Nguồn nhân lực du lịch Đà Nẵng: Không thiếu, nhưng còn yếu

Thứ tư, 23/12/2015 08:52

(Cadn.com.vn) - Ngày 22-12, Sở VH-TT&DL Đà Nẵng tổ chức buổi họp bàn về các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch với sự tham gia của Sở LĐ-TB&XH, đại diện các cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Theo đánh giá của các cơ quan, số lượng nguồn nhân lực du lịch có sự gia tăng nhanh nhưng chất lượng thì phần lớn chưa đủ đáp ứng so với nhu cầu thực tế của thành phố.

Yếu kỹ năng mềm

Theo kết quả khảo sát nguồn nhân lực du lịch của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội TP Đà Nẵng, tính đến cuối năm 2014, toàn thành phố có 20.762 lao động đang làm việc trong lĩnh vực du lịch (tăng 58,7% so với năm 2011). Trong đó, lao động đang làm việc tại các khách sạn là 10.597 người (tăng 61%), tại các doanh nghiệp lữ hành là 1.553 người, nhà hàng là 5.231 người, khu điểm du lịch là 1.129 người. Hướng dẫn viên du lịch hoạt động tự do cũng có sự gia tăng nhanh chóng với 1.280 người. Năm 2015, ước tổng số lao động trong lĩnh vực này là 24.975 người, dự báo đến năm 2020 con số này sẽ lên tới 33.044 người (tăng 57% so với năm 2014).

Cũng theo kết quả khảo sát này, trong lĩnh vực khách sạn, số lượng lao động có trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ sơ cấp nghề đến đại học chuyên ngành du lịch là 5.419/10.595 lao động (đạt tỷ lệ 51%). Trong khi đó, kết quả khảo sát của dự án EU đối với 64 cơ sở lưu trú thì vẫn còn tới 20% ở các chức danh trong lĩnh vực du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Ở khối lữ hành, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo lên tới 40%. Trong thực tiễn công tác, có đến 25% số người được khảo sát, đánh giá chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế công việc.

Một lĩnh vực được cho là khá “đau đầu” của du lịch Đà Nẵng đó là hướng dẫn viên khi trong số 2.038 người được cấp thẻ hành nghề thì đa số là người trẻ, thiếu kinh nghiệm, vốn hiểu biết về lịch sử, văn hóa cũng như khả năng ứng biến, xử lý tình huống khi làm việc. Đặc biệt, hướng dẫn viên thành thạo ngoại ngữ trong giao tiếp vẫn còn rất hạn chế, số người biết tiếng của một số thị trường chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc vừa yếu lại vừa thiếu. Đại diện Sở LĐ-TB&XH cho rằng, nhu cầu về nhân lực biết ngoại ngữ bức bách đến nỗi nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nhận và đào tạo từ đầu về kiến thức, kỹ năng chuyên môn, miễn rằng ứng viên biết ngoại ngữ. 

Đại diện Sở VH-TT&DL dẫn các số liệu khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội TP Đà Nẵng cho rằng, một trong những điểm mấu chốt khiến chất lượng nhân lực ngành du lịch chưa cao chính là thời lượng dành cho lý thuyết ở các cơ sở đào tạo nghề du lịch còn quá nhiều mà thiếu thời lượng thực hành trong các lĩnh vực đào tạo. Cạnh đó, chất lượng giảng viên chưa thực sự đồng đều nên chất lượng sinh viên cũng bị ảnh hưởng. Chính vì vậy khi ra trường, họ khó xin được việc làm hoặc nếu được tuyển dụng thì doanh nghiệp phải đào tạo lại, gây tốn kém kinh phí và mất thời gian.

Đà Nẵng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế.

Cần sự “chia lửa” từ doanh nghiệp

Bà Kiều Thị Thanh Trang – Trưởng phòng Đào tạo, Sở LĐ-TB&XH cho rằng, công tác đào tạo nghề trong lĩnh vực du lịch của Đà Nẵng chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế. Ở nhiều lĩnh vực, một số doanh nghiệp đã phải sử dụng người nước ngoài hoặc tuyển dụng từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Bà Trang cũng cho rằng, các kỹ năng mềm, kỷ luật làm việc, tiếng Anh giao tiếp là những điều còn thiếu đối với nhân lực du lịch khi mà hầu hết quá trình đào tạo của họ là học lý thuyết, ít có cơ hội tới làm việc, thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp. Cho nên có tới 90% nhân lực phải đào tạo lại sau khi doanh nghiệp tuyển vào. Điều này ngoài hạn chế trong chương trình đào tạo nghề của Việt Nam nói chung thì sự thiếu mặn mà của doanh nghiệp cũng là một lý do. Đơn giản vì công việc của họ là kinh doanh, thời gian cũng quý mà cơ sở vật chất lại càng quý.

“Không dễ gì doanh nghiệp cho sinh viên thực tập đụng tới cái máy pha cà-phê vì đó là tài sản hàng trăm triệu đồng của họ. Nhiều nơi hệ thống máy móc của người ta hết sức hiện đại, giáo viên toát mồ hôi cũng không vận hành được chứ đừng nói đến sinh viên. Trang thiết bị của các cơ sở dạy nghề thì không bao giờ đuổi kịp được doanh nghiệp”, bà Trang cho biết. Chính vì vậy, phải làm sao để doanh nghiệp chịu “chia lửa” trong quá trình đào tạo nhân lực bằng cam kết họ sẽ có quyền lợi trong hoạt động phối hợp này.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch lại cho rằng, hầu hết cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn thành phố chưa được kiểm định chất lượng. Hiện tại, số lượng giảng viên trung bình của mỗi bộ môn tại các cơ sở đào tạo nghề du lịch chỉ mới khoảng 2-5 người. Rất nhiều giảng viên không có nhiều kinh nghiệm thực tế và chuyên môn, tình trạng này sẽ còn kéo dài trong khoảng 5 năm tới. Đại diện một doanh nghiệp kể rằng, có giáo viên dạy nấu ăn nhưng khi đi thi dạy nghề lại không nấu được bất cứ món ăn nào đạt tiêu chuẩn.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của thành phố, lãnh đạo Sở VH-TT&DL cho rằng cần có hoạt động phối hợp, liên kết 3 bên là cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở đào tạo và cộng đồng doanh nghiệp từ việc tuyển đầu vào, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Cạnh đó, khuyến khích các cơ sở đào tạo nghề áp dụng bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia VTOS 2013 và bộ tiêu chuẩn 8 kỹ năng nghề quốc gia vào giáo trình giảng dạy. Với các cơ sở đào tạo, ngoài việc tăng thời lượng thực hành thì việc nâng cao kỹ năng mềm, ý thức kỷ luật làm việc và trình độ ngoại ngữ cho sinh viên là hết sức cần thiết.

Đông A