Người Thầy hơn 20 năm say mê nghiên cứu Truyện Kiều

Thứ năm, 12/11/2015 09:42

(Cadn.com.vn) - Với niềm đam mê Truyện Kiều, hơn 20 năm nay, ông Nguyễn Khắc Bảo, sinh năm 1947, P. Tiền An, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đã dày công nghiên cứu, phổ biến giá trị tinh hoa của Truyện Kiều.

Đến căn nhà gác 2 tầng của gia đình ông Nguyễn Khắc Bảo trên con phố Trần Hưng Đạo sầm uất tại P.  Tiền An, TP Bắc Ninh giữa lúc ông đang hối hả với công việc chuẩn bị kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du – Danh nhân Văn hóa thế giới (1765 - 2015). Trong căn phòng nhỏ, tại tầng trệt được bố trí ngăn nắp một bên là tủ trưng bày các loại thuốc đông y, một bên là những cuốn sách cổ hướng dẫn cách chữa bệnh và bộ sưu tập Truyện Kiều mà ông vẫn coi là kho báu cùng hàng ngàn pho tượng đất cổ, ông đang nhanh tay ghi chép, phác thảo những tài liệu liên quan đến cụ Nguyễn Du chuẩn bị cho đợt kỷ niệm lớn.

Ông Nguyễn Khắc Bảo giới thiệu kho Truyện Kiều cổ của mình.

Ông Bảo cho biết: Lần kỷ niệm 250 năm ngày sinh cụ Nguyễn Du cũng là lần thứ 2, cả nước và toàn thế giới tôn vinh cụ với tác phẩm vĩ đại Truyện Kiều. Tiếp tục với dòng cảm xúc, kể về cơ duyên đến với Truyện Kiều, ông Bảo tâm sự: Trước đây, ông là giáo viên dạy toán cấp 2, năm 1989, ông xin nghỉ hưu theo chế độ mất sức về kế nghiệp chữa bệnh đông y gia truyền của tổ tiên. Để hiểu thêm về những kinh nghiệm trong khám, chữa bệnh của ông cha, mỗi khi gặp những căn bệnh, loại thuốc nào không rõ, ông liền mở những cuốn sách chữ Hán và chữ Nôm bí truyền ra nghiên cứu. Những ngày đầu, chưa biết nhiều mặt chữ, sẵn có bản Kiều nôm cổ năm 1866 trong nhà, ông học qua hình thức đối chiếu chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Cùng với những cuốn sách hướng dẫn tự học, kiến thức từ vựng của ông ngày càng trở nên phong phú. Tuy nhiên, càng đọc và nghiên cứu, ông càng phát hiện có nhiều sự khác biệt giữa những từ ngữ trong bản Nôm cổ và bản dịch Quốc ngữ. Từ đó, đã thắp lên niềm đam mê nghiên cứu Truyện Kiều trong ông, thôi thúc ông tìm ra những từ ngữ “gốc” của Nguyễn Du (do đến nay không còn bản Truyện Kiều nguyên gốc) mà cách duy nhất là tìm trong bản Kiều cổ nhất. Ông Bảo cho biết, ban đầu, để tìm các bản Truyện Kiều, ông đã đi khắp nơi, nhờ các thầy lang trong tỉnh Bắc Ninh mua hoặc mượn về photo. Chỉ cần nghe tin ở đâu có Truyện Kiều không kể trong Nam hay ngoài Bắc, ông lại lóc cóc đạp xe hay bắt tàu đến tận nơi sưu tầm. Thậm chí có cuốn ông Bảo phải nhờ bạn bè photo lại ở thư viện bên các nước Pháp, Mỹ gửi về cho mình.

Niềm đam mê Kiều cứ thế ngấm dần vào trong ông. Đến nay, sau hơn 20 năm tìm hiểu, nghiên cứu Truyện Kiều, ông đã sưu tầm được 61 bản Kiều nôm, 60 bản chữ Quốc ngữ và hơn 100 cuốn bàn về Truyện Kiều, trong đó có những cuốn được coi là cổ nhất như: Liễu Văn Đường 1866, 1871; bản chép tay nguyên mẫu bản 1866 và bản in xin được ở gia đình cụ Nguyễn Trừ (anh trai thứ 5 của cụ Nguyễn Du).

Có “bột” trong tay, ông ngày đêm nghiên cứu. Trong tổng số 3.254 câu trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du được các dịch giả dịch lại, ông đã sửa 918 chữ trong 701 câu và được các nhà nghiên cứu chấp thuận khoảng 400 chữ. Những chữ được chấp thuận này sẽ được xuất bản trong cuốn Truyện Kiều chào mừng kỷ niệm 250 năm ngày sinh của cụ Nguyễn Du. Trong số những chữ được ông sửa, ông vẫn nhớ như in năm 1998, trong buổi tọa đàm, thảo luận về Truyện Kiều, ông đã mạnh dạn sửa câu thứ 1.951 trong Truyện Kiều khiến nhiều nhà nghiên cứu phải sửng sốt. Trong nhiều bản dịch, câu này là: “Quản chi lên thác xuống ghềnh”, nhưng qua nhiều lần đối chiếu với hơn 20 bản Kiều nôm của mình, ông đã thấy điều không hợp lý và sửa thành “Quản chi trên các dưới duềnh” cho đúng với nguyên tác của Nguyễn Du và giải thích cặn kẽ. Khi cụ Nguyễn Du viết câu thơ này đã dựa vào điển tích “Dương Hùng đầu các nhi tử. Khuất Nguyên tự trầm Mịch La”, nên phải dùng cụm từ “trên các dưới duềnh” mới đúng với điển tích chứ không phải nhiều bản quốc ngữ đã lưu hành dịch là “ghềnh”. Theo ông, dịch như vậy nghe thì hay nhưng chưa đúng với ý đồ của tác giả là không quản ngại gì việc như ông Dương Hùng đâm đầu từ gác xuống chết và ông Khuất Nguyên nhảy xuống sông Mịch La tự tử. Ý kiến đó đã được nhiều nhà dịch giả và đông đảo công chúng độc giả công nhận. Đây chính là thẻ thông hành cho ông vào thế giới nghiên cứu Truyện Kiều và sau này trở thành Phó Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam.

Đến nay, ông Nguyễn Khắc Bảo đã được xuất bản và công nhận 5 đầu sách viết về Truyện Kiều cùng hơn 100 bài báo khác nhau viết về chuyện “chữ nghĩa” và bình luận của mình về Truyện Kiều cũng như các bài viết về phương pháp chữa bệnh bằng các cây thuốc từ dân gian đăng trên các tờ báo, tạp chí. Rời xa ngôi nhà nhỏ mang theo niềm trăn trở của ông về việc tìm hiểu "chữ nghĩa" của Truyện Kiều. Hy vọng những thế hệ về sau sẽ tìm đến những giá trị “gốc” để thấy được cái tinh tế, sâu sắc trong từng câu, từ chữ của Đại thi hào Nguyễn Du.

Thanh Thương