khó

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo vùng B H. Đại Lộc với tuổi thơ đầy gian khó, nhưng niềm mơ ước trở thành một người thầy giáo đã được hình thành từ ngày thơ ấu nơi thầy Thưởng. Bởi vậy, sau khi học xong khóa sư phạm cấp 1 năm 1983 và được phân công về giảng dạy tại trường cấp 1-2  xã Đại Phong, rồi qua trường cấp 1-2 xã Đại Thắng (H. Đại Lộc), thầy lăn lộn với nghề bằng tất cả niềm say mê. Một thời gian sau, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thầy tạm chia tay học trò, đồng nghiệp và mái trường thân yêu lên đường nhập ngũ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, rời quân ngũ, thầy tiếp tục trở lại công tác trong ngành GD-ĐT địa phương.

Sau nhiều năm lăn lộn cống hiến, xây dựng các trường học ở vùng khó, 3 năm trở lại đây, thầy được điều động về làm Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Đức Thiệu (thị trấn Ái Nghĩa) ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Thầy như được tiếp thêm ngọn lửa yêu nghề. Với tư duy nhạy bén, cùng nhiều ý tưởng sáng tạo trong công tác quản lý, thầy tiếp tục khẳng định được năng lực khi chỉ trong vòng 2 năm, ngôi trường nghèo nàn về cơ sở vật chất đã trở thành đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3, trở thành niềm tự hào của nhân dân và chính quyền địa phương, là một địa điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ quản lý các trường học trên địa bàn.

Sự vững vàng về nghiệp vụ chuyên môn không chỉ giúp thầy phát huy tối đa năng lực, sở trường của bản thân mà còn tạo được nền móng vững chắc cho chất lượng giáo dục của nhà trường. Hơn 34 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, thầy luôn được đồng nghiệp nể phục, bởi không chỉ là một cán bộ quản lý giỏi chuyên môn, thầy còn sống hết lòng với học sinh.

Bởi vậy, khi nói về người cán bộ quản lý giỏi của ngành, ông Huỳnh Ngọc Ánh – Trưởng phòng GD-ĐT H. Đại Lộc không khỏi tự hào: Hơn 34 năm gắn bó với ngành GD-ĐT địa phương, với sự cống hiến miệt mài đầy tâm huyết và trách nhiệm cho sự nghiệp giáo dục, thầy Đỗ Xuân Thưởng là người có nhiều sáng kiến, giải pháp đóng góp cho công tác quản lý nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục học sinh. Cái tâm của thầy Đỗ Xuân Thưởng không chỉ thể hiện qua việc dành toàn bộ tâm huyết cho sự phát triển chung của ngành giáo dục, mà còn quan tâm đến từng khó khăn, trăn trở của mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh trong sinh hoạt đời thường. Bởi vậy, trong tất cả những sáng kiến, đề xuất xây dựng, phát triển nhà trường của thầy đều vì quyền lợi học sinh.

Đ.K