Nguy cơ xung đột sau các vụ tấn công trên Vịnh Oman
Nhiều chuyên gia cho rằng, chính Cơ quan Tình báo của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thực hiện các vụ tấn công nhằm vào các tàu chở dầu trên nhằm kích động cuộc chiến chống Iran.
Tàu Kokuka Courageous bị hư hại sau khi bị tấn công ở Vịnh Oman. Ảnh: Reuters |
Căng thẳng đang leo thang chóng mặt trong vụ tấn công được cho là của Iran nhằm vào hai tàu chở dầu ở Vịnh Oman khi quân đội Mỹ công bố đoạn băng mà họ tuyên bố là hình ảnh tàu tuần tra của quân đội Iran tiếp cận một trong các tàu bị tấn công.
Sự cố xảy ra hôm 13-6 đối với tàu Front Altair của hãng tàu biển Frontline của Na Uy, và tàu Kokuka Courageous do Cty Kokuka Sangyo có trụ sở tại Tokyo, vận hành. Theo thông tin ban đầu, hai tàu trên đã bị tấn công, có thể bằng ngư lôi hoặc bằng mìn từ tính. Một tàu bốc cháy và cả hai tàu bị trôi lênh đênh trên biển. Vụ việc khiến giá dầu tăng lên 4% do quan ngại về các nguồn cung tại Trung Đông.
Iran hay Saudi Arabia đứng sau?
Quân đội Mỹ đã công bố đoạn băng trên vào sáng 14-6, với những hình ảnh cho thấy, Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tháo gỡ một quả thủy lôi chưa nổ bên cạnh một trong hai tàu chở dầu bị tấn công, cũng như một bức ảnh rõ ràng về quả thủy lôi trước khi được tháo gỡ. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, Đại tá Hải quân Bill Urban, cho biết: “Một tàu tuần tra lớp Gashti của IRGC đã tiếp cận tàu M/T Kokuka Courageous và bị giám sát đồng thời bị ghi lại cảnh tháo gỡ một quả thủy lôi chưa nổ khỏi đáy tàu Kokuka Courageous”.
Theo AFP, đoạn băng được công bố khi Anh và nhiều nước ủng hộ Mỹ cáo buộc rằng, Iran đứng sau các vụ tấn công đáng ngờ nhằm vào hai tàu chở dầu trên. Trong một tuyên bố, Quốc vụ khanh phụ trách ngoại giao Saudi Arabia Adel Al-Jubeir cho biết, nước này không có lý do gì để không đồng tình với quan điểm của Mỹ. Theo ông Al-Jubeir, Iran hay làm những việc tương tự như vậy. Tại Anh, Ngoại trưởng Jeremy Hunt cảnh báo Tehran rằng nếu được chứng minh là đứng sau vụ việc thì đó sẽ là một “sự leo thang không khôn ngoan, gây nguy hiểm thực sự cho triển vọng hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Tuy nhiên, Tehran kiên quyết bác bỏ, cho rằng, cáo buộc của Mỹ là “vô căn cứ”. Phái bộ của Iran tại LHQ nhấn mạnh: “Iran kiên quyết bác bỏ tuyên bố vô căn cứ của Mỹ liên quan các sự cố tàu chở dầu ngày 13-6, đồng thời lên án (tuyên bố của Mỹ) một cách mạnh mẽ nhất có thể”. Phía chính phủ Iran cũng cho rằng “có nhiều dấu hiệu đáng ngờ” từ các vụ tấn công này vì diễn ra đúng vào thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang có chuyến thăm chính thức Iran. Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định: “Tehran đặc biệt coi trọng việc đảm bảo an ninh tại Vịnh Persian cũng như toàn bộ khu vực Trung Đông”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chính Cơ quan Tình báo của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thực hiện các vụ tấn công nhằm vào các tàu chở dầu trên nhằm kích động cuộc chiến chống Iran. “Iran không ngây thơ đe dọa hoạt động vận tải biển trong khu vực theo cách thức như vậy mà không cân nhắc kỹ lưỡng tới các lệnh trừng phạt kinh tế đang nhằm vào mình”, một chuyên gia nhận định.
Những “vật thể bay” trước vụ tấn công
Trong tuyên bố ngày 14-6, ông Yutaka Katada, Chủ tịch hãng vận tải biển Kokuka Sangyo, cho biết, các thủy thủ trên tàu Kokuka Courageous, bị bốc cháy trong vụ tấn công trên Vịnh Oman đã nhìn thấy “vật thể bay” trước khi xảy ra vụ nổ thứ hai trên boong.
