Nguy cơ từ các mảnh vỡ không gian

Thứ năm, 19/09/2013 09:20

(Cadn.com.vn) - Một trong những bộ phim bom tấn đang được mong đợi nhất trong mùa thu này là "Gravity" (Trọng lực). Bộ phim nói về 2 nhân vật chính bị trôi dạt trong không gian sau khi tàu con thoi của họ bị vỡ. Họ phải đối mặt với "nhân vật phản diện" mới nhất: các mảnh vỡ không gian. Thật không may, đây không chỉ là tưởng tượng của Hollywood mà thật sự chúng là những "kẻ thù" của các phi hành gia. Mảnh vỡ không gian là vô cùng nguy hiểm và thậm chí có thể gây chết người.

Không đơn giản chỉ là rác

NASA phân loại các mảnh vỡ không gian thành hai nhóm: tự nhiên (gồm các thiên thạch) và nhân tạo (do con người tạo ra).

Hầu hết các mảnh vỡ nhân tạo được tìm thấy trong quỹ đạo xung quanh Trái đất, vì vậy nó được gọi là các mảnh vỡ quỹ đạo. Theo định nghĩa của NASA, mảnh vỡ quỹ đạo là "bất kỳ đối tượng nào do con người tạo ra trong quỹ đạo Trái đất mà không còn chức năng hữu ích". Chúng bao gồm các tàu vũ trụ không hoạt động, bị rơi trong giai đoạn khởi động, các mảnh vỡ... Hiện nay, cả hai Bộ Quốc phòng (DOD) và NASA đang theo dõi các mảnh vỡ quỹ đạo rất nhỏ, có kích thước dưới 5cm.

Theo ước tính của NASA, có hơn 500.000 mảnh vỡ lớn bằng viên sỏi, và lên đến 20.000 mảnh vỡ bằng một quả bóng chày trôi nổi xung quanh bầu khí quyển của Trái đất. Các mảnh vỡ này là cực kỳ nguy hiểm khi bay trong quỹ đạo ở tốc độ hơn 28.000km/h. Ở vận tốc như vậy, ngay cả những mảnh nhỏ nhất cũng có thể làm tê liệt một vệ tinh hoặc tàu vũ trụ. Ngay từ những năm 1970, các nhà khoa học làm việc trên các chương trình không gian của Nga và Mỹ đã lo lắng bởi sự tăng trưởng theo cấp số nhân của các mảnh vỡ quỹ đạo.

Donald J. Kessler, nhà nghiên cứu những mối nguy hiểm tiềm năng của việc va chạm các mảnh vỡ ngoài không gian của NASA cho biết, số các mảnh vỡ không gian tăng lên cùng với số các vụ phóng tàu vũ trụ, đặc biệt là trong quỹ đạo thấp của trái đất (LEO). Theo thời gian, mật độ các mảnh vỡ sẽ tăng lên, gây ra nhiều mảnh vỡ hơn. Thông thường, các mảnh vỡ này sẽ rơi xuống trái đất. Nhưng ông Kessler tin rằng, phần còn lại cuối cùng có thể tạo thành một "vành đai rác" quanh trái đất và khiến con người gặp khó khăn trong việc tiến vào không gian.

Một báo cáo năm 2008 của Hội đồng Quan hệ đối ngoại kết luận rằng, các mảnh vỡ quỹ đạo nguy hiểm tương đương bụi phóng xạ sinh ra sau khi một vụ nổ hạt nhân bởi chúng có thể tồn tại trong nhiều năm. Hầu hết các vệ tinh hoạt động trong quỹ đạo Mặt trời ở độ cao từ 600-900 m. Do đó, đây cũng là quỹ đạo mà hầu hết các va chạm xảy ra.  Báo cáo năm 2010 của Văn phòng Ủy ban các vấn đề bên ngoài không gian của LHQ cho biết, vụ va chạm đầu tiên xảy ra vào ngày 10-2-2009 giữa vệ tinh truyền hình Iridium-33 (của Mỹ) và Cosmos-2251 (của Nga), tạo ra hơn 2.200 mảnh vỡ.

Các vụ phóng vệ tinh là nguyên nhân gây ra các mảnh vỡ không gian. Ảnh: Diplomat

Trung Quốc- thủ phạm mới

Ngoài Mỹ và Nga... sự xuất hiện Trung Quốc trong các hoạt động vũ trụ khiến vấn đề càng thêm phức tạp.

Với vụ phóng vệ tinh thành công đầu tiên năm 1970, sự ra đời của tàu không gian có người lái vào năm 2003 Lang Liwei, và dự kiến tàu Thiên Cung -2 sẽ ra mắt vào khoảng năm 2015, khối lượng các mảnh vỡ quỹ đạo tăng lên nhanh chóng. Điều này không chỉ đe dọa tài sản của cộng đồng quốc tế mà còn của cả Trung Quốc, trong đó có cả sự an toàn của các phi hành gia.

Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) thống kê mức độ "đóng góp" các mảnh vỡ quỹ đạo của các nước trong nhiều thập kỷ qua. Mặc dù Nga và Mỹ cho đến nay vẫn là quốc gia tạo rác vũ trụ nhiều nhất, các mảnh vỡ quỹ đạo của Trung Quốc cũng tăng chóng mặt kể từ đầu những năm 2000.

Ngày 11-1-2007, Trung Quốc khiến số rác vũ trụ có đường kính lớn hơn 10cm tăng lên 10% khi tiến hành vụ thử vệ tinh A-SAT tạo ra hơn 2.500 mảnh vỡ. Mặc dù bị quốc tế lên án, Geoffrey Forden, một nhà nghiên cứu của MIT, cho rằng chắc chắn Trung Quốc sẽ không hoàn toàn từ bỏ các vụ thử A-SAT trong tương lai. NASA kết luận rằng, sẽ mất hơn 100 năm để các mảnh vỡ này mất đi trong bầu khí quyển và từ đây cho đến lúc đó, chúng vẫn là một mối nguy hiểm lớn.

Về phần mình, Trung Quốc thừa nhận mảnh vỡ không gian và tham gia nhiều tổ chức quốc tế tìm cách giảm thiểu mảnh vỡ quỹ đạo, chẳng hạn như Ủy ban Điều phối Rác không gian (IADC). Hiện nay, dù một số thỏa thuận không gian song phương Mỹ-Trung vẫn còn nhiều hạn chế, có nhiều cơ hội xây dựng mối quan hệ hợp tác với cộng đồng quốc tế.

An Bình

(Theo Diplomat)