Nguồn bao nhiêu nước...

Thứ ba, 04/08/2015 09:27

(Cadn.com.vn) - Mấy năm nay, khi trở lại mảnh đất Quảng Nam, ông Đỗ Hữu Ngoãn đã xem nơi đây là quê hương thứ hai của mình, còn ông là anh cả của mấy chị em con má Trọng ở xã Đại Hồng (H. Đại Lộc). Ông vui khi nói về nơi ấy, những con người ấy bằng giọng “Quảng Nôm” thứ thiệt, và cuộc trở về Quảng Nam của ông là một câu chuyện thời chiến kết thúc có hậu...

4 chiến sĩ của Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn có mặt tiến công giải phóng thành phố Đà Nẵng,
góp phần giải phóng hoàn toàn Quảng Nam – Đà Nẵng vào ngày 29-3-1975 (ông Đỗ Hữu Ngoãn là người hàng dưới, bên phải).

Ông sinh ra tại xã Minh Lộc, H. Hậu Lộc (Thanh Hóa) quanh năm sóng biển rì rào, cuộc sống còn lắm lam lũ nhưng bình dị. Tháng 3 - 1967, ông nhập ngũ và cùng đồng đội hoàn thiện các bước kỹ thuật chiến đấu đặc công bắt đầu đi vào chiến trường Quảng Đà. Ông bảo: “Được biên chế vào Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn là vinh dự lắm bởi địa bàn hoạt động là Quảng Nam kết nghĩa với Thanh Hóa, ai nấy cũng hiểu nghĩa tình Bắc - Nam càng ra sức quyết chiến với kẻ thù”. Gặp ông tại nhà riêng ở thôn Minh Hải, xã Minh Lộc trong dịp đi công tác tại Thanh Hóa, chúng tôi chứng kiến trong ngôi nhà nhỏ treo trang trọng những thành tích trong thời chiến cũng như thời bình, ông bảo đó là “tài sản” quý giá nhất của cuộc đời mình.

Nhắc đến Quảng Nam, đôi mắt ông chợt sáng lên và hào hứng kể về những trận đánh oai hùng của tiểu đoàn đặc công Lam Sơn, thuộc vanh vách từng tên đất, tên làng mình đã đi qua như An Hòa, Đức Dục, Kiểm Lâm, Bồ Bồ...; những cứ điểm nóng bỏng giáp mặt với kẻ thù như Giao Thủy, Bình Long, Trảng Nhật, Phú Phong, Bảo An... Ông kể, từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, mảnh đất Quảng Nam kết nghĩa đã đi vào tiềm thức mình qua những câu ca quen thuộc như “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say” hay “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi!”. Trước ngày lên đường nhập ngũ, ông nắn nót viết lên tường nhà câu khẩu hiệu của địa phương ông lúc bấy giờ là “Học tập Điện Bàn, Hậu Lộc quyết tâm làm Đông - Xuân thắng Mỹ”.

Từ dạo đó Quảng Nam cứ như đang kêu gọi lớp lớp con em Thanh Hóa lên đường đánh Mỹ, như là điểm hẹn, cái đích phải đến và sẽ đến. Ông nhắc nhiều đến gia đình má Trọng (xã Đại Hồng), má Diêu (xã Đại Minh), H. Đại Lộc, ngày ấy nuôi giấu các chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn để chống chọi với kẻ thù. Ông bảo lối vào nhà má Trọng là bãi đất bồi ven sông Thu Bồn mùa hè nóng bỏng chân, băng qua những luống khoai, ruộng lúa mẹ suốt ngày chăm bẵm ngoài vườn, rồi đào từng củ khoai, củ sắn độn cơm cho các chiến sĩ ăn qua ngày. “Thời đó khó khăn lắm, lương thực hạn chế, có sự che chở cưu mang của các má là niềm động viên chúng tôi đêm ngày chiến đấu”, ông bồi hồi nhớ lại. Câu cửa miệng thường trực mỗi chiến sĩ đặc công lúc này là “Muốn đánh giặc xuống Điện Bàn, muốn chạy càn về Duy Xuyên, muốn bình yên về Đại Lộc” bởi thời điểm trước Xuân Mậu Thân 1968, Đại Lộc là vùng hậu chiến, về đây các chiến sĩ được nghỉ ngơi sau những trận đánh khốc liệt ở vùng địch như Điện Bàn, Duy Xuyên.

Một lần đi công tác lẻ vào tháng 7-1969, ông bị sốt rét và phải ở lại nhà má Doãn Thị Trọng, má chăm sóc ông thật chu đáo, hơn cả con ruột của mình. Giặc Mỹ đi càn và lùng sục bắt bớ các chiến sĩ đặc công, má Trọng giục cô Hợi là con gái út của má, khi đó mới 9-10 tuổi nhưng lanh trí, nhanh nhẹn, dẫn ông chạy trốn quanh làng, hết chỗ này đến ẩn nấp chỗ khác, thoát khỏi vòng vây địch. Chiến trường không một phút bình yên, đồng đội ông đã chiến đấu suốt đêm ngày trên khắp mảnh đất Quảng Nam “trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ". Ông là một trong 4 chiến sĩ Tiểu Đoàn đặc công Lam Sơn tự hào có mặt tiến công giải phóng thành phố Đà Nẵng, góp phần giải phóng hoàn toàn Quảng Nam – Đà Nẵng vào ngày 29-3-1975...

