Nguồn cảm hứng văn học từ đất Quảng

Thứ hai, 02/12/2019 12:59

Ngày 28-11, tại TP Tam Kỳ, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ trao giải thưởng văn học nghệ thuật (VHNT) Đất Quảng lần thứ ba (giai đoạn 2014-2018). Theo đó, Ban tổ chức đã trao giải thưởng cho 4 tác phẩm đoạt giải A, 13 tác phẩm đoạt giải B, 22 tác phẩm đoạt giải C và 20 tác phẩm đoạt giải Khuyến khích của 78 tác giả, nhóm tác giả thuộc 8 lĩnh vực nghệ thuật.

Tại lễ trao giải thưởng văn học nghệ thuật (VHNT) Đất Quảng lần thứ 3 (giai đoạn 2014-2018).

Giải thưởng VHNT đất Quảng là giải thưởng uy tín, có quy mô tầm cỡ lớn, được tổ chức định kỳ 5 năm một lần. Năm nay, Giải thưởng này thu hút đông đảo nhiều văn nghệ sĩ cả nước "có duyên nợ" với Quảng Nam như TPHCM, Hà Nội, Thanh Hóa, TT- Huế, Đà Nẵng, Kon Tum... gởi tác phẩm tham gia.

Theo báo cáo của Ban tổ chức, Giải thưởng VHNT đất Quảng lần thứ III đã có 163 tác phẩm dự thưởng thuộc 8 loại hình VHNT của 117 tác giả/nhóm tác giả gửi về tham dự. Nhiều tác phẩm đã phản ánh được hiện thực cuộc sống sinh động trên quê hương đất Quảng, khai thác được các mảng đề tài truyền thống, đề tài lịch sử chiến tranh cách mạng và những đề tài đương đại nóng hổi bằng nghệ thuật đặc trưng của các chuyên ngành. Đặc biệt, trong đó, mảng Văn học luôn là loại nghệ hình nghệ thuật có số lượng tác phẩm tham gia nhiều nhất, với 51 tác phẩm.

Nhạc sĩ Hoàng Bích - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Giải thưởng cho biết: "Ở mảng văn học, điều đáng ghi nhận đầu tiên đó là sự đa dạng, phong phú thể loại của các tác phẩm dự giải. Trong số tác phẩm của 32 tác giả được đưa vào xét giải có 18 tập thơ, 4 tập truyện ngắn, 1 tiểu thuyết, 1 tập ký chân dung nhân vật, 3 tập lý luận phê bình, 7 tập bút ký, 2 tập truyện ký, 1 tập truyện dài, 1 tập ký sự, 1 tạp văn, 2 tản văn, 1 ký sự. Chất lượng tác phẩm nhìn chung về nội dung có sự chuẩn mực, bám sát cuộc sống sôi động về vùng đất và người đất Quảng. Nổi trội nhất là ở thể loại thơ có sự đổi mới tư duy về hình thức, thi pháp...  Hầu hết các tác giả khá quen thuộc với bạn đọc Quảng Nam như Hồ Duy Lệ, Trương Vũ Thiên An, Lê Trâm, Phạm Tấn Dũng, Nguyễn Tam Mỹ, Đỗ Thượng Thế, Huỳnh Thu Hậu, Trần Trung Sáng, Nguyễn Tấn Sĩ, Nguyễn Nhã Tiên, Nguyễn Kim Huy, Đỗ Tấn Đạt, Nguyễn Tấn Ái, Lê Thị Điểm, Phan Văn Minh...

