TƯ VẤN PHÁP LUẬT:

Người thôi quốc tịch Việt Nam có quyền nhận thừa kế di sản là nhà đất tại Việt Nam ?

Thứ bảy, 24/08/2024 16:14

*Bạn đọc hỏi: chị Jenny Huỳnh, hiện sinh sống tại Pháp, hỏi: Năm 1991, tôi sang Pháp du học. Sau thời gian học tập và sinh sống tại đây, tôi kết hôn với chồng tôi là người Pháp. Để thuận lợi cho quá trình làm việc và định cư lâu dài, tôi đã làm thủ tục thôi quốc tịch Việt Nam và nhập quốc tịch Pháp từ năm 1998. Vào năm 2024, mẹ tôi qua đời và đã lập di chúc để lại cho 3 anh em chúng tôi 2 nhà đất ở Q.Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng), trong đó có ghi rõ để lại cho tôi 1 căn, hai anh của tôi 1 căn. Tôi đã về Việt Nam để thực hiện thủ tục nhận thừa kế di sản, nhưng hai anh của tôi cho rằng vì tôi đã thôi quốc tịch Việt Nam nên tôi không có quyền nhận thừa kế di sản của mẹ. Tôi muốn hỏi liệu tôi có quyền nhận thừa kế phần di sản mà mẹ tôi để lại hay không? Tôi làm gì để đảm bảo quyền lợi thừa kế của mình?

Luật sư Đặng Văn Vương.
Luật sư Đặng Văn Vương.

*Luật sư Đặng Văn Vương – Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners, trả lời:

Việc thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài nhằm tạo thuận lợi cho việc định cư ở nước ngoài là lựa chọn của nhiều người. Nhưng việc thôi quốc tịch Việt Nam cũng sẽ ảnh hưởng đến một số quyền của họ tại Việt Nam, trong đó quyền thừa kế di sản là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam được đặc biệt quan tâm.

Người thôi quốc tịch Việt Nam có được nhận di sản thừa kế tại Việt Nam không?

Điều 609, Điều 610, Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

Điều 609. Quyền thừa kế

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Điều 610. Quyền bình đẳng về thừa kế của cá nhân

Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật

Điều 626. Quyền của người lập di chúc

Người lập di chúc có quyền sau đây:

1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

Từ các quy định nêu trên cho thấy, pháp luật Việt Nam đảm bảo sự bình đẳng trong quyền thừa kế. Mọi cá nhân đều có quyền lập di chúc để tự định đoạt tài sản hợp pháp của mình, trong đó bao gồm việc chỉ định người thừa kế và phân chia phần di sản cho từng người thừa kế. Pháp luật cũng không phân biệt giữa công dân Việt Nam, người thôi quốc tịch Việt Nam và người nước ngoài trong vấn đề hưởng di sản thừa kế theo di chúc. Do đó, dù chị đã thôi quốc tịch Việt Nam và trở thành công dân Pháp, chị vẫn có quyền thừa kế tài sản tại Việt Nam nếu trong di chúc mà mẹ chị xác lập có chỉ định phần tài sản mà chị được hưởng.

Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài có được nhận di sản thừa kế là bất động sản tại Việt Nam không?

Khoản 4 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định: “Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài”. Như vậy, chị được xem là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Điểm h Khoản 1 Điều 28 Luật Đất đai 2024 quy định: “Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định của pháp luật về dân sự; nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở từ những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự”. Theo đó, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn có quyền nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và nhà ở trên cùng thửa đất đó nếu họ được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Theo thông tin chị cung cấp, mẹ chị đã để di chúc để lại cho 3 anh em chị 2 nhà đất ở Q.Cẩm Lệ, trong đó chỉ định rõ phần di sản mà mỗi người con được thừa kế, cụ thể là để lại cho chị 1 căn, hai anh của chị 1 căn.

Như vậy, nếu chị thuộc diện được phép nhập cảnh vào Việt Nam, chị có quyền được hưởng di sản thừa kế quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở này (nhận hiện vật nhà đất) theo như nội dung di chúc do mẹ chị đã lập và được quyền đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất.

Hướng giải quyết

3.1 Ưu tiên phương án thương lượng, hòa giải:

Đặc thù trong tranh chấp về thừa kế là liên quan đến những người cùng quan hệ huyết thống hoặc hôn nhân. Vậy nên, ưu tiên tối đa thương lượng, hòa giải để giải quyết tranh chấp để vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng của các anh chị em, vừa giữ gìn tình cảm gia đình và đặc biệt là đạo hiếu với người mẹ đã mất. Chị và các anh có thể tự thương lượng hoặc nhờ bên thứ 3 (người có chuyên môn pháp luật được 3 anh em chị cùng tin tưởng; hoặc luật sư uy tín) giải thích pháp luật và làm trung gian hòa giải để nâng cao khả năng đạt được thống nhất chung.

Trường hợp chị và các anh chị thống nhất thực hiện chia di sản thừa kế theo di chúc của mẹ chị thì tiến hành các bước:

Bước 1: Thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng;

Bước 2: Thực hiện thủ tục sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất (đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong trường hợp thừa kế) tại Văn phòng đăng ký đất đai.

3.2 Phương án khởi kiện:

Trong trường hợp đã nỗ lực thực hiện việc thương lượng hoặc hòa giải nhưng giữa chị và các anh không thống nhất được việc chia thừa kế theo di chúc thì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, chị có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu phân chia di sản thừa kế theo như di chúc mà mẹ chị để lại.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425