Ngày hòa bình, trở lại quê hương Thanh Hóa, ông vẫn không nguôi nhớ về mảnh đất Quảng Nam, nơi có bao bà má hiền hậu đã nuôi giấu ông và đồng đội trong những năm khói lửa chiến tranh. Cuộc sống đời thường còn muôn ngàn khó khăn và đường xa cách trở, ông ao ước được về với các má thân yêu. Cách đây hai năm, đi thăm đứa con đang làm ăn ở TPHCM, ông gặp một người Quảng và hỏi thăm tin tức về vùng đất Đại Lộc, nơi má Trọng, má Diêu... đã che chở cho ông ngày nào. Thế là, ông không quay về Thanh Hóa ngay mà ghé lại Đà Nẵng, mượn xe máy đi một mình tìm về nhà má Trọng, má Diêu... Hơn 40 năm, nhạt nhòa bao hình ảnh vừa thân quen vừa xa lạ.

Ông tìm đến nhà má Doãn Thị Trọng, gặp lại Kham, Hợi... con má Trọng. Khi mọi người chưa kịp nhận ra ông, nước mắt ông đã tuôn trào như đứa con xa nhà nay mới được trở về, và vô cùng tiếc thương khi biết má Trọng đã đi xa vì tuổi già. Kỷ niệm xưa ùa về, ông nghe như quanh ngôi nhà má còn đó tiếng nói tiếng cười của các chiến sĩ đặc công sau mỗi trận đánh, và cả giọng nói của má: “Tụi bay lo mà vô ăn cơm, lo mà nghỉ ngơi chờ lệnh đi đánh tiếp”. Hầm bí mật của má khắp nơi, trong nhà ngoài vườn, cả nơi mà quân thù không ngờ nhất. Má giấu những đứa con “bộ đội miền Bắc” ngay giữa nhà mình, dù Mỹ-ngụy hăm dọa khảo tra và lôi cô Hợi dọa bắn nếu không chỉ hầm bí mật. Má quát lên, mắt nhìn thẳng vào họng súng kẻ thù: “Nếu bắn thì bắn cả tao đây này chứ hầm mô mà tao chỉ?”. Giặc đi rồi má lại nấu cháo, nấu cơm lần lượt ra tín hiệu cho các chiến sĩ lên ăn... Ông ra thăm mộ má, lặng thắp nén nhang và như nói với má rằng, con đã về đây, dù có muộn nhưng lòng con thanh thản bởi đã được về với má yêu thương. Chị Kham kể cho ông nghe, sau giải phóng má cứ nhắc mãi:  “Không biết tụi hắn ra lại miền Bắc hay có đứa nào còn nằm lại chiến trường, tội nghiệp quá!”.

Mỗi lần xem truyền hình, má lại chăm chú nhìn những gương mặt non tơ qua di ảnh và lắng nghe từng lời “nhắn tìm đồng đội”, như cố tìm lại những đứa con đã xa... Trong chuyến về đầu tiên đó, ông lại đi tìm và gặp được má Diêu nay đã 80 tuổi. Câu chuyện thời chiến tranh cứ tràn về không dứt mang theo tâm trạng bồi hồi với những ký ức nguyên vẹn về cuộc chiến như mới vừa xảy ra hôm qua. Ông kể cho má nghe đồng đội mình ngày ấy giờ người còn người mất, cả những người chưa tìm được thân xác gửi lại nơi đâu trên mảnh đất Quảng Nam lịch sử này.

Trước tết Canh Dần năm 2011, ông lại vào Quảng Nam nhân ngày giỗ má Trọng. Ông nói chiến tranh qua lâu rồi nhưng các con má vẫn còn nghèo lắm, chị Kham ngày trước là du kích xã, chị Hợi đã cứu ông trong vòng vây của giặc năm nào, bây giờ vẫn bám lấy ruộng vườn sống qua ngày. Trong gia đình má Trọng, bây giờ ai cũng gọi ông là “anh Hai” và thỉnh thoảng tin tức vào ra...“Tôi đã từng sống và gặp trên đất Quảng biết bao người như má Trọng, má Diêu... Trong khói lửa chiến trường, sức mạnh của họ là lòng quả cảm và sự hy sinh vô bờ bến”, ông Ngoãn nói. Tôi hiểu năm tháng chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong thẳm sâu ký ức của  người lính đặc công này thấm đẫm câu ca: “Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu”. 

Thảo Nguyên