Đáng chú ý, trong số 15 giải thưởng loại hình văn học, không có giải A, trong khi đó 2 giải B thuộc về 2 tập thơ "Tạ" (Trương Vũ Thiên An) và "Nhật ký gió cuốn" (Phạm Tấn Dũng). Một thành viên của ban giám khảo nói: "mặc dù, nhiều tác phẩm văn xuôi có những đầu tư công phu nhất định, nhưng xét về tổng thể, chất lượng các tác phẩm thơ có vẻ nhỉnh hơn...". Nhận định về tập thơ "Tạ" của Trương Vũ Thiên An, nhà thơ Nguyễn Minh Hùng viết: "Sức nặng của "Tạ" chính là hình ảnh. Không có một bài thơ nào trong "Tạ" mà không có "vết xước" một quê hương như nghĩa đã nói ở trên. Trong yêu, thơ của Trương Vũ Thiên An cũng nhẹ nhàng, đằm thắm dù hụt hẫng vỡ tan, dù như chim rã cánh trong "Mưa", đang nỗ lực "Vỗ trong gió mưa":

"Em đừng ra giữa trời mưa

mưa em ướt với cơn mưa đất trời

tôi sầu như một trùng khơi

một mình lặng ngắm tôi rơi một người".

Tình trong thơ họ Trương là tình đầu, không dữ dội như tình cuối, tình chết; em không bạc tiền quyến dụ mà chỉ là "Em ngày ấy như một đồng bạc mới/ đẹp tinh khôi như thể nửa nụ cười" (Nấp nhỏ mùa xuân). Có lẽ "Tạ", nhân một lần, vì muốn tri ân đến nhiều đối tượng bên đời mình, nghề mình, trong quá nhiều vai mà số phận đặt vào tác giả, trong một "lễ tạ" mà có món gì cũng muốn bày cả ra trong "ngày tôi bay về bốn phương trời" (Đồng đội), cho phải phép, cho được nhiều hương vị, cho hợp nhiều khẩu vị. Người viết bình tĩnh dọn dẹp, sắp xếp chắc "lễ tạ" sẽ trang trọng hơn, sẽ đẹp hơn lên, nhất là khi "Tạ" - bằng - thơ và "Tạ" - cho - thơ trong thời khắc "nỗi đau nghiêng như chiếc lá".

Về tập thơ "Nhật ký gió cuốn" của Phạm Tấn Dũng, nhà thơ Đỗ Tấn Đạt cho rằng: "Phạm Tấn Dũng không cầu kỳ quá về ngôn ngữ, thơ anh viết như kiểu thổi bong bóng mà không cần lấy hơi. Nhưng nếu chúng ta đọc kỹ cũng sẽ dễ bị cuốn theo tiếng lòng của tác giả. Có những bài mà theo tôi, anh đã thành công khi mang về cho bạn đọc những chiếc vé tàu ký ức nhiều màu sắc và dư âm của vùng đất Điện Bàn, Quảng Nam: đã ngùi ngùi đầu làng Thi Lai Hà Mật/ tiếng guốc khua đều sạp chợ Phú Bông/ tiếng chim gù bồi hồi giữa trưa Đông Bàn/ giữa chiều Bàn Lãnh/ tiếng còi tàu chiều tà ga Xuân Đài gạt thầm nước mắt tiễn đưa/ tiếng dệt lụa ươm tơ làng Bảo An trăm năm còn vọng.../ (Quê Hương). Kể cả khi bạn không là người Quảng, kể cả khi bạn không phải là người Quảng tha hương, tôi tin rằng bạn sẽ chùng lòng xuống rất lâu khi nghe những câu thơ này: Ôi quê hương quê hương quê hương/ những lần khóc/ có người tha hương ngay trên quê mình/ tôi này nói với tôi/ quê mình Gò Nổi/... (Quê hương)".

Nhìn chung, sau 3 kỳ tổ chức Giải thưởng VHNT đất Quảng, những người làm văn học nghệ thuật ở miền quê hương "chưa mưa đã thấm", ngày càng khẳng định, đất Quảng vẫn mãi là mảnh đất yêu thương, đầy hấp dẫn và là nguồn cảm hứng bất tận hứa hẹn đem đến những tác phẩm văn học hay, có giá trị cao góp phần vào sự phát triển nền văn học đương đại cả nước.

Trần Trung Sáng