Nguyễn Ngọc Hạnh: Đáy sông ký ức

Thứ ba, 04/12/2018 10:28

Theo kết quả xét giải thưởng tác phẩm văn học 2018 do Hội Nhà văn Đà Nẵng vừa công bố, tập thơ “Phơi cơn mưa lên chiều” của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh được Hội đồng nghệ thuật trao giải nhân dịp Đại hội nhà văn thành phố lần thứ IV tổ chức vào ngày 8-12-2018. BBT xin giới thiệu bài viết của nhà phê bình văn học Huỳnh Văn Hoa về tập thơ này.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (người đội mũ) và các văn nghệ sĩ đến dự buổi Ra mắt tập thơ Phơi cơn mưa lên chiều của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh tại Hà Nội.

Tôi đọc thơ Nguyễn Ngọc Hạnh trước khi quen biết chừng đã hơn 30 năm nay. Một giọng thơ dung dị, không tung tẩy ngôn ngữ. Bao nhiêu năm rồi, dõi theo con đường thơ của anh, thì vẫn bấy cảm xúc, vẫn bấy hình tượng, song, có điều là, qua năm tháng, với độ chín của thời gian và kinh nghiệm chiếm lĩnh hiện thực, thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đi vào chiều kích của độ lắng, của tầng sâu xúc cảm, đan xen giữa những miền thẩm mỹ của cái đẹp, cái bi, không lẫn với bất cứ nhà thơ nào. Tác giả đã viết: Cuộc đời này đã bày ra những bi kịch và so le của số phận đều có ý nghĩa của nó (Hạnh phúc lặng lẽ). Có phải từ những bi kịch và sự so le của chính cuộc đời mình mà Nguyễn Ngọc Hạnh có được những trang thơ đầy xúc động, khó quên.

Ngọn mây tần xa khuất mấy nẻo quê

Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh có nhiều chủ đề, đó là viết về tình yêu, về quê nhà, về giãi bày tâm sự, trong đó, đậm nét vẫn là những ký ức về một vùng đất gắn liền với tuổi thơ, với dòng sông, con đò, với chớp bể mưa nguồn đầy thương nhớ. Miền Trung với những sông ngòi bắt đầu từ các dãy núi, chảy ra biển, thường ngắn và có độ dốc, nước xanh trong vào mùa hạ, nhưng lại dễ gây lũ lụt về mùa đông. Đặc điểm này, trở thành nguồn cảm xúc trong thơ của nhiều thi sĩ xứ Quảng. Dòng sông trở thành một sinh thể, thao thiết chảy, qua những năm tháng vui buồn của đời người, qua bao phận đời nơi quê hương nghèo khó, qua bao thăng trầm lịch sử, qua bao mạn thuyền ngược xuôi giá lạnh của mùa đông... Nói như nhà thơ Bế Kiến Quốc: Mỗi con người gắn bó một dòng sông. Con sông quê, sông Thu Bồn, sông Vu Gia đó, chảy qua bờ bãi nương dâu, chảy qua những miền cảm xúc, có lúc nhặt, lúc khoan, có lúc như cung đàn day dứt, cũng có khi là như nỗi u hoài xa vắng, thoát lên từ con - đò - nhân - thế của những người xa quê. Một giọng thơ đau đáu về nơi chôn nhau cắt rốn: Tôi đến với dòng sông/ Như đến với ngọn nguồn/ Sông khác gì lòng mẹ/Chảy dọc suốt đời tôi (Sông tôi). Con sông, làng quê gắn với người mẹ nghèo, tần tảo. Những hình bóng này theo suốt một đời thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, tha thiết, nhớ nhung.

 Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh có nỗi buồn trống trải, nỗi nhớ quê da diết, man mác. Những hình ảnh hoang vắng, tịch liêu của quê nhà: Một mình/ Đứng tựa bơ vơ/ Sông xưa/ Đã lấp đôi bờ cỏ khô/ Sông giờ cạn hẹp thành ao/ Người về/ Đâu biết ngõ nào là quê (Lạc). “Đâu biết ngõ nào là quê” như tâm trạng Hạ Tri Chương (659 - 744), nhà thơ đời Đường trong Hồi hương ngẫu thư. Rời quê từ bé. Cuối đời, tìm về thăm quê. Nhưng rồi, tất cả đều xa lạ. Chạm đáy sông đầy, bài thơ nói về cái nhớ bất chợt. Đọc kỹ, đó không phải là điều bất chợt. Thật ra, như quy luật tâm hồn, tất cả đã chìm vào ký ức và thức dậy mỗi khi chạm vào thực tại. Một bài thơ với nhiều chữ “nhớ”. Nhớ ngày mẹ sinh tôi trong vườn lá chuối khô thô ráp/ tiếng khóc chạm tiếng ve/ khúc hát/ trưa hè/ sông dọc bờ quê/ tiếng khóc lịm dần/ rơi giữa cơn mê/ rơi trong vườn bắp tẻ/rơi xuống trần gian một kiếp người. Nhớ hình ảnh người cha: cha gánh vải lên rừng/ trĩu nặng bờ vai khổ nhọc/ gánh cả đàn con thơ dại, đói nghèo. Nhớ sông quê: dòng sông quê đầu nguồn/ nơi tôi tắm giấc mơ tuổi nhỏ/ nơi mẹ một mình ra sông giặt áo/ cứ lặng lờ con nước trôi. Nhớ mẹ. Nhớ cổng làng ngày ra đi. Nhớ bầu trời thơ dại, nhớ tiếng chim dồng dộc phút xa làng...

