Người viết tay hơn 300 trang giấy tìm hiểu Hiến pháp

Thứ sáu, 30/10/2015 10:04

(Cadn.com.vn) - Là sĩ quan quân đội về hưu, ngoài việc nhiệt tình tham gia các công tác xã hội ở địa phương, tổ dân phố, ông Phan Quang Viêm (1947, trú P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) còn được mệnh danh là "người có duyên với các cuộc thi", bởi lần nào tham dự ông cũng "rinh" giải về...

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng- Đặng Việt Dũng trao thưởng cho những người đạt giải tại cuộc thi Tìm hiểu Hiến pháp năm 2013 (Ông Viêm đứng ngoài cùng bìa phải).

Tôi tình cờ gặp ông Phan Quang Viêm trong lễ Tổng kết Cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp năm 2013, ông Viêm đạt giải nhất toàn thành phố. Trước khi xướng tên người đạt giải Nhất, chị Lê Thị Xuân Nga-Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng cho biết: "Đây là người có bài thi tuyệt vời nhất, với hơn 300 trang giấy A4 viết tay. Khi nhận bài dự thi của chú ai cũng xúc động...". Sinh năm 1947 tại xã Đồng Trạch, H. Bố Trạch, Quảng Bình, đi bộ đội rồi theo học ngành cơ yếu. Sau 33 năm phục vụ trong quân đội với nhiều cương vị, năm 1999 ông Viêm về hưu sinh sống tại tổ 138, P. Mỹ An (Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) với chế độ thương binh hạng 3/4. Ông tích cực tham gia công tác ở tổ dân phố, phường và hiện là Bí thư Chi bộ 3 An Thượng, P. Mỹ An; Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Q. Ngũ Hành Sơn, ở cương vị nào ông Viêm cũng đều cố gắng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chi bộ 3 An Thượng luôn đạt danh hiệu "Trong sạch vững mạnh". Tổ dân phố 3 An Thượng trước đây nay là tổ 138 và 139 luôn hoàn thành đầy đủ mọi chỉ tiêu nghĩa vụ trên giao hàng năm với thời gian đi đầu toàn phường. Ngoài ra, để giúp đỡ học sinh nghèo trên địa bàn phường, bản thân ông còn thực hiện nuôi heo đất với mức tiền 1.500 đồng/ngày từ năm 2011 đến nay, qua đó mỗi năm dành tặng 1 suất học bổng 500.000 đồng cho 1 học sinh trên địa bàn.

Ông Viêm hóm hỉnh kể: "Khi về hưu, tôi cứ nghĩ rằng chỉ cùng vợ tập trung chăm sóc, nuôi dạy con cái trưởng thành và hưởng thú vui tuổi già như đi câu cá, chơi cờ tướng, xem đá banh... mà lúc đương chức rất đam mê nhưng không thể nào thực hiện được. Nào ngờ chưa kịp chân ướt chân ráo thì một hôm có hai ông khách đến nhà. Một ông không xa lạ gì, đó là đại tá Phan Đăng Lưu, nguyên Chủ nhiệm chính trị sư đoàn Bộ Binh 2-Quân khu 5, người cùng đơn vị trước đây, nay là Bí thư Chi bộ An Thượng 4, Bắc Mỹ An.  Còn một ông lạ hoắc, dáng người mảnh dẻ, tóc bạc phơ nhưng có đôi mắt sáng, dễ gần, tự giới thiệu là đại tá Doãn Mậu Hòe, nguyên Hiệu trưởng Trường Văn hóa, Phó Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 5, hiện đang làm khối trưởng An Thượng 4. Cả ba người nói chuyện rồi hai ông đó gợi ý tôi tham gia công tác ở địa phương. Tuy nhiên, lúc bấy giờ lại suy nghĩ, sau bao năm phục vụ kháng chiến, giờ chỉ muốn sum vầy cùng con cháu, quanh quẩn trong gia đình chứ không làm điều gì khác, mà chẳng ai bắt buộc mình làm điều nọ, điều kia thì "ôm rơm làm chi cho nặng bụng", đã ngoài sáu mươi, ai lại đi làm cái nghề "vác tù và hàng tổng". Nhưng rồi nghĩ lại, cũng còn đôi điều chưa phải bởi mình là đảng viên, Đảng yêu cầu mình phải làm..." vậy là ông tham gia công tác cho đến tận hôm nay.

Nói về "duyên nợ" với các cuộc thi, ông kể: "có nhiều cuộc thi tôi tham gia, tiền giải thưởng chưa đủ để mua tài liệu, giấy viết nhưng mà thôi kệ, mình tham gia trước là để có thêm kiến thức, hiểu thêm vấn đề sau là để động viên con cháu cố gắng học tập". Nói thì đơn giản, nhưng nhìn bảng thành tích của ông Phan Quang Viêm về giải thưởng trong các cuộc thi mà ông tham gia thì mới kính phục. Chưa kể đến là gần như các bài dự thi của ông đều được viết bằng tay, với những hình ảnh minh họa rất đậm nét. Chỉ tính sơ bộ các giải thưởng cấp thành phố và Quốc gia ông đã đạt các giải như: giải nhất cuộc thi Viết chữ đẹp cho mọi người do Sở GD-ĐT thành phố và Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức năm 2005; Cũng trong năm này, ông dự thi tìm hiểu 65 năm Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đoạt giải Nhất cấp phường, giải Nhất cấp quận và giải Khuyến khích toàn thành phố, là 1 trong 5.000 bài viết được tham gia triển lãm ở Hà Nội và một số nơi khác. Tiếp đó, năm 2008, ông tham gia cuộc thi "Tìm hiểu Luật phòng chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" và đoạt giải Khuyến khích thành phố.  Năm 2010, tham dự thi "Tìm hiểu 65 năm Lịch sử, truyền thống ngành Cơ yếu Việt Nam" đạt giải Nhất toàn quốc. Năm 2011 tham dự thi "Sáng tác văn thơ" do Hội Cựu giáo chức thành phố phát động và đạt giải A về thơ. Năm 2011, tham dự thi "Tìm hiểu Luật biên giới quốc gia" và đoạt giải xuất sắc toàn thành phố. Năm 2012, dự thi "Sáng tác văn thơ" do Hội Cựu giáo chức thành phố phát động và đạt giải B về thơ (không có giải A) và năm 2015, tham dự thi tìm hiểu Hiến pháp năm 2013 với bài viết dài hơn 300 trang A4 viết tay, đạt giải Nhất toàn thành phố và là 1 trong 20 bài được Sở Tư pháp thành phố chọn gửi đi dự thi ở Bộ Tư pháp... Ông cũng được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp.

Chia tay tôi, ông đọc tặng bài thơ "Sống là hoạt động" do chính ông sáng tác:

"Ta nay chỉ mới sáu lăm Xuân

Chẳng nhẽ ngồi xem tạo chuyển vần

Nghiên bút lâu mài e dễ cựu

Văn thơ năng viết ắt nên tâm

Sáng đi câu cá, đời liêm khiết

Chiều đến trồng rau, sống kiệm cần

Mọi việc tham gia cùng xã hội

Sống là hoạt động mới thành nhân".

Nguyễn Tuấn