Nguy cơ “thiếu trắng” giáo viên các môn tự chọn

Thứ ba, 26/04/2022 10:48
Năm học tới (2022-2023) cùng với khối 3 bậc tiểu học, khối 7 bậc THCS, khối 10 bậc THPT sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 (sau đây gọi tắt là chương trình giáo dục phổ thông mới - CTGDPTM). Theo đó, học sinh (HS) lớp 10 sẽ học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc, 5 môn học tự chọn. Qua khảo sát, được biết, với CTGDPTM này, có nhiều trường THPT ở Đà Nẵng rơi vào cảnh thiếu “trắng” giáo viên ở các bộ môn năng khiếu, thiếu cục bộ ở những bộ môn  tự chọn nếu HS đăng ký quá nhiều.
Với việc học sinh được lựa chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn, sẽ có nhiều trường THPT rơi vào cảnh thiếu “trắng” giáo viên ở các bộ môn năng khiếu, thiếu cục bộ ở những bộ môn học sinh đăng ký quá nhiều. Ảnh: P.V
Học sinh lớp 10 Trường THPT Thái Phiên trong giờ học môn thể dục năm học 2021-2022.

“Đỏ mắt” tìm giáo viên

Theo CTGDPTM bắt đầu triển khai lần đầu tiên trong năm học tới đối với khối lớp 10 THPT, 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm có: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng- an ninh, Hoạt động trải nghiệm- Hướng nghiệp và nội dung giáo dục của địa phương. 5 môn học tự chọn của 3 nhóm môn (mỗi nhóm HS được chọn ít nhất 1 môn) gồm: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế & pháp luật); Khọc học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật). Ngoài ra, HS còn có một số môn học có các chuyên đề học tập.

Theo ông Nguyễn Cửu Huy- Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên, với việc HS được lựa chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn nêu trên, sẽ có nhiều trường THPT rơi vào cảnh thiếu “trắng” giáo viên ở các bộ môn năng khiếu, thiếu cục bộ ở những bộ môn học tự chọn nếu HS đăng ký quá nhiều… “Theo CTGDPTM, HS lớp 10 được lựa chọn 5 môn trong 3 nhóm môn (gồm 9 - 10 môn) dẫn đến tình trạng có môn học có nhiều HS đăng ký, có môn học ít HS đăng ký. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu, thừa cục bộ đội ngũ giáo viên. Trong các môn học tự chọn xuất hiện bộ môn mới là môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), nhưng hiện nhà trường chưa có giáo viên giảng dạy bộ môn này. Nếu không tuyển dụng thì thiếu giáo viên, nếu tuyển dụng nhưng HS không lựa chọn thì không biết giải quyết GV ở bộ môn này như thế nào?”- ông Huy trăn trở chia sẻ.

Còn về phía HS, theo ông Huy, ở độ tuổi này, các em chưa định hướng đúng về bộ môn lựa chọn nên khi HS tự chọn môn học nhưng chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến việc chọn nghề, thi cử của các em về sau. “Trong khi đó, HS lớp 10 đã chọn 5 môn nào thì sẽ theo 5 môn đó suốt 3 năm bậc THPT, không thể có lựa chọn khác. Lấy ví dụ, một HS không chọn môn Lịch sử, nhưng lên lớp 11, lớp 12 các em lại có định hướng chọn nghề và nguyện vọng thi tuyển sinh vào đại học các khối có môn trên thì sẽ giải quyết như thế nào về trường hợp này? Chưa kể, trong trường hợp HS chuyển trường nhưng ở trường mới không có tổ hợp môn tự chọn mà các em đã đăng ký học ở trường cũ thì sẽ như thế nào?”- Hiệu trưởng trường THPT Thái Phiên nêu vấn đề. Vì thế, theo ông Huy, công tác tư vấn, định hướng HS chọn môn tự chọn rất quan trọng.

Với việc học sinh được lựa chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn, sẽ có nhiều trường THPT rơi vào cảnh thiếu “trắng” giáo viên ở các bộ môn năng khiếu, thiếu cục bộ ở những bộ môn học sinh đăng ký quá nhiều. Ảnh: P.V