Chiến tranh. Loạn lạc. Tôi bị bứt khỏi làng: tôi xa làng từ ngày thơ bé/ đêm mưa/ gió rét căm căm/ ai gõ mạn thuyền trên sông vắng/ mà mái chèo cằn cựa đến xa xăm/ tiếng dầm khuya lạnh buốt/ đêm giông/con nước cứ dùng dằng/ không chảy/ con thuyền trôi xuôi/ lòng tôi ở lại/ cứ thương hoài/ mùi bếp lửa chiều quê. Đúng như tên bài thơ, dưới dáy sông - ký ức ấy, đầy những hình bóng thân thuộc, yêu thương, chỉ cần chạm vào, từng đợt sóng sẽ dậy lên với muôn vàn nỗi nhớ. Bài thơ da diết về một dải mây tần xa xa thương nhớ quê nhà. Một bài thơ không dễ viết, nếu không có một “bếp lửa chiều quê” âm ỉ cháy dưới đáy trái tim thơ.

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh trong buổi ra mắt tập thơ "Phơi cơn mưa lên chiều" tại Hà Nội.

Chao xuống lòng những giọt nước mắt trong

Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh là thơ tự bạch. Tự bạch toàn bộ tâm hồn mình ra trước những được mất của cuộc đời. Thứ thơ đó hóa thân bằng những ngôn ngữ không chao chát với cuộc đời. Nhiều bài thơ như chiếc gương soi, phản ánh những góc khuất của đời sống. Đọc những bài Hạnh phúc, Nhan sắc, Đôi khi, Đợi mưa, Lời ru, Về quê, Lạc, Mòn,... thấy một Nguyễn Ngọc Hạnh đầy tâm sự, có khi bùi ngùi, đầy đau xót. Trong đời riêng, Nguyễn Ngọc Hạnh có những nỗi buồn, se thắt, quặn đau. Nỗi buồn đó, vào thơ, thành tiếng nói ngân vọng, day dứt. Bài thơ Qua đò, nhớ mẹ thật cảm động. Đời mẹ gắn liền với đời con đò, gắn liền với đôi gánh tảo tần, chợ sớm chợ chiều: Đời mẹ nhọc nhằn/ bao mưa nguồn chớp bể/ Ấp ủ đàn con/ Trong đôi gánh tảo tần/ Bóng mẹ gầy/ lặn lội bờ sông/ Đêm giá lạnh/ ẵm bồng ru tiếng khóc/ Nỗi niềm trôi xuôi/ theo con đò dọc/ Trôi cả thời thiếu nữ mẹ tôi...

Cách đây không lâu, đứa con gái yêu thương của nhà thơ, còn rất trẻ qua đời đột ngột. Nỗi đau vô hạn. Chiều cuối năm viếng mộ con là bài thơ ngắn, chỉ 119 từ, nén nỗi đau vào sâu trong lồng ngực. Thời khắc là buổi chiều, chiều của cuối năm. Không là buổi chiều nào khác trong năm. Chỉ thời điểm đó, thời điểm của năm cùng tháng tận, người cha vào nghĩa trang viếng mộ con. Bài thơ là cả một niềm tê tái, khôn nguôi “mà lòng cha quặn thắt đến bao giờ”. Nước mắt, bài thơ nói về nỗi đau mất con có 5 khổ. Mỗi khổ là các cung bậc của nước mắt, có lúc “mặn chát/ nhỏ xuống đêm thâu”, có lúc là “niềm hạnh phúc vô bờ/ ngày mẹ sinh con”, có lúc “giọt lệ đọng giữa câu thơ/ chảy suốt một đời mẹ cha khốn khó”, có lúc là “giọt lệ vô minh/ bay giữa nhân tình” và có lúc “giọt nước mắt giờ đâu còn vị mặn”...

Một tiếng thơ hồn hậu

Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh không đóng khung trong một thể loại nào. Có thể là thơ 5 chữ, thơ 7 chữ, thơ lục bát... Đề từ cho bài thơ có khi chỉ có một chữ: Cha, Lụy, Vấp, Muộn, Yêu, Lạc, Quên, Mòn, Nhầm, Ước, Chiều hoặc hai chữ Hoàng hôn, Ngõ hẹp, Chợ quê, Nhớ tôi, Giấc mơ, Nguyện cầu, Nước mắt... Dường như là, nhà thơ để cho cảm xúc tự đi tìm âm điệu, tự gọi về thể loại. Giọng thơ hồn hậu, trong trẻo, nhiều chỗ sâu lắng, tinh diệu. Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh điềm đạm, chừng mực về câu chữ.Trước sau vẫn là thứ thơ đa cảm, dễ xúc động, dễ đi vào lòng người. Phải chăng, nhờ đặc điểm này, không ít bài thơ của anh được nhiều nhạc sĩ chọn và phổ thành ca khúc. Đây là chỗ mạnh của thơ Nguyễn Ngọc Hạnh và là chỗ tìm đến của người yêu thơ, trong đó có bản thân người viết bài này.

Mấy mươi năm miệt mài với thơ ca, Nguyễn Ngọc Hạnh vẽ được con đường sáng tạo của mình. Trên con đường đó, tác giả vẫn là một lữ hành cô đơn, nặng lòng với những miền thương nhớ (dòng sông/ con đò/ quê nhà/ làng/ mẹ/con), như một bài thơ ngắn, có tên Lụy:

Lụy đò mà chẳng qua sông/Cứ rong ruổi bến, cứ trông ngóng bờ/Một đời lụy với câu thơ/Còn bao nhiều chuyến, bao giờ đò ơi?

Con - đò - thơ Nguyễn Ngọc Hạnh còn lụy đến trăm năm, cõi phù sinh còn dính dấp nỗi buồn thì vẫn còn nghìn trùng lấp lánh trang thơ.

HUỲNH VĂN HOA

Đà Nẵng, tháng 11-2018