Người tìm lại tên cho liệt sĩ

Thứ ba, 23/01/2018 10:00

Đó là trung tá Hà Tiến Thuật-trinh sát đặc công thuộc Ban chính sách- Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh TT-Huế- người chuyên giải mã ký hiệu, phiên hiệu của các trận đánh giúp thân nhân tìm mộ liệt sĩ và xác định danh tính liệt sĩ một cách khoa học, chính xác.

Trung tá Hà Tiến Thuật kể về việc tìm được danh tính cho liệt sĩ.

Day dứt

Tôi gọi anh nhiều lần nhưng anh bảo, đợt này ở dài ngày trên đỉnh núi A Tây biên giới Việt Lào thuộc xã Hương Phong, H.A Lưới, TT-Huế. Rồi giọng anh nghèn nghẹn: "Chúng tôi vừa phát hiện 6 liệt sĩ dưới tảng đá nặng hàng chục tấn nhưng chưa thể nào đưa ra được"... Hôm trở về đồng bằng để bàn với lực lượng công binh đánh mìn, phá đá đưa các hài cốt ra khỏi núi A Tây tôi mới có dịp gặp anh. Câu chuyện về 6 liệt sĩ nằm lại trên đỉnh A Tây những ngày cuối năm 2017 vẫn ám ảnh trong anh. Anh kể, từ thông tin của bác Nguyễn Văn Dư hiện sống ở Hà Nội là thành viên Ban liên lạc Trung đoàn 6 Phú Xuân cho biết: trong kháng chiến chống Mỹ, trên núi A Tây, bộ đội ta đào hầm chốt để quan sát địch từ Huế cơ động lên, đồng thời bám giữ trận địa. Trong quá trình địch ném bom làm tảng đá này từ trên cao rơi xuống, úp lên hầm căn cứ trong đó có 6 liệt sĩ đến nay vẫn chưa lấy được thi hài...

Từ những thông tin quý báu này, bác Nguyễn Văn Dư, Trung tá Thuật cùng thân nhân 6 liệt sĩ lặn lội cả ngày mới trèo lên đến hiện trường căn cứ D3, D1 trên đỉnh A Tây. "Những ngày bám đỉnh A Tây, nghiên cứu địa hình, chúng tôi phát hiện đường hào đi vào đã bị vùi lấp. Qua giải mã ký hiệu, xác định trận đánh xảy ra ngày 25-5-1971. Lúc đó, địch dùng máy bay thả bom tiêu diệt lực lượng chốt Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6 đóng quân tại đây"- trung tá Thuật cho hay. "Tôi chỉ cầu mong trời tạnh ráo để sớm đưa các anh về bên người thân. Các anh còn nằm lại ngày nào trên núi lạnh giá thì ngày đó lòng mình vẫn còn day dứt"- anh Thuật bùi ngùi. Qua câu chuyện đi tìm hài cốt liệt sĩ ở A Tây, tôi tình cờ nghe một phó giáo sư, hiện là giảng viên một trường đại học ở Hà Nội nói về trung tá Thuật: "Tôi cũng là người lính, cầm súng bảo vệ biên giới phía Bắc. Khi vào Huế tìm hài cốt anh trai là liệt sĩ, tôi được đồng chí Thuật tận tình giúp đỡ, chia sẻ khiến tôi rất xúc động. Những phần việc không phải của anh, anh vẫn giành làm, không ngại khó khăn, gian khổ. Hàng trăm trận đánh trên chiến trường Trị Thiên anh đều thuộc vanh vách".

Trung tá Hà Tiến Thuật (hàng đầu, thứ 3 từ trái sang) cùng đại diện Ban liên lạc Trung đoàn 6 và người thân liệt sĩ các tỉnh phía Bắc tại đỉnh núi A Tây, H.A Lưới.

Từ một lá thư, tìm được 24 hài cốt liệt sĩ

Theo trung tá Thuật, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; Trị Thiên là chiến trường ác liệt nhất của Quân khu Trị Thiên. Vì vậy, không ít liệt sĩ ngã xuống trên mảnh đất bom đạn này vẫn chưa được tìm thấy hài cốt hoặc nhiều hài cốt liệt sĩ đã đưa vào an táng tại nghĩa trang nhưng chưa xác định danh tính. Nhờ vào công tác giải mã ký hiệu, phiên hiệu của các trận đánh, trung tá Thuật đã lần lượt giúp nhiều thân nhân tìm kiếm được hài cốt liệt sĩ. Nhiều hài cốt đã được lấy mẫu phẩm giám định ADN, trả lại danh tính chính xác cho họ.

