Nguyễn Kim Huy “Kéo co với mùa xuân” *
Mỗi người trong cuộc đời này đều phải chơi trò kéo co với những rủi may của số phận. Nghệ sĩ thì khác hơn, mỗi người tự kéo co theo cách của mình, các nhà thơ kéo co càng dữ dội hơn, không ít người đổi lấy sinh mệnh mà vẫn không níu kéo được gì, đành bỏ cuộc. Đó là trò chơi của kiếp người. Còn Nguyễn Kim Huy chắc gì anh kéo co với mùa xuân*, biết đâu đó là “lời tự dối”, là cách nói khác của nhà thơ về những khát vọng, về những đau buồn hụt hẫng, mất mát của một cậu bé sinh ra từ một làng quê nghèo nơi xứ Quảng... Chính Nguyễn Kim Huy đã từng thú nhận: “không lẽ suốt cuộc đời/ anh và em và mùa xuân vẫn giằng co nhau trong những giấc mơ?”. Giấc mơ ấy bình dị chân quê, đơn sơ, bé nhỏ, nhưng lại đậm đà hương vị tuổi thơ từ trong yên lặng, lan tỏa từng ngày bấp bênh rong ruổi đời mình. Giấc mơ ấy chỉ “là một hòn núi nhỏ”, thế mà “cứ sừng sững hiện lên ngăn cách những đời người”. Nỗi buồn thời thơ ấu là ký ức lấp lánh, vẻ đẹp trong sáng hồn nhiên trong tâm hồn “hoa dẻ hoa mua” từ một góc làng quê dung dị. Cứ thế Nguyễn Kim Huy “nắm chặt trang thơ”, giữ chặt lời giao ước với cuộc đời này, cho dù “giữa giấc ngủ mơ thấy mình làm thơ/ thức dậy mồ hôi ướt đầm bữa cơm chiều chưa có” như trong một bài thơ anh đã viết rất lâu rồi.
*Kéo co với mùa xuân - thơ Nguyễn Kim Huy, NXB Đà Nẵng, 2017. |
Mấy ai kéo co một mình đâu, thế mà Huy vẫn lặng thầm kéo “ngược phía mùa xuân” để tìm lại tuổi thơ, tìm thời gian đã mất. Nói đúng hơn là Nguyễn Kim Huy đang kéo co với thế giới thi ca bằng chính ký ức sâu nặng quê kiểng và cảm xúc hồn nhiên chân thực của đời mình, có thể đó là cứu cánh duy nhất để tìm lại cả một thời thơ dại. Vậy mà đâu dễ dàng, bởi “mọi thứ dường như đều khác, cả con người mình giờ cũng đâu còn giống ngày xưa” nữa. Ngày ấy, “bên mép vườn nhà bên mé hiên nhà”, nơi hình ảnh người mẹ lặng lẽ với nỗi đau đơn chiếc, “nhà mình mẹ góa con côi/ khi cha qua đời mẹ vừa qua thời xuân trẻ/ quay mặt về phía nào cũng gió”. Nguyễn Kim Huy thường nhắc nhiều về thời thơ trẻ như một tiếc nuối với nỗi ám ảnh thời gian đang trôi, dường như “không có phút giây nào kịp ngoảnh mặt lại để mà nuối tiếc, để biết rằng đời mình trôi chưa kịp sống bao giờ”. Kéo co với mùa xuân để làm gì, khi “những giấc mơ cũng trở thành hư ảo/ Tâm hồn nghèo hơn thuở thiếu áo đói cơm”. Sức đâu mà kéo co với nỗi buồn, đâu dễ đi tìm mùa xuân đã mất? Sự bộc lộ tâm can khá dày, hơn chục bài thơ dính dấp đến xuân trong tập thơ này, thế mà trong sâu thẳm, mùa xuân cứ dửng dưng với Nguyễn Kim Huy, anh cũng chẳng mong chờ hay đôi co gì với giấc mơ xa vời ấy, có khi nhà thơ cũng chẳng màng đến xuân! Thế giới đầy hư ảo đó chỉ là cái cớ, là cách để Nguyễn Kim Huy kéo co cùng với thơ mà thôi. Bởi chỉ có thơ mới là nơi nương tựa cho những giá trị đời đời mà anh ký thác gửi gắm tất cả tình yêu mình ở đó: Thơ con viết, cứ mong chờ hạnh phúc tình yêu gõ cửa/Thơ con viết, mọi nỗi niềm ngọt ngào cay đắng đâu đâu/Những mộng mơ với hy vọng nát nhàu/Những trời xanh với bờ mi tím ướt /Những hoa hồng với chân trời quay ngược...
Chỉ có thơ mới chất chứa hết những đau buồn, với những gì đã trải mà số phận đã bày ra cho mình. Cho dù chỉ “một câu cho mẹ đến bây giờ vẫn chưa thể nào thấu được/ mẹ đọc thơ con móm mém cũng đành”... Kéo co với thơ khó hơn nhiều với các thứ khác, nhưng trong tâm hồn giữa bụi mờ phố thị vẫn đậm đà hương đồng nội, Nguyễn Kim Huy đã biết chọn cách đi riêng cho mình, anh không bày biện mập mờ, làm dáng cách tân chữ nghĩa mà bằng giọng điệu hồn nhiên mộc mạc chân quê, biết mình phải làm gì để tứ thơ luôn tươi mới, đa chiều nhằm nuôi dưỡng tâm hồn “thằng bé mình trần, quần đùi/ lội ngược dòng con nước lũ đang lên...”. Thơ Nguyễn Kim Huy không có những cung bậc quá quằn quại đau đớn, cả cái nghèo khó quê mùa cũng hồn nhiên như “tâm hồn anh hoa dẻ hoa mua”, dung dị như tiếng chim tu hú “kêu bâng quơ” mà đôi khi làm ai đó giật mình. Có phải vì thế mà trong nhiều bài thơ tình, bất chợt người đọc bắt gặp những câu thơ như lời thì thầm khơi gợi: Đêm qua bầu trời có khóc không/Mà sáng dậy nước mắt ướt đẫm ngọn cỏ/Và ban mai ơi, có điều gì muốn nói/Mà lặng lẽ lau những giọt nước mắt đêm? (Điều gì muốn nói).
Nhà thơ Nguyễn Kim Huy vẫn luôn kéo co với bao trắc trở trên con đường nghệ thuật mà anh đã chọn. Thời gian không còn nhiều, trời đã chiều, bóng xế: Giờ anh đếm bước chân anh/Trên con đường cũ đã thành lối xưa/Đếm từ sáng đến quá trưa/Ngẩng lên bóng xế cũng vừa dưới chân. (Em về đếm bước chân anh). Gần một đời thơ với những khao khát kiếm tìm, thời gian cứ trôi qua, Nguyễn Kim Huy mãi kéo co với mùa xuân trong lặng thầm, “tâm trí anh bắt đầu một cuộc hành trình ngược lại phía mùa xuân”, để tìm cho được những gì đã mất. Mơ ước của mỗi đời người là vô tận, con đường thơ phía trước còn xa, hãy “cứ đi như lao cho đến bạc đầu”, cho dù mùa xuân gió bấc không còn, cho dù ngày đã lên bóng xế, Nguyễn Kim Huy cũng “mím môi ghì mùa xuân về phía mình”, kéo co với chính cuộc đời mình để tận hiến, trả cho đời món nợ tình yêu cuộc sống và con người mà anh đã trót vay.
NGUYỄN NGỌC HẠNH