Theo ông, tàu của hãng đã bị tấn công bởi hai “vật thể bay” khi đang di chuyển tại Vịnh Oman, ngoài khơi Iran hôm 13-6. “Các thủy thủ trên tàu chính mắt thấy một vật gì đó bay vào tàu, xảy ra một vụ nổ và tạo thành lỗ thủng trên thân tàu”, ông nói. Sau đó, các thủy thủ đã phải sơ tán, nhưng 3 giờ sau đó, một vật thể bay khác lại lao vào tàu. Các vụ nổ này đã khiến boong tàu bốc cháy, nhưng không gây thiệt hại lớn. Một thủy thủ bị thương nhẹ. Các thủy thủ đã phải sơ tán. Với sự hỗ trợ của quân đội Mỹ, các thủy thủ đã quay lại tàu. Cũng theo ông Katada, hãng vận tải biển Kokuka Sangyo sẽ đánh giá toàn bộ thiệt hại đối với tàu Kokuka Courageous, nhưng nhiều khả năng con tàu này sẽ không bị chìm. Tuy nhiên, Chủ tịch hãng vận tải biển Kokuka Sangyo cũng bác bỏ khả năng tàu Kokuka Courageous bị trúng ngư lôi.
Lo cho Vùng Vịnh
Vụ tấn công hai tàu chở dầu lần này xảy ra chỉ 1 tháng sau khi diễn ra các vụ nổ làm thiệt hại 4 tàu chở dầu ngoài khơi bờ biển UAE. Vấn đề gây chú ý hơn nữa là nó xảy ra trong khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang có chuyến thăm lịch sử đến Tehran với vai trò chính là trung gian giúp giảm căng thẳng giữa Mỹ và Iran, đang khiến dư luận lo ngại xung đột ở Trung Đông sẽ leo thang.
Nói về vấn đề này, Washington cho biết, họ không muốn dính vào cuộc xung đột mới tại Trung Đông sau khi phải điều một tàu khu trục tới hiện trường xảy ra vụ tấn công trên. Trong một tuyên bố, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ cho biết, tàu khu trục USS Mason đến giúp đỡ tại hiện trường vụ việc, trong khi tàu khu trục USS Bainbridge hiện vẫn duy trì liên lạc chặt chẽ với tàu Kokuka Courageous và sẽ không làm ngơ trước mọi hành động can thiệp. Người phát ngôn Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, Trung tá Earl Brown, nhấn mạnh các vụ việc trên “là mối đe dọa rõ ràng đối với tự do hàng hải và tự do thương mại quốc tế”.
Theo yêu cầu của Mỹ, HĐBA LHQ nhóm họp để thảo luận về tình hình Vùng Vịnh. Phát biểu tại cuộc họp hội đồng về hợp tác giữa LHQ và Liên đoàn Arab (AL), quyền Đại sứ Mỹ tại HĐBA LHQ Jonathan Cohen nêu rõ: “Không thể chấp nhận bất kỳ bên nào tấn công tàu thuyền thương mại và những vụ tấn công ngày hôm nay nhằm vào các tàu ở Vịnh Oman gây quan ngại vô cùng sâu sắc. Chính phủ Mỹ đang hỗ trợ và sẽ tiếp tục đánh giá tình hình”. Qatar cũng kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về các vụ tấn công nhằm vào 2 tàu chở dầu trên, đồng thời cảnh báo việc làm xáo trộn an ninh của vùng Vịnh cũng như khu vực rộng lớn hơn. Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng lên án mọi hành động gây nguy hại đến an toàn của các vùng biển tại Vùng Vịnh. Trong phản ứng của mình, Bộ Ngoại giao Iraq cũng tuyên bố lên án vụ tấn công, và kêu gọi đối thoại đảm bảo ổn định tại Trung Đông.
Nhận định về sự việc trên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, hiện còn quá sớm để kết luận về vụ tấn công do còn thiếu nhiều thông tin. Người phát ngôn Điện Kremlin nêu rõ: “Không ai biết rõ điều gì đằng sau vụ tấn công này”. Cùng quan điểm này, chính phủ Nhật Bản khẳng định tiếp tục thu thập thêm thông tin về các vụ tấn công hai tàu chở dầu trên và nhấn mạnh: “Chúng tôi vẫn chưa biết ai đã thực hiện các vụ tấn công đó và bằng cách nào”.
KHẢ ANH