Nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội

Thứ tư, 12/03/2014 23:29

(Cadn.com.vn) - Sau 15 năm, công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TP Đà Nẵng đã góp phần trẻ hóa và làm chuyển biến về chất trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Chiến lược này đã bổ sung nhiều cán bộ có trình độ, có năng lực, dám nghĩ, biết làm và có khả năng đảm đương dần những trọng trách quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT-XH của thành phố. Ngày 12-3, Thành ủy Đà Nẵng tổng kết công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao từ năm 1998 đến nay đồng thời đề ra chiến lược trong những năm đến.

Đồng chí Trần Thọ - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

NGUỒN NHÂN LỰC DỒI DÀO, ĐA DẠNG, BÀI BẢN

Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Bùi Văn Tiếng, nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng bao gồm nguồn từ trường THPT (chủ yếu là Trường Lê Quý Đôn), nguồn thu hút nhân tài, nguồn cử đi đào tạo theo Đề án 922 và nguồn đào tạo nâng cao từ đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đương nhiệm.

26 lượt người vi phạm hợp đồng đào tạo

Đến nay đã có 26 lượt người vi phạm hợp đồng đào tạo (4,28% tổng số học viên), bao gồm 12 lượt kết quả học tập không đạt yêu cầu, 7 lượt không làm việc cho thành phố, 3 lượt làm việc không đủ thời gian hoặc bị đơn vị chủ quản sa thải, 1 lượt vi phạm pháp luật tại nước theo học, 1 lượt bỏ học.

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao từ xa, thành phố đã đầu tư trọng điểm xây dựng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn theo hướng chất lượng cao với những ưu tiên về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên giỏi cũng như chế độ chính sách phù hợp cho cả người dạy và người học.

Với chất lượng đào tạo đứng đầu  thành phố và có tên tuổi trên cả nước, đến nay trường đã có 340 em học sinh tham gia đào tạo ở bậc Đại học theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (chiếm 91% học sinh thành phố tham gia Đề án). Trong khi đó, chiến lược “trải thảm” thu hút nhân tài, sau 15 năm, thành phố đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1.043 người tốt nghiệp đại học trở lên, trong đó có 13 tiến sĩ, 244 thạc sĩ, 806 cử nhân đại học, 45 người tốt nghiệp các cơ sở đào tạo nước ngoài.

Theo thống kê, trong tổng số cán bộ công chức, viên chức tăng thêm kể từ 1998 đến nay thì Đà Nẵng có 16% là đối tượng thu hút. Trong số này nhiều người đã có những đóng góp tích cực, nổi trội trong công tác, có sản phẩm ứng dụng, phát huy hiệu quả cao trong thực tiễn. 227 người trong số họ (28,4%) đứng vào hàng ngũ của Đảng, 206 người (19,75%) được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên.

Trong khi đó, Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) đã có 608 lượt người tham gia đào tạo đại học, sau đại học tại các cơ sở uy tín trong và ngoài nước. Cho đến nay, có 250 học viên được đào tạo theo Đề án này đã “cho quả” với việc được tiếp nhận công tác, không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn tham gia đề xuất những ý tưởng mới, khả thi cho tình hình phát triển KT-XH của thành phố. Đây được đánh giá là nguồn cán bộ dồi dào để tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và các chuyên gia, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của thành phố trong tình hình mới.

Trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, trong giai đoạn 1998-2007, bình quân mỗi năm thành phố cử 2.500 lượt cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng; giai đoạn 2008-2013 là 4.000 lượt/năm.

Trong những năm qua, Đà Nẵng có chiến lược phù hợp trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong ảnh: Tôn vinh những gương mặt trẻ tiêu biểu xuất sắc trong học tập, nghiên cứu khoa học.

