Nhà mạng yêu cầu nộp ảnh chân dung: Khách hàng nói gì?

Thứ năm, 19/04/2018 12:31

Ngày 24-4-2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2017/NĐ-CP, yêu cầu khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông phải cung cấp ảnh chụp chân dung bên cạnh các thông tin khác trước ngày 24-4-2018. Còn một tuần nữa là đến hạn chót, bên cạnh những người rốt ráo thực hiện còn  nhiều người vẫn "a ma tơ" với quy định này...

Khách hàng đến bổ sung thông tin tại điểm giao dịch của nhà mạng.

Nước đến chân... mới nhảy!

Theo ghi nhận của phóng viên trong những ngày này, tại các cửa hàng, điểm giao dịch, đại lý ủy quyền của nhà mạng trên địa bàn Đà Nẵng lượng người đổ về gia tăng đột biến. Vì lượng người chờ đợi để được đến lượt đăng ký làm thủ tục bổ sung thông tin cá nhân quá đông nên nhiều người tỏ ra khá mệt mỏi.

Khi được hỏi vì sao thông tin này đã được cập nhật từ trước đó nhưng đến hôm nay mới đến làm thủ tục, ông Trần Anh Đây (Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) giải bày: "Tôi nhận được tin nhắn vào tuần trước nhưng cứ nghĩ chắc thông báo vậy thôi, đăng ký cũng được không thì thôi, trước giờ mình dùng mãi số này rồi. Hôm qua nghe đứa cháu bảo không đi bổ sung ảnh chân dung... thì sẽ bị khóa, nên hôm nay mới đi. Biết đông thế này, mấy hôm trước tôi đã đi cho khỏi mất công chờ đợi". Không như ông Đây, anh Trần Thanh Việt (Q. Sơn Trà) cho hay, đến thời điểm hiện tại anh vẫn chưa nhận được bất cứ tin nhắn, thông tin nào từ nhà mạng về Nghị định 49/2017-NĐ-CP. Chỉ nghe những người khác trong đơn vị "kháo" nhau, anh lên mạng tìm hiểu mới biết nên bây giờ mới đến để bổ sung thông tin. Thực tế, qua tìm hiểu đến thời điểm này nhiều chủ thuê bao vẫn ung dung "trước thời cuộc". Họ cho biết đã nhận được tin nhắn từ lâu, nhưng nghĩ chưa cần làm ngay nên đến hôm nay vẫn chưa đi đăng ký  vì... "chưa hết hạn". Bên cạnh đó, không ít người cho biết họ không nghe, không biết gì đối với nghị định này.

Hiện nay, đối với thuê bao VinaPhone, khách có thể chụp ảnh chân dung, chứng minh nhân dân và các thông tin thuê bao khác như họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ... và gửi qua địa chỉ email: cskh@vnpt.vn, hoặc qua fanpage facebook: VNPT VinaPhone, hay qua ứng dụng di động My VinaPhone và qua các điểm giao dịch của VNPost. Với thuê bao Viettel, khách có thể bổ sung ảnh chân dung qua ứng dụng di động My Viettel. Nhà mạng sau đó sẽ đối chiếu xác minh thông tin và cập nhật hệ thống. Riêng đối với thuê bao MobiFone, khách hàng buộc phải đến các điểm giao dịch MobiFone. Ngoài các cửa hàng chính thức của MobiFone, khách hàng có thể đến các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông do MobiFone ủy quyền (khoảng 14.500 điểm) để thực hiện cập nhật thông tin. Khách hàng MobiFone có thể đăng ký bổ sung, thay đổi các thông tin cần thiết trên website của MobiFone, sau đó qua cửa hàng MobiFone để xác thực lại thông tin theo yêu cầu của Nghị định 49.

