Người vẽ ảnh Bác trong nhà tù Côn Đảo

Thứ ba, 13/05/2014 09:04

(Cadn.com.vn) - Lễ mừng chiến thắng giải phóng Đảo sẽ được tổ chức lớn, Cờ Mặt trận Giải phóng Dân tộc miền Nam, cùng với Cờ Tổ quốc treo khắp nơi trên đảo nhưng chưa có ảnh Bác. Việc vẽ ảnh Bác được chuẩn bị vô cùng khẩn trương. Người đề xuất và được Đảo ủy giao nhận trách nhiệm khó khăn nhưng vô cùng vinh quang này là đồng chí Dương Ngoạn, người con của xứ Quảng anh hùng...

Đồng chí Dương Ngoạn, sinh năm 1928, tại xã  Tam Hiệp, H.  Núi Thành, Quảng Nam, trong quá trình hoạt động cách mạng đã bị địch bắt qua hàng chục nhà giam như: Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Côn Đảo về Chí Hòa, rồi lại ra Côn Đảo. Bị địch giam ở địa ngục trần gian-Côn Đảo gần 20 năm, 12 năm bị cầm cố ở chuồng cọp, ông luôn giữ khí tiết của người cộng sản, được lãnh đạo nhà lao bầu làm đại diện trại VII và là Phó đoàn tù chính trị từ Côn Đảo về Đà Nẵng sau khi Đảo được giải phóng tháng 5-1975. Sau Hiệp định Genève, Dương Ngoạn được phân công ở lại cùng nhân dân miền Nam đấu tranh đòi thi hành Hiệp định.

Ngày chia tay người thân, mẹ khóc, trao cho Ngoạn nắm cơm ghế khoai măng khô và mấy quả trứng vịt luộc. Cha cầm gói giấy trắng bọc trong chiếc túi rút màu đỏ, đưa cho Ngoạn, bảo: “Con giấu kỹ cái này lên túi ngực để làm bùa hộ mệnh, ảnh Bác Hồ đấy. Đây là ảnh của dượng Toàn (Võ Toàn–Võ Chí Công) trao lại cho cha vào đêm dượng thoát hiểm khỏi nhà ông Hồ Nổi trên ga An Tân, chạy xuống nhà mình”. Chia tay cha mẹ, bước vào cuộc đấu tranh mới, Ngoạn luôn giữ ảnh Bác như “bùa hộ mệnh” trên bước đường hoạt động cách mạng của mình.

Vào một đêm đầu tháng 9-1956, Ngoạn bị phục kích tại Bích Ngô, xã Kỳ Bích (nay là xã Tam Xuân 1). Chúng bắt Ngoạn, lục soát trong người lấy được ảnh Bác, hí hửng lắm, kháo nhau: “Tên này loại sừng sỏ mới thờ ảnh ông Hồ”. Địch đưa Ngoạn về nhà lao Hội An. Mới bước qua ngạch cửa phòng tra, Ngoạn bị đánh phủ đầu. Chúng hỏi: “Ai trao ảnh ông Hồ Chí Minh cho mày?”. Ngoạn trả lời dứt khoát: “Bác Hồ có công dựng nước, suốt đời hy sinh cho dân tộc. Tôi yêu quý Bác Hồ nên giữ ảnh Bác để làm kỷ niệm, chứ chẳng ai đưa cả”. Trong tù, Ngoạn luôn nung nấu ý định vẽ lại ảnh Bác.

Một hôm, chúng cho tù ra phơi nắng, làm cỏ chung quanh bếp ăn, Ngoạn nhanh tay hốt được một nắm lông gà. Ngoạn nghĩ thầm, vậy là có thứ để làm mấy bộ cọ vẽ rồi! Ngoạn mừng đến chảy nước mắt, thế mà khi về trại vẫn còn tiếc sao mình không hốt luôn nắm đũa trong chậu về để làm cán! Còn mấy thứ nữa phải tìm: bột màu, đồ đựng mực vẽ, đặc biệt là màu vẽ, màu đen là tốt nhất. Thế rồi Ngoạn nhờ người làm bếp mua giúp mấy bộ đèn sáp lớn. Đốt đèn sáp, làm cái chụp bằng giấy để thu bụi (bồ hóng). Loại bụi này cho màu đen bóng rất bền. Khi chuẩn bị đầy đủ thì gặp họa sĩ Bửu Đa bị bắt đưa vào đây. Bửu Đa sống ở Hội An, có hiệu vẽ hẳn hoi. Ngoạn tìm dịp gặp Bửu Đa năn nỉ và rủ cả hai bạn tù cùng học vẽ. Bửu Đa ủng hộ và xin về nhà mang bộ đồ vẽ truyền thần vào trại. Bọn cai ngục cũng dễ dàng bỏ qua cho thầy trò Bửu Đa. 