Lo nhất là Âm nhạc và Mỹ thuật

Không riêng gì Hiệu trưởng trường THPT Thái Phiên, nhiều cán bộ quản lý bậc THPT khi được hỏi đến vấn đề triển khai CTGDPTM đối với lớp 10 vào năm học tới đây đều bày tỏ băn khoăn đối với các môn tự chọn, nhất là môn Âm nhạc và Mỹ thuật. Thậm chí có trường cho biết, trong năm học tới đây chưa thể xây dựng 2 môn học này trong tổ môn tự chọn bởi không có giáo viên. Đơn cử như trường THPT Hoàng Hoa Thám. Ông Phạm Tấn Ngọc Thụy- Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám cho biết, trên cơ sở các hướng dẫn và nội dung chương trình, nhà trường sẽ căn cứ vào thực tế đội ngũ giáo viên các bộ môn, cơ sở vật chất kỹ thuật nhà trường và thông tin tham khảo HS đăng kí các tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT 5 năm gần nhất để dự kiến xây dựng phương án phân lớp của khối 10. “Vì phải thực hiện cùng lúc chương trình cũ đối với khối 11 và 12 nên cần phải xem xét bố trí giáo viên giảng dạy các môn của khối 11, 12 đảm bảo theo quy định, sau đó trên cơ sở số lượng giáo viên các môn và dự kiến phân công từ các tổ chuyên môn, nhà trường sẽ xây dựng các phương án lựa chọn tổ hợp môn phù hợp nhất có thể để HS lựa chọn. Ví dụ: Nếu số GV môn Vật lí nhiều hơn các môn thì dự kiến lớp có môn Vật lí sẽ nhiều hơn, cụm chuyên đề có môn Vật lí nhiều hơn,...Theo đó, tùy theo số lượng GV để chọn tổ hợp tự nhiên hay xã hội nhiều lớp hơn, cụm chuyên đề phù hợp với nhóm tổ hợp tự nhiên hoặc xã và phù hợp tương đối với các khối thi Đại học truyền thống như A, A1, C, D. Nói là vậy, nhưng thực tế còn rất nhiều khó khăn. Theo đó, đối với 2 môn Âm nhạc và Mỹ thuật, nhà trường chưa xây dựng phương án chọn lớp trong năm học tới do chưa có giáo viên. Khó khăn nữa do GV các tổ chưa đồng bộ, có những tổ hợp xây dựng chưa hợp lí về môn học do đặc thù phải căn cứ thực tế đội ngũ và cơ sở vật chất hiện có. Dự kiến, HS sẽ được xếp theo nguyện vọng 1, 2, tuy nhiên, không thể đáp ứng hết nhu cầu nguyện vọng HS ngay trong năm đầu triển khai đối với CTGDPTM được”- ông Ngọc Thụy bộc bạch.

Phương án thay thế

Nhiều trường cho hay sẽ xây dựng nhiều phương án để trong trường hợp HS đăng ký các môn tự chọn không tương thích với phương án, kế hoạch mà nhà trường đã xây dựng thì có phương án dự kiến thay thế. Ngay như trường THCS&THPT Nguyễn Khuyến vốn có lợi thế về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất do là trường liên cấp, chất lượng HS tuyển vào lớp 10 tương đối cao, nhưng nhà trường dự kiến sẽ xây dựng nhiều phương án dự phòng. “So với các trường THPT khác trên địa bàn TP, Nguyễn Khuyến có thuận lợi hơn đối với việc triển khai chương trình mới lớp 10 đối với các môn tự chọn Âm nhạc, Mĩ thuật vì đã có giáo viên cũng như cơ sở vật chất. Trên cơ sở số giáo viên hiện có, trường dự kiến xây dựng kế hoạch với 3 lớp tự nhiên, 3 lớp xã hội. Trong trường hợp HS đăng ký không theo kế hoạch thì nhà trường đưa ra các phương án sau: Nếu chênh lệch ít thì chấp nhận số HS/lớp ở 2 khối không tương đương nhưng không quá 45 HS/lớp. Ví dụ, khối tự nhiên: 45 HS/lớp, khối xã hội: 39HS/lớp. Phương án hai đó là căn cứ chất lượng điểm thi, điểm cả năm cấp THCS để tư vấn cho HS, gia đình có thể điều chỉnh việc đăng ký. Với chất lượng tuyển sinh đầu vào không quá cao cũng không quá thấp, chúng tôi hy vọng HS đăng ký các môn tự chọn không quá chênh lệch”- bà Trần Thị Kim Vân- Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Ngoài khó khăn về đội ngũ GV, cơ sở vật chất để bố trí dạy học đối với các môn tự chọn cũng là một vấn đề được nhiều trường THPT đề cập đến. Theo Điều 18, Thông tư số 13/2020 của Bộ GD-ĐT Ban hành Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, TH, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học thì cấp THCS và THPT đảm bảo yêu cầu tối thiểu là 0,6 lớp/phòng để tổ chức học các môn tự chọn. “Chiếu theo quy định này thì số phòng học trong thực tế của nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu của CTGDPTM. Vì hiện nay nhà trường có 56 lớp nhưng chỉ có 41 phòng”- Hiệu trưởng trường THPT Thái Phiên cho hay.

Chỉ còn gần 5 tháng nữa thôi là bước vào năm học mới 2022-2023. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Điều này đã gây không ít khó khăn cho các cơ sở giáo dục ở bậc học này trong xây dựng phương án, kế hoạch để triển khai CTGDPTM đạt hiệu quả, tránh tình trạng HS lựa chọn theo cảm tính hoặc đổ xô chọn các môn giống nhau dẫn đến thừa, thiếu cục bộ đội ngũ GV.

P.THỦY