Nhà điêu khắc “có duyên” với APEC

Thứ năm, 09/11/2017 10:31

Một trong những công trình để lại dấu ấn của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 là Công viên tượng APEC bên bờ sông Hàn. Nơi đây quy tụ tượng của nhiều nền kinh tế thành viên APEC, với giá trị biểu trưng, giá trị nghệ thuật khu biệt. Ngoài ra, trong công viên còn có 2 bức tượng nghệ thuật của Nghệ nhân Nhân dân, nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu (Đà Nẵng) cũng được  lựa chọn trưng bày. Đây là niềm vinh dự không phải nghệ nhân nào cũng có được.

Nguyễn Long Bửu bên tượng nghệ thuật của mình được lựa chọn trưng bày
tại Công viên tượng APEC.

Hai bức tượng nghệ thuật của điêu khắc gia Nguyễn Long Bửu có tên là Bố cục và Niềm hạnh phúc. Nếu bức tượng Bố cục tạo dáng cách điệu một người phụ nữ trong tà áo dài Việt Nam hướng ra biển lớn thì bức tượng Niềm hạnh phúc diễn tả đôi chim bồ câu tượng trưng cho hòa bình nhân loại. Tác phẩm Bố cục được Nguyễn Long Bửu tạc trên đá cẩm thạch đỏ, bệ đá sa thạch xám nâu, cao 1,65m, đạt giải thưởng Quỹ phát triển văn hóa Thụy Điển-Việt Nam năm 2003. Tác phẩm Niềm hạnh phúc cao 2,65m, bằng đá cẩm thạch trắng xám, nặng hơn 3 tấn, đạt Huy chương bạc giải Điêu khắc sáp quốc tế tại Thái Lan năm 2002. Khi đưa vào trưng bày trong tổng thể công viên tượng thì 2 tác phẩm này tạo sự hài hòa, tôn thêm ý nghĩa, chủ đề của công viên tượng. Nhìn vào hai tác phẩm, người xem dễ dàng cảm thụ được giá trị nghệ thuật cũng như ý niệm của tác giả, bởi nó “rất Việt Nam”. Nguyễn Long Bửu chia sẻ, ngoài các bức tượng mang ý niệm trừu tượng, thì việc pha trộn thêm hai tác phẩm nghệ thuật sẽ giúp người xem thư giãn hơn, tạo nên sự hài hòa hơn trong công viên tượng. Nói gì đi nữa, công viên tượng APEC sau này cũng sẽ phục vụ người dân, du khách, nếu xem tượng mà phải có thuyết trình, giảng giải sẽ mất đi phần nào giá trị hưởng thụ. Một tác phẩm nghệ thuật phải để người xem tự cảm nhận thì mới giá trị.

Ngoài 2 bức tượng nghệ thuật được lựa chọn trưng bày, điêu khắc gia Nguyễn Long Bửu cũng chính là người được lựa chọn để tạc tượng APEC của Việt Nam có tên Khởi nguyên của tác giả Lê Lạng Lương (Hà Nội). Tượng APEC của Việt Nam được tạc bằng đá granite xanh đen nguyên khối, nặng 11 tấn. Bức tượng thể hiện những khối cây cổ thụ với muôn vàn các cột rễ xuất phát từ lòng đất, đan cài, tương hợp với nhau, tạo nên một khối sức mạnh giãn nở trong không gian mới. Bệ đỡ vững chãi của tượng thể hiện sức mạnh truyền thống từ sự quần cư lâu đời, đang nuôi dưỡng và truyền đến những thế hệ mới sức mạnh, sự tự tin trong thế giới đương đại. Nguyễn Long Bửu kể, để tạo ra bức tượng này ông phải rong ruổi nhiều ngày tại các huyện miền núi Nghệ An, Thanh Hóa để chọn nguyên liệu. Các khối đá lớn vốn đã khó lựa chọn, song phải đảm bảo cả màu sắc và độ mịn, độ kết dính của đá. Sau khi tìm được khối đá lớn đạt tiêu chuẩn ở miền núi cách TP Thanh Hóa hơn 100km, việc vận chuyển rất khó khăn, vì thế ông và các học trò phải tạc sơ khởi cho tinh giản khối lượng rồi mới đưa được về Đà Nẵng. Tại Đà Nẵng, ông cùng với tác giả Lê Lạng Lương tỉ mẩn, chau chuốt để thực hiện bức tượng trong suốt 45 ngày đêm mới hoàn thành. “Cái khó không phải kích thước tượng lớn mà là truyền tải cho được ý tưởng, tinh thần của tác giả vào trong tác phẩm, trong khi tiến độ thời gian rất gấp gáp”-nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu chia sẻ.

Dù chưa khai trương nhưng Công viên tượng APEC đã là địa chỉ tham quan của nhiều học sinh.

Theo kế hoạch ngày 9-11, Công viên tượng APEC sẽ khai trương với sự tham dự của nhiều quan chức cấp cao các nền kinh tế thành viên APEC. Sau APEC, công viên tượng sẽ là điểm du lịch, tham quan phục vụ người dân, du khách. Đây cũng là công trình văn hóa tồn tại lâu bền, ghi dấu tại Đà Nẵng từng diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC. Công viên tượng APEC cũng là công viên tượng công cộng đầu tiên của Đà Nẵng, dù TP có làng đá mỹ nghệ tồn tại suốt hơn 300 năm qua, xuất khẩu tượng đi khắp thế giới. Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Long Bửu cho biết rất vinh dự và xúc động khi được lựa chọn tạc tượng APEC Việt Nam. Là người con của làng đá Non Nước, ông cũng như nhiều nghệ nhân khác luôn khao khát TP có một vườn tượng công cộng phục vụ người dân, du khách. Tượng APEC của Việt Nam được ông thực hiện không chỉ thể hiện ý tưởng, tinh thần sâu sắc của nước chủ nhà Việt Nam mà còn thể hiện đôi bàn tay tài hoa của những người con làng đá Non Nước muốn gửi gắm đến bè bạn quốc tế.

11 năm trước khi Tuần lễ Cấp cao APEC lần đầu tiên diễn ra tại Hà Nội, Nguyễn Long Bửu cũng vinh dự được chọn sáng tạo, lắp đặt 33 tác phẩm tượng nghệ thuật tại khuôn viên Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Những bức tượng đó được ông sáng tác trong nhiều năm, tạo dáng dấp hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, gây ấn tượng mạnh với bè bạn, quan khách quốc tế. Tuy nhiên, khi được sáng tác, trưng bày ngay tại công viên APEC ở quê nhà, ông bảo, niềm vinh dự, hạnh phúc của mình nhân lên gấp bội. Cả 2 lần Tuần lễ cấp cao APEC tổ chức tại Việt Nam thì 2 lần Nguyễn Long Bửu đều có tượng được trưng bày, giới thiệu với bè bạn quốc tế, thế nên ông giản dị tự nhận mình là người nghệ nhân “có duyên” với APEC.

HẢI QUỲNH