Người Xê Đăng với rừng Ngọc Linh

Thứ năm, 06/12/2018 17:00

Trên sườn núi Ngọc Linh, Nam Trà My,Quảng Nam bây giờ đã thực sự là thủ phủ của loài sâm quý xếp hàng đầu thế giới mang tên ngọn núi kỳ vĩ này. Để giữ được màu xanh núi rừng cho quê hương, những người dân Xê Đăng nơi đây đã tự thành lập các chốt canh gác ngày đêm thay nhau quản lý và bảo vệ rừng. Không những thế bà con Xê Đăng còn mua lại đất nương rẫy cũ để trồng lại rừng mới.  Nhờ đó mà những cánh rừng già ở đại ngàn Ngọc Linh luôn sinh trưởng tốt, rừng được bảo tồn,  để loài sâm quý ngày càng sinh sôi phát triển...

Chốt giữ rừng thôn 5 xã Trà Nam nằm trên QL 40B.

Tự lập chốt giữ rừng

Ông Nguyễn Vĩnh Hiền-Phó Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh cho biết, Trà Nam là địa phương có diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ khá lớn, riêng về hệ thực vật rất đa dạng phong phú, trong đó có các loại gỗ rất quý hiếm như Lim, Gõ, Chò, Huỳnh Đàn đỏ... Tuy nhiên, cách đây gần 10 năm,  từ khi có trục đường quốc lộ 40B đi ngang qua, tình trạng khai thác lâm sản trái phép, xâm hại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ở đây diễn ra khá phức tạp. Trong khi lực lượng kiểm lâm còn quá mỏng, công tác tuần tra, bảo vệ chưa chặt chẽ khiến rừng ngày đêm bị chảy máu. Những năm gần đây, nhất là từ năm 2017 đến nay, người dân địa phương đã tự thành lập các chốt tuần tra, bảo vệ rừng...

Hôm chúng tôi lên, như thường lệ, vào đúng vào 8 giờ sáng, tiếng kẻng vang vọng giữa đại ngàn báo hiệu cho các thành viên trong nhóm bảo vệ rừng ở xã Trà Nam chuẩn bị cho chuyến tuần tra rừng. Âm thanh của tiếng kẻng đã quá quen thuộc,  ăn sâu vào tiềm thức của những người dân nơi đây. Mọi người chuẩn bị dụng cụ cá nhân  gồm con rựa với một ít lương thực để đi đến những khu vực rừng có nguy cơ bị xâm hại. Xã Trà Nam có 10 nhóm hộ với 215 hộ gia đình người Xê Đăng được nhà nước giao khoán 4.277 ha rừng nhận quản lý, bảo vệ. Anh Trần Văn Lễ- nhóm trưởng bảo vệ rừng ở thôn 5 xã Trà Nam cho biết, từ khi Hạt kiểm lâm H. Nam Trà My phối hợp với Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh vận động cộng đồng dân cư tham gia vào công tác bảo vệ rừng, bà con đã đưa ra ý tưởng lập 5 chốt trại nằm dọc theo tuyến quốc lộ 40B và tại các cửa ngõ ra vào rừng để tuần tra, kiểm soát, canh giữ, chốt chặn và xử lý các trường hợp xâm hại rừng. Mỗi chốt luôn có từ 4 đến 5 thành viên túc trực 24/24 giờ chia nhau canh gác, tuần tra rừng. Các chốt cũng tự phân chia địa phận để dễ dàng quản lý, bảo vệ. Bà con lập các chốt canh bằng tre nứa để các thành viên trong nhóm ngồi canh rừng và nghỉ ngơi sau những chuyến tuần tra  vất vả. Nhờ số hộ tham gia đông mà thời gian luân phiên thay ca trực chốt cũng khá lâu nên không ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh tế gia đình của các thành viên. Anh Lễ tâm sự: "Từ khi Nhà nước giao khoán bảo vệ rừng, chúng tôi tổ chức đi tuần tra theo quy định của nhóm 1 tháng 4 lần, diện tích rừng rất  rộng có khi ngủ trong rừng 2-3 ngày mới về. Chúng tôi đảm bảo không bỏ sót một thời gian nào, chỉ trừ mưa bão không thể đi được vì sợ nguy hiểm... ". 

