Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam  (21-6-1925 - 21-6-2022).

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - Cuộc hành trình "Xin một tuổi" diệu kỳ !

Thứ ba, 21/06/2022 11:46
Lời tòa soạn: Hôm qua (20-6), tại Hà Nội, nhà báo "gạo cội" Huỳnh Dũng Nhân (1955) đã trao tặng 100 bức chân dung các nữ nhà báo do chính ông thực hiện cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và giao lưu chủ đề "Những nhà báo nữ tôi quen". Tại buổi giao lưu này, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã chia sẻ những câu chuyện xung quanh bộ sưu tập của mình... Nhân sự kiện này, Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng xin giới thiệu bài viết của tác giả Thụy Du về "con sói phóng sự" của làng Báo chí Việt Nam.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và Thiếu tướng, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Tổng biên tập Tạp chí Công an nhân dân tại buổi khai mạc triển lãm tranh "Nhà báo vẽ nhà báo" hồi tháng 3-2022.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và Thiếu tướng, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Tổng biên tập Tạp chí Công an nhân dân tại buổi khai mạc triển lãm tranh "Nhà báo vẽ nhà báo" hồi tháng 3-2022.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vừa mở Triển lãm tranh "Nhà báo vẽ nhà báo" tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhân dịp sinh nhật lần thứ 67 của ông. Triển lãm gồm hơn 200 bức tranh chân dung các Tổng biên tập, nhà báo, nhà văn... qua nét vẽ của một nhà báo kỳ cựu đã gây xúc động đối với người xem tại triển lãm và bạn bè trên mạng xã hội. Khoảng 50 báo, kênh, đài truyền hình đã đưa tin viết bài về sự kiện ấn tượng này của ông.

Trở về từ… cửa tử !

Trước đó, vào tháng 4-2021, trước thời điểm đất nước ta trải qua cơn bão COVID-19 dữ dội, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cũng bất đắc dĩ thực hiện một cuộc hành trình đáng nhớ trong cuộc đời. Chuyến hành trình ấy đi từ Sài Gòn đến cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) rồi trở về tại… Trung tâm đột quỵ- bệnh viện Bạch Mai Hà Nội. Cơn tai biến bất ngờ không chỉ là cú sốc đối với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân mà còn gây sửng sốt với biết bao bạn bè văn - báo.

Ngày còn "chưa phải chống gậy", người được coi là "con sói phóng sự" Huỳnh Dũng Nhân đã từng một thời dọc ngang cát bụi, một thời tung hoành trai tráng". Đã từng chui xuống hầm lò Mông Dương, đã từng 2 lần đi xuyên Việt bằng xe gắn máy.

Nhà báo ấy với tinh thần dấn thân, đi khắp đất nước, đi nhiều nơi trên thế giới để được sống, được trải nghiệm, được cảm nhận để viết những trang phóng sự lay động lòng người. Con người theo "chủ nghĩa xê dịch" này đã từng tâm sự nếu phải ở nhà ngồi im một chỗ 10 ngày là… ốm. Ông có một năng lượng sống tích cực và sức làm việc đáng nể: viết báo, viết văn, làm thơ, rồi tham gia giảng dạy môn phóng sự tại nhiều khoa báo chí, rồi ông tập bóng bàn, chụp ảnh, in sách, dự các cuộc họp mặt và đi khắp nơi khi thực hiện một dự án mới…

Nhiều người đặt câu hỏi, không biết rồi nhà báo Huỳnh Dũng Nhân có lấy lại được sự cân bằng trong cuộc sống, lấy lại tinh thần, năng lượng sống và làm việc như đã từng được. Và rồi những buổi tập vật lý trị liệu, tập nói, tập đi, tập… chống gậy giúp ông tái tạo lại năng lượng, chập chững mà chắc chắn với những bước đi đầu tiên sau tai biến và những nét vẽ đầu tiên với đam mê thủa nhỏ. Gia đình, bạn bè và cả bạn bè facebook không giấu nổi tự hào khi người bệnh vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh đã có thể vươn mình mạnh mẽ, miệt mài sáng tạo, viết và vẽ để cống hiến hết mình cho cuộc đời.

Cuộc hành trình "Xin một tuổi"

Đó là cuộc hành trình lạ. Lạ bởi vì "người hành quân" vẫn còn phải chống gậy đi sau cơn tai biến. Đó cũng là một cuộc hành trình đầm ấm, đầy ắp nghĩa tình trong vòng tay của gia đình, của bạn bè, đồng nghiệp, của những người vừa mới quen đã thành người thân. Hành trình "Xin một tuổi" của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là một cuộc hành trình như vậy.

Mỗi người sẽ có thời điểm thăng hoa của riêng mình trong cuộc đời này. Đối với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, có lẽ không chỉ một, mà mỗi giai đoạn trong cuộc đời ông đều biết cách làm mới mình, biết cách thăng hoa để sống ý nghĩa nhất có thể. Sau giai đoạn làm báo thăng hoa, chuyến đi đáng nhớ với cơn tai biến vừa qua là một nốt lặng để chuẩn bị cho một giai đoạn khác cũng không kém phần hào hứng.

Huỳnh Dũng Nhân luôn biết cách khiến cho người khác bất ngờ, không ai biết rằng, cuộc triển lãm này là một cuộc thử nghiệm về sức khỏe, một cuộc chuẩn bị về tinh thần để ông thực hiện một cuộc hành trình có một không hai: hành trình "Xin một tuổi".

