Nguy cơ gia tăng căng thẳng Nga - phương Tây

Thứ sáu, 02/12/2022 11:11
Việc Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết liên minh này sẽ mở rộng hiện diện trên khắp Đông Âu, từ Biển Đen đến khu vực Baltic làm dấy lên lo lắng về khả năng đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO.
Binh sĩ NATO và Estonia tập trận. Ảnh: AFP
Binh sĩ NATO và Estonia tập trận. Ảnh: AFP

Phát biểu tại Romania hôm 28-11 trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO kéo dài hai ngày, ông Stoltenberg nói với các phóng viên rằng châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất trong vòng một thế hệ, đồng thời nhấn mạnh về nhu cầu cần thiết phải củng cố các khu vực có tầm quan trọng chiến lược để đáp trả chiến dịch quân sự của Moscow. "Để đối phó với sự gây hấn của Nga, NATO đang tăng cường sự hiện diện từ vùng Baltic đến Biển Đen. Chúng tôi đã thành lập các nhóm tác chiến mới, trong đó có nhóm do Pháp đứng đầu tại Romania. Các máy bay chiến đấu của Canada cũng hỗ trợ bảo vệ bầu trời, tên lửa phòng không Patriot của Mỹ giúp tăng cường phòng thủ của các bạn", lãnh đạo NATO nói. Ông nhấn mạnh: "Điều này phát đi một thông điệp rõ ràng rằng NATO luôn ở đây. Chúng tôi sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ tất cả đồng minh".

Người đứng đầu NATO lưu ý rằng việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan vào liên minh sẽ giúp liên minh quân sự này củng cố sườn phía Đông, đặc biệt là vùng Baltic, nhờ tiềm lực quân sự tốt và được đào tạo bài bản.

Trong khi đó, Biển Đen là vùng biển có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng với Nga và Ukraine. Do đó, nếu NATO bằng cách nào đó gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đen, chắc chắn phía Nga sẽ có phản ứng quyết liệt bởi sự hiện diện này đe doạ trực tiếp đến hạm đội Biển Đen của Nga ở bán đảo Crimea cũng như có thể tác động lớn đến cục diện xung đột tại Ukraine.

Động thái này của NATO nhằm gửi thông điệp rõ ràng tới Nga, trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự ở Ukraine đã kéo dài hơn 9 tháng. Bất chấp các báo cáo rằng phần lớn các quốc gia NATO đang cạn kiệt kho vũ khí và đạn dược, Mỹ và các đối tác đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Chính phủ Kiev đã nhận được hàng loạt vũ khí hạng nặng từ các đồng minh phương Tây, trong đó chỉ riêng Mỹ đã phê duyệt khoản viện trợ quân sự trực tiếp trị giá hơn 19 tỷ USD kể từ cuối tháng 2, với hàng chục Hệ thống Tên lửa pháo binh cơ động tầm xa (HIMARS), hơn 46.000 tên lửa chống tăng và gần 200 khẩu pháo. Những động thái cứng rắn này của các nước thành viên NATO đang đẩy thế đối đầu Nga-phương Tây sang giai đoạn quyết liệt hơn.

AN BÌNH

Nga tăng cường mua sắm quốc phòng trong năm 2023

Ngày 30-11, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết kế hoạch mua sắm quốc phòng của nước này trong năm 2023 sẽ tăng 50% để đảm bảo quân đội được cung cấp 97% thiết bị quân sự và vũ khí.

Bộ trưởng Shoigu nhấn mạnh tầm quan trọng là duy trì hoạt động sản xuất tối đa có thể và bảo đảm giao hàng sớm cho quân đội, đồng thời cần phải tiếp tục hiện đại hóa và phát triển các loại vũ khí hiện đại. Kế hoạch mua sắm quốc phòng này dựa trên chương trình vũ khí quốc gia, tuy nhiên quy mô của kế hoạch không được thông báo.

Chương trình vũ khí quốc gia của Nga hiện nay được soạn thảo cho giai đoạn 2018-2027 và theo số liệu năm 2018, chương trình này đã được đầu tư 20.000 tỷ ruble (khoảng 330 tỷ USD). Bộ trưởng Shoigu cho biết Nga cũng sẽ triển khai các hệ thống tên lửa mới cho 5 đơn vị thuộc Lực lượng tên lửa chiến lược. Hiện công tác xây dựng cơ sở hạ tầng tại 5 đơn vị này đang được triển khai để tiếp nhận các hệ thống tên lửa mới.