Ông Dương Ngoạn

Vậy là lớp vẽ hợp pháp của thầy trò Bửu Đa ra đời. Những người học trò rất sáng dạ. Chỉ mấy tháng miệt mài, thầy Bửu Đa khen: “Nét bút triển vọng lắm”. Nghe thầy khen, Ngoạn được dịp bàn với thầy cho vẽ ảnh Bác Hồ. Bửu Đa ngần ngừ: “Chúng đang xem xét có thể tha cho mình vì không có chứng cứ gì để buộc tội. Bây giờ bày các anh vẽ Bác, không biết chúng có buộc tội tôi nữa không? Hay là tôi cho các anh mượn ảnh Bác đem về trại; tranh thủ tập vẽ được lúc nào cũng tốt. Ảnh này quý lắm. Họa sĩ Diệp Minh Châu cắn lấy máu tay để vẽ ảnh Bác trong tù đấy. Nhưng vì vẽ bằng ngón tay nên chỉ rõ được những nét cơ bản thôi. Khi vẽ lại, các anh phải thật tập trung tư tưởng, hình dung kỹ những nét đặc trưng của Bác, nhất là ánh mắt, chòm râu bạc, vầng trán cao,... đảm bảo nét bút thật tình cảm, mới giống Bác”.

Sau nhiều lần chuyển qua hàng chục nhà lao, Ngoạn vẫn chưa hoàn thành được tâm nguyện. Thời cơ đã đến, đêm 30-4-1975 Côn Đảo giải phóng. Lễ mừng chiến thắng giải phóng Đảo sẽ được tổ chức lớn mà không có ảnh Bác sao được? Ngoạn xin ý kiến Đảo ủy vẽ ảnh Bác để tổ chức lễ mừng chiến thắng. Bí thư Đảo ủy Trịnh Văn Tư (Tư Cần) đồng ý ngay và nhắc thêm: “Đồng chí cố gắng làm nhanh, nếu cần ai giúp cứ gọi”. Ngoạn mừng quá, vậy đã có dịp thực hiện ước mơ vẽ ảnh Bác Hồ canh cánh trong lòng suốt 20 năm. Suốt đêm Ngoạn nằm trăn trở, giữa trời Đảo tự do mà vẫn không sao ngủ được. Ngoạn cố hình dung ra vầng trán cao của Bác, cái nhìn nghiêm nghị mà độ lượng của Người... rồi bật dậy, đến giá vẽ, bật đèn, cầm bút phác thảo ảnh Bác với sự hăm hở và niềm vui vô bờ.

Chỉ trong 2 ngày và một đêm, ảnh Bác đã được vẽ xong. Các đồng chí trong Ban lãnh đạo Đảo ủy đến xem, bằng lòng lắm. Rất nhanh, cả đảo được tin: Đảo mình có ảnh Bác Hồ lớn lắm! Đẹp lắm! Giống lắm. Ngoạn xin phép được đặt ảnh Bác lên bàn trước trại VII để mọi người góp ý. Người kéo đến đông nghịt, trầm trồ: Giống quá! Giống Bác quá!. Rồi không biết ai đã mang đến một bát hương đặt lên bàn trước ảnh Bác. Mấy ngày sau, hàng đoàn người đến viếng Bác. Đặc biệt, trong đoàn người viếng Bác có cả vợ con binh lính, công chức... của ngụy quyền.

Sáng 7-5-1975, Đảo ủy tổ chức mừng lễ chiến thắng và chào mừng bộ đội giải phóng Côn Đảo. Quần chúng Côn Đảo được huy động đi dự rất đông. Buổi lễ tưng bừng, trang nghiêm. Có ảnh Bác Hồ lớn, buổi lễ càng tăng thêm phần trang nghiêm, làm nức lòng mọi người. Ngoạn mừng lắm, thấy mình đã thỏa nỗi ước mong vẽ giống ảnh Bác, hoàn thành được nhiệm vụ Đảo ủy giao. Ngày 16-6-1975, tàu Hải quân khu 5 đưa hơn 900 anh em tù Côn Đảo cập bến Đà Nẵng. Ảnh Bác Hồ được hai người khiêng kiệu dẫn đầu đoàn tù lên bờ. Hàng ngàn bà con quê hương xuống tận mép nước sông Hàn, nắm tay dắt từng đứa con xa quê mấy chục năm trở về với đất mẹ. Sau lễ đón tiếp, ảnh Bác được trưng bày ở một vị trí trang trọng nhất của Bảo tàng Cách mạng thành phố Đà Nẵng.

Lê Năng Đông
(Theo Hồi ký Hoa xương rồng trên cát, Nxb Hội Nhà văn, xuất bản 2013)