Từ khi thành lập các chốt để thay nhau canh giữ rừng, đồng bào Xê Đăng ở xã Trà Nam đã phát huy vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn, tố giác các hành vi xâm hại rừng tự nhiên. Ông Nguyễn Vĩnh Hiền cho biết, thông qua các buổi tuần tra bà con đã phát hiện 42 vụ phá rừng với tổng khối lượng 420 m3 gỗ, tạm giữ 3 ô-tô và 4 mô-tô giao nộp cho ngành chức năng. Nhiều đối tượng có ý đồ phá rừng cũng bị bà con kịp thời phát hiện và trục xuất ra khỏi địa bàn. Đây là cách bảo vệ rừng tốt nhất hiện nay ở huyện Nam Trà My khi quần chúng nhân dân trực tiếp tham gia giữ rừng. Ông Hiền khẳng định:  "Qua quá trình triển khai thực hiện các chốt bảo vệ rừng trên địa bàn thôn 4, thôn 5 xã Trà Nam sau gần  2 năm ở đây không có trường hợp phá rừng, xâm hại đến rừng trên khu vực đó. Bà con tự dựng  các chốt để nghỉ ngơi sau khi tuần tra và tiếp tục đi tuần tra nữa nên rất hiệu quả trong quá trình thực hiện. Đơn vị đã có sự tính toán, phối hợp với các xã khác để mở rộng xây dựng thêm các chốt trên địa bàn toàn huyện. Mô hình chốt bảo vệ rừng này cần phải nhân rộng để nhân rộng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ rừng...".

Tổ giữ rừng dân làng thôn 5, Trà Nam  tuần tra rừng.

Người Xê Đăng trồng rừng

Nếu ở xã Trà Nam có hàng trăm hộ gia đình tự giác lập các chốt canh dọc đường Quốc lộ 40B để thay nhau canh giữ, bảo vệ rừng thì ở tại Trà Linh lại có nhiều người dân tự bỏ tiền túi ra để trồng rừng, phục hồi rừng, đem lại nhiều giá trị thiết thực. Ông Trần Văn Mẫn-Phó Chủ tịch UBND H. Nam Trà My cho biết, Trà Linh trước đây là xã khó khăn nhất của H. Nam Trà My. Đa số người đồng bào Xê Đăng sống chủ yếu dựa vào việc phát nương, tỉa rẫy. Vì vậy mà nhiều cánh rừng già cứ ngày càng bị thu hẹp thay cho những nương ngô, rẫy lúa phục vụ đời sống. Hơn nữa do tập quán du canh cũng làm cho diện tích rừng già bị xâm hại nhiều...Kể từ khi có dự án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6-2016,  cây sâm Ngọc Linh đã làm giàu cho dân làng, bà con Xê Đăng đã nhận thấy giá trị từ rừng già và bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Đặc điểm cây sâm Ngọc Linh là sống dưới tán rừng, nơi có độ che phủ trên 80% và nhiệt độ giao động ở mức 200C trở xuống, vì vậy muốn trồng sâm thì phải giữ rừng, phục hồi rừng.