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân từng kể: "Ba tôi trước kia từng nói với mẹ tôi "Bà cho tôi xin một tuổi. Coi như năm nay chúng ta tạm xa nhau, coi như không có tôi trong cuộc đời bà, tôi xin một năm để thăm lại những người đồng đội, rồi tôi mới yên tâm nghỉ ngơi".

Và bây giờ, ông cũng muốn "chống gậy" hành quân trên cuộc hành trình "Xin một tuổi" để đi thăm lại những nơi từng in dấu kỷ niệm, thăm bạn bè, đồng nghiệp. Và, sẵn với đam mê viết, vẽ, ông muốn đi đến đâu sẽ gặp gỡ và viết, vẽ đến đó, không bỏ phí một ngày, một giây phút nào. Cuộc hành trình "Xin một tuổi" này đã bắt đầu bằng một chuyến đi Đà Lạt rồi tiếp tục đi Huế, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, BRVT…

Đi đến đâu viết đến đó, đi đến đâu vẽ đến đó. Mới đây, ông còn vẽ một bộ tranh mang tên "Kim cương đen"- đề tài về ngành than. Bộ sưu tập này đã được nhà thiết kế Minh Hạnh đem lên áo dài trình diễn trong Festival Áo dài Quảng Ninh - Miền di sản diễn ra vào đêm 29-4 vừa rồi. Cứ mỗi bước hành quân trong cuộc hành trình lại có một dấu ấn như vậy. Ông dựa vào các chương trình, các sự kiện, kết hợp với việc giảng dạy, giao lưu ở địa phương để có thêm ý nghĩa của chuyến đi.

Kết thúc Festival áo dài ở Quảng Ninh, chưa kịp nghỉ ngơi thì ông đã chống gậy vào Đà Nẵng. Trong một ngày đó ông vẫn kịp giao lưu với sinh viên báo chí Đà Nẵng, dự một đêm biểu diễn của bạn bè. Sau đó đi Quảng Ngãi, hẹn hò các chiến hữu ở biển Sa Huỳnh và vẫn không ngừng cầm cây cọ vẽ.

Cần nói thêm, gần 70, tuy dốt công nghệ nhưng ông vẫn mày mò tập vẽ được bằng Ipad. Việc vẽ bằng IPAD giúp ông vẽ rất nhanh và tiện lợi trong những chuyến đi của mình.

Ông coi đây là chuyến đi xuyên Việt lần thứ 3 của mình. Với những sự kiện làm tốn giấy mực của báo chí ấy, ông thể hiện một tinh thần quyết không sống mòn, sống nhạt, lúc nào cũng phải sống có ích cho cuộc đời. Sơ kết lại một tháng bắt đầu hành trình, ông đã đi được 7 tỉnh thành, ngồi 7 chuyến bay, 4 chuyến xe đường dài. Chặng đường này thu thập được khoảng 1.000 tấm hình, vẽ 30 bức chân dung bè bạn. Và dĩ nhiên, cuộc hành trình vẫn tiếp tục với dự kiến chặng đường tiếp theo đi Đồng Tháp, đi Thanh Hóa thăm lại nơi ra đời, thăm quê nội Bến Tre, thăm quê ngoại Kiên Giang, quay trở lại Hà Nội với sự kiện nhiều hứa hẹn.

Ông có ý định viết cuốn "Du ký hành trình xin một tuổi" kèm những bức tranh chân dung thực hiện trong suốt chuyến đi này…

Có lẽ, chính nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cũng không nghĩ đến một ngày tranh cổ động của mình đi vào thời trang - áo dài Việt, và cũng không nghĩ mình sở hữu trên 400 bức tranh, đa phần là chân dung nhà báo và văn nghệ sĩ Việt. Trong một năm, anh xuất bản 3 tập thơ (Bỗng lại hờn lại nhớ, Riêng một góc nhìn, Một chút riêng tư) ghi lại từng khoảnh khắc cuộc sống bằng tâm hồn nhạy cảm và cái nhìn sắc sảo, thậm chí dữ dội... Những "bộ sưu tập" độc đáo này đã giúp anh thiết lập những "kỷ lục" mới cho chính mình, và thu hút được sự đồng cảm to lớn của đồng nghiệp, của cộng đồng. Song suy cho cùng, anh không ngừng làm việc, không ngừng sáng tạo để tìm về bản thể, để hiểu cuộc sống của chính mình, hiểu được cái Tôi dữ dội và đầy yêu thương mà anh luôn khát khao bày tỏ. Anh cho biết: "Khi cầm cọ vẽ, tôi trả lời được câu hỏi: Hôm nay ta phải làm gì?".

Với những gì đã, đang thực hiện, và với bao ý tưởng còn chất chứa trong lòng, Huỳnh Dũng Nhân không chỉ viết tiếp câu chuyện sống, cống hiến của mình, mà còn mang đến thông điệp tích cực cho cuộc sống, cho làng báo, cho đồng nghiệp, học trò của anh. Đó là cách tự "bào chế vaccine" chống lại dịch bệnh và vô cảm; là câu chuyện nghệ thuật vị nhân sinh cao cả; là cái giá mà người nghệ sĩ phải trả để tồn tại và tái sinh...

Thụy Du