“Nguyên tố” Macron
Trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống chính phủ hoành hành khắp nước Pháp và mối lo những cuộc bạo loạn mới, một người đàn ông ở vị trí “trung tâm” của làn sóng giận dữ này - Tổng thống Emmanuel Macron – vẫn im lặng.
Ông Macron đã hoàn toàn giữ im lặng trên trang Twitter cá nhân trong tuần qua sau khi khẳng định nhà nước “đã bị tấn công” sau chuyến thăm Puy-en-Velay, nơi trụ sở của tỉnh trưởng bị đốt cháy vào ngày 1-12. Nhà lãnh đạo 40 tuổi chủ yếu dành cả tuần để tổ chức các cuộc họp kín trong Điện Elysee, nơi nhiều người biểu tình coi đó là một tòa tháp ngà, nơi ông đang trốn tránh. Việc Tổng thống Macron đứng ngoài lề khiến chính phủ không được lòng dân của ông nỗ lực trấn an những người biểu tình.
Và đáp trả, mọi phẫn uất của xã hội Pháp đang trút cả lên ông Macron. Từ một phong trào biểu tình tự phát, chống giá xăng dầu tăng cao, những người “Áo vàng” giờ đây đòi tổng thống từ chức sau 18 tháng cầm quyền. Những lời kêu gọi “Macron, từ chức!” đã trở thành khẩu hiệu chính của những người biểu tình “Áo vàng”. Trong 6 tuần lễ, Tổng thống Macron mất 20 điểm tín nhiệm. Không một tổng thống tiền nhiệm nào lại hứng chịu làn sóng chỉ trích gay gắt như ông Macron.
Vì sao tổng thống Pháp lại bị ghét bỏ đến như vậy? Thứ nhất, về mặt hình thức, ông Macron thường xuyên có những phát biểu bị coi là khinh người và kiêu ngạo. Thứ hai, những người biểu tình cảm thấy ông Macron là “Tổng thống của người giàu” và không coi trọng những người dân bình thường. Các cải cách ủng hộ kinh doanh của ông Macron nhằm mục đích làm khiến nền kinh tế Pháp cạnh tranh hơn trên toàn cầu, nhưng các công nhân coi những thay đổi này là tàn bạo và làm suy yếu các quyền của họ.
Ông Macron đắc cử nhờ chương trình cải tổ đầy tham vọng theo hướng tự do, hướng về doanh nghiệp và giới chủ, bởi theo ông, họ có khả năng giải quyết thất nghiệp và đem lại tăng trưởng cho đất nước. Nhưng trong số những quyết định cải tổ quan trọng trong 18 tháng qua là việc bãi bỏ thuế đánh vào tài sản lớn của người giàu - ISF. Biện pháp này được thông qua vào tháng 6-2018. Gần một năm trước đó, chính phủ quyết định cắt giảm trợ cấp nhà ở cho người có thu nhập thấp, trong đó có sinh viên. Và nguyên nhân nữa, quan trọng hơn là vị tổng thống trẻ tuổi này đã tập trung quyền lực nhiều hơn tất cả những người tiền nhiệm. Có những nguồn tin thân cận cho biết, ông chủ Điện Elysee chỉ xem Thủ tướng Edouard Philippe và các bộ trưởng như những người thi hành quyết định của phủ tổng thống.
Vì vậy, có thể thấy, nguyên nhân ban đầu làm bùng nổ làn sóng biểu tình quy mô lớn ở Pháp là do thuế xăng dầu tăng cao. Nhưng rõ ràng, động cơ của những người xuống đường là đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình. Và rồi, chính tinh thần căm ghét Tổng thống Macron và thái độ của ông khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.
THANH VĂN