Nguy cơ đối đầu Nga - Mỹ leo thang ở Syria
(Cadn.com.vn) - LHQ ngày 21-6 kêu gọi Mỹ và Nga giảm leo thang căng thẳng ở Syria sau khi cả hai bên “lời qua tiếng lại” gay gắt quanh vụ Lầu Năm Góc bắn rơi chiến đấu cơ của quân đội chính phủ Syria gần thành phố Raqqa.
Máy bay chiến đấu của Nga tại căn cứ không quân Hmeymim ở Syria. Ảnh: Reuters |
Trong tuyên bố đưa ra hôm 21-6, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres hy vọng, những căng thẳng giữa Mỹ và Nga tại không phận Syria sẽ không dẫn đến việc leo thang xung đột vốn đang diễn ra rất gay gắt. “Tôi hy vọng, tình hình sẽ hạ nhiệt bởi những vụ việc như trên có thể trở nên vô cùng nguy hiểm trong cuộc xung đột vốn dĩ đã có rất nhiều bên liên quan và tình hình thực địa rất phức tạp”, ông Guterres nhấn mạnh tại một cuộc họp báo.
Căng thẳng Nga-Mỹ tại Syria leo thang sau khi Lầu Năm Góc xác nhận đã bắn rơi chiến đấu cơ của quân đội chính phủ Syria gần thành phố Raqqa. Moscow thật sự tức giận trước hành động được đánh giá là “xâm lược Syria” của Washington. Moscow cảnh báo Washington không sử dụng vũ lực nhằm vào quân chính phủ Syria đồng thời tuyên bố sẽ coi những máy bay thuộc liên quân do Mỹ dẫn đầu hoạt động ở phía tây sông Euphrates là các mục tiêu tiềm tàng, cảnh báo sẽ nhắm mục tiêu vào bất kỳ vật thể bay nào trên vùng trời các khu vực Syria. Nga thậm chí tuyên bố sẽ chấm dứt hoạt động đường dây nóng ngăn ngừa va chạm với Mỹ sau vụ việc này.
Trong động thái căng thẳng mới nhất, Nga hôm 21-6 cáo buộc liên quân chống tổ chức IS do Mỹ dẫn đầu “đồng lõa với khủng bố”. Trả lời Interfax, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói: “Ở Syria, những vụ tấn công như vậy giống như việc đồng lõa với khủng bố”. Moscow cho rằng, hành động này cho thấy ý đồ thù địch của liên quân do Mỹ dẫn đầu.
Trước phản ứng mạnh mẽ của Nga, Mỹ dường như đang cố làm dịu tình hình. Lầu Năm Góc tuyên bố phải di chuyển một số máy bay ở Syria để đảm bảo an toàn. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đại tướng Josept Dunford cho biết, Washington đang tìm cách nối lại đường dây nóng quân sự với Nga, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các lực lượng của cả hai bên đang hoạt động tại Syria. Theo ông, Mỹ triển khai các biện pháp thông qua kênh ngoại giao và quân sự để nối lại đường dây nóng này.
Dù đều hoạt động chống khủng bố trong cuộc nội chiến Syria, Nga ủng hộ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad, trong khi Mỹ ủng hộ các lực lượng nổi dậy chống chính phủ. Nhiều chuyên gia cho rằng, Mỹ và Nga buộc phải bắt tay nhau mới có thể giải quyết vấn đề Syria. Vì vậy, Moscow có thể sẽ không hành động mạnh mẽ nhằm vào Washington, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến ở Syria đang leo thang đáng lo ngại.
Việc đe dọa cắt đứt thông tin liên lạc không phải là mới. Hồi tháng 4, Bộ Ngoại giao Nga đe dọa sẽ đóng tất cả các đường dây thông tin vốn được thiết lập vào năm 2015 để tránh tình trạng va chạm trên không. Đây là phản ứng nhằm chống lại việc Mỹ tấn công một sân bay của quân đội Syria, nơi bị cáo buộc sử dụng để mở các cuộc tấn công hóa học. Chuyên gia Sarah Lain ở London cho rằng, “trên thực tế, Nga khó có thể cắt đường dây nóng từ các cuộc xung đột, vì nó không có lợi gì cả”.
Dưới thời chính quyền Mỹ trước đây, Moscow đóng vai trò lớn hơn ở Syria. Dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, quân đội Mỹ rõ ràng được trao cho không gian để hành động mạnh mẽ hơn tại quốc gia Trung Đông này. Cả hai hiện không loại trừ khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Donald Trump bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) tại Đức vào tháng tới. Tại đây, cả hai nhà lãnh đạo được cho là sẽ ưu tiên bàn về vấn đề Syria. Dù vậy, cho tới nay vẫn chưa có gì cụ thể được hai bên nhất trí.
KHẢ ANH
NGA CHỈ TRÍCH TUYÊN BỐ CỦA MỸ VỀ XUNG ĐỘT UKRAINE Ngày 21-6, người phát ngôn điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết Moscow coi tuyên bố của Mỹ, theo đó gắn việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga với việc nước này rút khỏi miền đông Ukraine, là không phù hợp và không chính xác. Phát biểu với báo giới, ông Peskov nêu rõ: “Chúng tôi nhiều lần nhấn mạnh, Nga không hiện diện trên lãnh thổ Donbass - vùng rộng lớn ở miền đông Ukraine do phe nổi dậy kiểm soát. Đó là lý do tại sao chúng tôi coi những phát biểu này là không phù hợp và không chính xác”. Hôm 20-6, Nhà Trắng tuyên bố các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Nga sẽ vẫn được duy trì cho tới khi Moscow rút khỏi miền đông Ukraine. |