Lần giở hàng trăm lá thư của thân nhân liệt sĩ khắp mọi miền gửi đến nhờ tìm mộ liệt sĩ vẫn chưa ráo mực, trung tá Thuật bồi hồi nhớ lại: "Giữa năm 2016, bác Tô Văn Trạch ở Thái Bình có bức thư nhờ tìm hài cốt em ruột là liệt sĩ Tô Ngọc Thanh, chiến đấu và hy sinh tại D2 đặc công. Sau nhiều ngày đêm nghiên cứu, anh Thuật giải mã được, liệt sĩ Tô Ngọc Thanh từng chiến đấu ở D2 đặc công (còn gọi là chị thừa hai) thuộc Tiểu đoàn 2, Đoàn 5 Thành đội Huế, Quân khu Trị Thiên. Tiếp tục rà soát danh sách liệt sĩ hy sinh ở chiến trường Trị Thiên, ngày 17-7-1969 của D2 Tiểu đoàn 2 đặc công Quân khu Trị Thiên thì biết có 24 liệt sĩ hy sinh cùng ngày tại am Cây sen, xã Hương An, H. Hương Trà. Đó là trận đánh giữa đặc công của ta với địch tại núi Hòn Bường, am Cây sen trong kháng chiến chống Mỹ.

Những ngày lặn lội ở núi Hòn Bường, trung tá Thuật bất ngờ biết được các hài cốt ở am Cây sen đã được bác Nguyễn Văn Xu (người địa phương, lúc đó 10 tuổi đang đi chăn trâu- P.V) tận mắt chứng kiến, sau khi sát hại, địch bỏ từng hài cốt vào túi ni-lông rồi chôn chung vào một hố. Khoảng đầu năm 1990, số hài cốt này đã được Đội quy tập mộ liệt sĩ đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hương An. Như vậy, trong hố chôn tập thể 24 liệt sĩ, để xác định đâu là phần mộ của liệt sĩ Tô Ngọc Thanh thì phải khai quật phần mộ. Đến tháng 4-2016, mẫu phẩm ADN của các liệt sĩ được gửi đi giám định. Đến cuối năm 2017, đã có 4 liệt sĩ trong số đó đã tìm được danh tính: Phạm Đình Chiến (1950, trú Phú Xá, Mỹ Đức, Hà Tây), Nguyễn Văn Ngọ (1950, trú Ba Trại, Bất Bạt, Hà Tây), Lê Văn Nhuận (1944, trú Bắc Phú, Đa Phúc, Vĩnh Phú) và Nguyễn Văn Sinh (1950, trú Cự Yên, Hương Sơn, Thái Bình). "Những thân nhân liệt sĩ lặn lội từ ngoài Bắc vào ôm chầm lấy nhau khóc ngất ở hiện trường mỗi khi tìm kiếm được hài cốt. Điều kỳ diệu nữa là hơn 40 năm, người thân mới tìm được tên cho các anh khiến mình không cầm được nước mắt"- trung tá Thuật nghẹn ngào.

Trung tá Thuật cho biết, mỗi năm, có hơn 400 lượt người đến nhờ đơn vị anh tra cứu, rà soát tìm kiếm mộ liệt sĩ ở địa bàn TT-Huế. Việc tìm được hài cốt liệt sĩ đã khó, nhưng xác định được danh tính liệt sĩ càng khó khăn gấp bội. Nhiều trường hợp do thông tin quá mơ hồ, hài cốt được an táng phải di chuyển qua nhiều nơi, nhân chứng quá già yếu không nhớ chính xác nên để xác định đó có phải là liệt sĩ mình đang tìm hay không phải mất vài tháng trời. Nhờ vào việc giải mã các ký hiệu, phiên hiệu trận đánh, đến nay, Trung tá Thuật đã giúp các thân nhân tìm lại tên cho hàng trăm liệt sĩ và giúp tìm kiếm hàng ngàn hài cốt liệt sĩ. "Cứ mỗi lần đưa được một phần mộ liệt sĩ về bên người thân của họ, tôi rất hạnh phúc vì chút công sức nhỏ bé của mình đã góp phần giúp thân nhân liệt sĩ vơi đi nỗi đau thương, mất mát mà bao năm qua họ đã chịu đựng"- trung tá Thuật chia sẻ.

HẢI LAN