Người tiên phong trong phong trào trồng rừng trên đất nương rẫy ở Trà Linh là ông Hồ Văn Du, người gắn bó hơn 40 năm với cây sâm Ngọc Linh. Ông Du cho biết, ở Trà Linh không có cây trồng nào có giá trị cao như cây sâm Ngọc Linh. Trong khi dân làng cứ phát rẫy khiến diện tích trồng sâm bị thu hẹp, môi trường phát triển bị ảnh hưởng từ việc đốt nương và nhiệt độ tăng lên. Nhận thấy hệ lụy đó nên ông Du đã khoanh hơn 3 ha đất rẫy sát vùng sâm để tái sinh. Ông đưa những cây bản địa trồng trên toàn bộ diện tích này. Đến nay cây tái sinh đã xanh tốt và dần tạo độ che phủ, tạo lớp đất mùn trở lại. Để không lãng phí diện tích đất tái sinh rừng, ông Du đưa cây giảo cổ lam và sâm nam trồng dưới tán để tăng thu nhập. Ông Du tâm sự: "Chừ mình không lo trồng rừng, lấy lại màu xanh cho rừng thì sau này con cháu lấy đất đâu trồng sâm Ngọc Linh...".

Cũng suy nghĩ như ông Du,  ông Nguyễn Văn Lượng, một tỉ phú sâm ở Trà Linh cũng đã mua hơn 5 ha đất rẫy của dân làng nằm ngoài rìa vùng sâm gia đình để tái sinh rừng. Ông Lượng đưa nhiều cây gỗ bản địa về trồng với tâm niệm mình sống nhờ rừng thì phải giữ rừng bền vững cho tương lai. Phong trào người dân trồng rừng trên đất nương rẫy ở Trà Linh hiện đã lan tỏa đến rất nhiều làng từ Măng Lùng tới Kon Pin, Tắc Ngo...Ông Mẫn bày tỏ: "Chúng tôi thấy đây là tín hiệu hết sức đáng mừng. Bà con Xê Đăng sống nhờ rừng, gắn bó và giữ rừng thì màu xanh thiên nhiên sẽ phát triển bền vững. Tới đây chúng tôi cũng sẽ nhân rộng phong trào này ra toàn huyện gắn với phát triển các loại cây dược liệu dưới tán để khôi phục lại diện tích rừng bị xâm hại...".

Ông Trần Văn Mẫn cho biết thêm, đến nay H. Nam Trà My đã giao hơn 12 nghìn ha rừng tự nhiên, hơn 6 nghìn ha rừng phòng hộ và gần 15 nghìn ha rừng đặc dụng cho cộng đồng quản lý bảo vệ. Thông qua việc tăng cường công tác giữ rừng, các nhóm hộ được hưởng lợi từ việc giao khoán, chi trả dịch vụ môi trường rừng với kinh phí khoảng 350 nghìn/1 ha. Ngoài ra bà con cũng sẽ được quyền khai thác các loại lâm sản phụ như mây, đót, hạt ươi, nấm rừng, mật ong... Đặc biệt hơn, là từ diện tích rừng tự nhiên được giao khoán, bảo vệ, các nhóm hộ sẽ tổ chức trồng sâm Ngọc Linh và các loài cây dược liệu dưới tán rừng để tăng thu nhập, làm giàu cho gia đình. Với phương pháp gắn quyền lợi với trách nhiệm đã phát huy tốt ý thức của người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Riêng về trồng cây dưới tán rừng, đây là chủ trương chung của tỉnh Quảng Nam và H. Nam Trà My, chúng tôi đang quy hoạch các vùng phát triển Sâm hơn 17.000ha, quy hoạch vùng dược liệu dưới tán rừng khoảng 7.000 ha, hiện nay việc phát triển dược liệu rất mạnh. Mục đích chính là phát triển dược liệu đồng thời với việc quản lý và bảo vệ rừng, đảm bảo tái sinh rừng để phục vụ cho việc phát triển dược liệu và các loại cây bản địa của H. Nam Trà My.

Với ý thức tự giác bảo vệ rừng,  phục hồi lại những cánh rừng bị phát làm nương rẫy trước đây, người Xê Đăng ở Trà Linh đang "bồi thường" lại cho thiên nhiên và họ đã thổi thêm làn gió mới vào việc quản lý, bảo vệ rừng ở Nam Trà My, đây có lẽ là những chuyện mới, lạ ở Nam Trà My và trên cả nước.

HỒNG THANH