ƯU TIÊN THU HÚT, CHỌN LỌC ĐÀO TẠO

Đồng chí Trần Thọ - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP khẳng định, công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một chủ trương đúng đắn, kịp thời của thành phố. Sự phát triển KT-XH của thành phố hôm nay chắc chắn có phần đóng góp không nhỏ của chính sách bồi dưỡng, đào tạo, bố trí, cất nhắc những người thực tài. Tương lai, đây sẽ là một trong những nguồn lực quý của thành phố, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Khiển trách Giám đốc Sở Xây dựng không đi họp

Ngay tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Trần Thọ chỉ đạo Văn phòng Thành ủy ra văn bản khiển trách đồng thời đề nghị Ban Tổ chức Thành ủy kiểm điểm đối với Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Việt Hùng vì đã thiếu nghiêm túc, không dự hội nghị quan trọng về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao – một lĩnh vực rất quan trọng đối với ngành xây dựng.

Trong khi các Sở, ban, ngành liên quan đều có thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng đơn vị dự họp thì Sở này chỉ cử trưởng phòng Tổ chức tham gia.

Với những đột phá, đón đầu xu thế phát triển, Đà Nẵng bước đầu đã có “quả ngọt” từ việc bỏ ngân sách gần 560 tỷ đồng dành riêng cho việc đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực trong những năm qua. Tuy nhiên, từ thực tiễn 15 năm qua, đồng chí Trần Thọ cũng lưu ý rằng, bên cạnh những thành quả mang tính đột phá, công tác đào tạo, thu hút nhân tài còn có những hạn chế cần phải khắc phục để phát huy hiệu quả cho chiến lược dài hơi.

Đó là một số đơn vị chưa phối hợp đồng bộ trong triển khai các giải pháp phát triển nhân lực chất lượng cao,  chưa làm tốt việc quản lý, sử dụng nguồn nhân lực này, công tác đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên vẫn còn “vênh” với công tác quy hoạch cán bộ và quản lý sử dụng theo vị trí chức danh… Cạnh đó là sự thiếu tương xứng giữa “chiêu hiền” và “đãi sĩ”.

Và cả chuyện quản lý, cam kết trách nhiệm chưa chặt chẽ khiến một số người được đi học quay lại “phá hợp đồng”, tận dụng hết quyền lợi nhưng không thực hiện nghĩa vụ với quê hương. Dù đã có ưu tiên với việc được thụ hưởng nguồn nhân lực đứng đầu (217 người, chiếm 23,6%) nhưng ngành Y tế hiện vẫn còn thiếu bác sĩ trầm trọng. Trong khi đó, ngành du lịch cũng thiếu người có nghề, lĩnh vực văn hóa thì chưa có người nào trong số được đào tạo, bồi dưỡng, thu hút.

Để công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao hiệu quả, đồng chí Trần Thọ chỉ đạo, chiến lược trong thời gian đến sẽ ưu tiên cho việc thu hút nhân tài về cống hiến với chế độ đãi ngộ ngày càng tương xứng với trình độ chuyên môn và hiệu quả công việc. Công tác đào tạo sẽ đầu tư cho khối sự nghiệp, ưu tiên cho lĩnh vực y tế, dịch vụ, giảm ở khối hành chính.

Để hạn chế chuyện “người cần việc”, thành phố sẽ đào tạo đúng người, bố trí đúng việc, đúng sở trường năng lực, không để lãng phí cũng không để xảy ra hiện tượng bố trí cho có việc. Bí thư Thành ủy cũng chỉ đạo, từ năm 2014, học sinh THPT đạt giải trong các kỳ thi quốc gia, khu vực, quốc tế sẽ được cấp học bổng đi học Đại học.

Cũng từ nay, người được cử đi đào tạo Tiến sĩ phải có tuổi đời dưới 32, Thạc sĩ dưới 28, sinh viên xuất sắc dưới 25. Người nào vi phạm hợp đồng đào tạo sẽ phải hoàn trả lại cho thành phố số tiền bằng mức đã sử dụng ngân sách để đi học và chịu phạt theo quy định.

Công Khanh