Người vẽ mặt nạ ở phố cổ Hội An
Một buổi chiều lang thang ở phố cổ Hội An, tôi bước vào Không gian trưng bày "Mặt nạ thời gian" ở tầng trệt Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền ở số 66 đường Bạch Đằng nhìn ra sông Hoài. Chủ nhân phòng trưng bày là ông Bùi Quý Phong, gương mặt khá quen thuộc trong nghề vẽ đầu lân, đạo diễn sân khấu tại Hội An. Tôi nhìn quanh không gian mặt nạ của nghệ sĩ Bùi Quý Phong với vô số chiếc mặt nạ do ông vẽ treo lên bán cho du khách với giá chừng 200.000 đồng một chiếc. Bỗng dưng, những chiếc mặt nạ được làm bằng giấy bồi trét bột và vẽ màu theo hình dáng sáng tạo của người nghệ sĩ bên mé sông Hoài như thức tỉnh những đám mây tri thức ẩn sâu trong tiềm thức của tôi. Lúc ấy, mặc cho khách vào tham quan, ông vẫn say mê, chăm chú vào công việc sáng tạo của mình. Tôi phải vận dụng linh hoạt những kỹ năng khéo léo của nghệ thuật trò chuyện để dẫn dắt câu chuyện qua những hướng mới, bởi người trò chuyện cứ thủng thẳng say mê. Từ ông toát lên một ngọn lửa nồng nhiệt, hừng hừng cháy lan tỏa giữa năm tháng cuộc đời. Rồi như thể được khơi nguồn cảm xúc, tôi thật bất ngờ bởi những câu chuyện như có lửa được tuôn từ một mạch ngầm cuộc sống của một người đàn ông lớn tuổi, kinh qua nhiều công việc mưu sinh để cuối cùng đến với nghề vẽ mặt nạ chuyển tải những thông điệp về tình yêu và cuộc sống cho mọi người. Ông Bùi Quý Phong thủng thẳng kể cho tôi nghe câu chuyện cuộc đời mình...
Ông Bùi Quý Phong bên chiếc mặt nạ nghệ thuật của mình tại phòng trưng bày. |
Những năm đầu giải phóng, lúc ông chừng 22 tuổi, vừa lấy vợ, sinh con, cuộc sống khó khăn. Ông luôn trăn trở nghĩ chuyện làm gì để kiếm thu nhập nuôi sống gia đình. Lúc ấy, trong xóm có một chú bé đang chơi một chiếc đầu lân nhỏ. Ông quan sát và nhận ra là làm ra một chiếc đầu lân cũng không khó lắm. Nghĩ là làm. Ông đi kiếm đất sét về nặn khuôn đầu lân. Và thế là nghề vẽ đầu lân đến với ông từ đó. Xưởng làm đầu lân trong nhà với hàng chục người làm là những em bé tật nguyền được ông tuyển chọn để bày nghề làm đầu lân. Khách hàng nườm nượp xếp hàng đến đặt mua đầu lân. Khi đầu lân chưa làm xong đã có nhiều người đến nhà đợi lấy... Kể về những năm tháng ấy, ánh mắt ông Phong sáng lên: "Nghề đã chọn người. Đã có thể sống được bằng nghề làm đầu lân". Nhưng rồi nghề nào cũng có những bước thăng trầm của nó. Những năm có thể thu nhập và sống tử tế bằng nghề vẽ đầu lân đã qua. Ông lại bước vào một một công việc mới. Đó là nghề làm đạo diễn sân khấu tuồng. Sự trái ngược giữa hai lĩnh vực. Một bên đạo diễn đi nhiều và một bên vẽ thường ngồi một chỗ khiến ông khó khăn khi thực hiện. Hơn nữa thu nhập từ một chương trình sân khấu mà ông làm đạo diễn thực hiện trong nhiều tháng, đi nhiều nơi, có được khoảng vài chục triệu nhưng khi về đến nhà thì không còn được bao nhiêu. Vì vậy cách đây hai năm, ông Phong từ bỏ nghề đạo diễn để đến với công việc mới: vẽ mặt nạ.
Cuộc chơi mặt nạ của ông cuốn tôi vào những góc xoáy của tâm hồn, khiến tôi chợt nhận ra những kí ức cũ của chiếc mặt nạ được sáng tạo và làm mới hơn, chiếu vào đó những lăng kính của trí tuệ khiến nó trở nên có ý nghĩa hơn, gần gũi với cuộc sống hơn. "Tôi vẽ ra chiếc nào bán xong chiếc đó và không vẽ lại. Chỉ vẽ và sáng tác một lần"-ông Phong tâm sự. Tôi lắng nghe ông giảng giải về những chiếc mặt nạ với những ý nghĩa khác nhau mà bật reo lên thích thú. Như chiếc mặt nạ ông vẽ một mặt người với những vệt vằn đỏ trên khuôn mặt, theo ý ông đó là sự hung dữ bộc lộ trên thần sắc. "Anh tới quán cà-phê mà thấy hai người tranh cãi đánh nhau thì liệu anh có dám ngồi đó mà uống nữa không?", rồi ông khuyên tôi khi giận ai nên giận ít thôi và phải biết kiềm chế. Vì khi giận dữ ai đó, bao nhiêu điều nanh nọc đều tuôn ra hết và không ai dám lại gần bạn. Một ngôn ngữ mang tính triết lý của thời hiện đại được thể hiện qua khuôn mặt người bằng mặt nạ. Có chiếc mặt nạ tươi sáng với những đồng kim tiền lấp lánh trên mặt thể hiện hạnh phúc và ông bảo đó là hạnh phúc và giàu có khi trong gia đình vợ chồng hòa hợp cùng làm ăn. Một chiếc khác ông vẽ một khuôn mặt bừng sáng với chấm vàng giữa trán với ý nghĩa khi bạn mang niềm vui, tình thương yêu đến với ai đó thì khuôn mặt bạn bừng sáng, điểm trí tuệ lấp lánh trên gương mặt với những cảm xúc lấp lánh bừng nở tươi tắn. Có lúc giữa cuộc chuyện trò ông huơ chân múa tay tạo nên một động tác đẹp mắt của một bài tuồng mà ông từng là đạo diễn sân khấu suốt nhiều năm ở Trung tâm văn hóa Hội An...
Đông đảo du khách tham quan và thích thú với những chiếc mặt nạ ông Phong vẽ. |
Những tốp du khách Âu, Á lần lượt bước vào cửa hàng. Một du khách Tây chọn một chiếc mặt nạ có hình vẽ một khuôn mặt với bộ râu dài và vui vẻ trả lời khi tôi hỏi tại sao lại chọn khuôn mặt này?: "Mặt nạ khá giống mặt tôi với bộ râu xồm xoàm". Còn một cô gái người Israel lại nhờ ông Phong tạo hình mặt nạ với hình dáng một loài côn trùng mà cô yêu thích là một chú cánh cam với đôi cánh màu đỏ chấm những nốt đen tròn. Ông lại chăm chú phác họa trên giấy hình dáng của chiếc mặt nạ trông giống một chú cánh cam và nói với cô gái bán hàng ở cửa hàng phiên dịch lại bằng tiếng Anh với du khách: "Bây giờ đã gần 2 giờ tôi e không kịp để trả hàng cho cô trước chuyến bay vào lúc 3 giờ 30 chiều nay nhưng tôi sẽ cố gắng". Rồi ông lại tất tả ra chợ Hội An mua một số vật liệu cần thiết cho việc tạo hình chú cánh cam mà du khách nữ người Israel đã đặt hàng...
Sáng tạo là hạnh phúc của người nghệ sĩ như ông Phong hằng mong muốn đem lại cho mọi người niềm vui, bằng chiếc đầu lân hay bằng những khuôn hình mặt nạ, qua đó chuyển tải được những ý nghĩa của cuộc sống mà ông đã đeo đuổi bấy lâu nay. Buổi chiều xuống Hội An thật đẹp. Tôi chợt nhận ra bao điều qua cuộc trò chuyện với người nghệ sĩ tuổi về chiều. Bao gian khổ khó nhọc của đời người can qua. Bây giờ ở tuổi 61 ông ngồi lại bên không gian triển lãm "Mặt nạ thời gian" của mình. Nơi ấy có những du khách tình cờ đi qua ghé vào chọn cho mình một chiếc mặt nạ yêu cầu ông vẽ theo. Rồi ông lại tất tả chạy xe máy ra chợ để mua thêm một số vật liệu cho một hình vẽ mới phác thảo. Trông dáng ông vẫn còn nhanh nhẹn, trẻ trung, hăng say với niềm đam mê mới của mình. Khuôn mặt ông bừng tỏa hạnh phúc như ông nói: "Khi bạn mang đến hạnh phúc cho ai đó, khuôn mặt bạn tràn ngập niềm vui".
NGUYỄN HỮU HỒNG SƠN