Chính vì nhà mạng MobiFone buộc khách hàng phải trực tiếp đến các điểm giao dịch nên lượng người tại các điểm giao dịch của MobiFone bị dồn ứ, nhiều người bức xúc vì chờ đợi quá lâu nên bỏ về. Họ lo ngại, nếu làm như MobiFone thì sẽ gây khó khăn rất lớn cho khách hàng là người cao tuổi hoặc người bệnh. Không chỉ vậy, vấn đề bảo mật về thông tin cá nhân cũng khiến nhiều người lo lắng. Về vấn đề này, trao đổi với PV Báo Công an TP Đà Nẵng, Tổng Cty viễn thông Việt Nam MobiFone (Hà Nội) khẳng định: "MobiFone đã triển khai bổ sung thông tin thuê bao đối với toàn bộ khách hàng của mình và nhiều lần truyền thông tới khách hàng về việc bắt buộc phải cập nhật thông tin thuê bao theo Nghị định 49. Đối với các khách hàng là người già, người khuyết tật... nếu có yêu cầu sẽ được MobiFone hỗ trợ cập nhật tại địa chỉ. Đối với ảnh và thông tin cá nhân của khách hàng sẽ được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu tập trung của MobiFone chỉ sử dụng trong việc quản lý thông tin thuê bao theo quy định của  pháp luật. MobiFone đảm bảo bí mật thông tin khách hàng theo đúng Luật Viễn thông và các quy định pháp luật hiện hành".

Khách hàng nói gì?

Bàn luận về việc các nhà mạng yêu cầu phải nộp ảnh chân dung, CMND... có nhiều ý kiến trái chiều. Người thì cho rằng đó là việc làm thừa, người lại tỏ ra hoài nghi với việc bảo mật thông tin. Số khác lại cho rằng trước đây khi đi mua sim đã dùng CMND, trong CMND đã có ảnh vậy giờ lại nộp có thừa không. Chưa kể, những số thuê bao này đã sử dụng lâu năm nay lại phải đi hoàn thiện thông tin khiến khách hàng có cảm giác mình là đối tượng dùng sim rác. Thậm chí nhiều người tỏ ra bức xúc đặt ra câu hỏi, nhà mạng dựa theo quy định có quyền đòi ảnh chân dung, có quyền cắt dịch vụ nếu khách hàng không hoàn thành cung cấp thông tin theo yêu cầu. Vậy nên chăng nhà mạng cũng phải có trách nhiệm cam kết đảm bảo không còn tin nhắn rác gửi tới khách hàng?

Một thực tế cho thấy, hiện nay khi khách hàng đến làm thủ tục bổ sung đã phát hiện ra CMND của mình đang "cõng" trên lưng 5-7 thuê bao lạ hoắc. Chị Lê Thị Minh Phương, hiện đang công tác tại Cty FPT cho biết, chị bất ngờ khi nhà mạng MobiFone thông báo CMND của chị hiện đăng ký cho 5 số thuê bao khác nhau và phần lớn đó là sim rác. Điều này khiến các chủ thuê bao hết sức lo lắng "biết đâu một ngày đẹp trời thông tin cá nhân bị rò rỉ", bởi những lo lắng này hoàn toàn có cơ sở. Câu hỏi đặt ra ở đây, những sim rác lấy thông tin cá nhân ở đâu ra, và tại sao nhà mạng không kiểm soát được đâu là sim thật và đâu là sim rác? Đứng trước những nghi ngại của khách hàng, các nhà mạng đều cho rằng quá trình thu thập thông tin cá nhân trước ngày 24-4 là để phục vụ thực hiện Nghị định 49/2017/NĐ-CP về quản lý viễn thông và mong nhận được sự hợp tác từ người dùng. Nhà mạng sẽ thực hiện hết sức việc giảm thiểu sim rác và chặn tin nhắn rác. Về vấn đề đảm bảo an toàn thông tin cá nhân, các nhà mạng đều khẳng định sau khi thu thập thông tin chính chủ thuê bao sẽ thực hiện quy trình quản lý thông tin chặt chẽ, tuân thủ quy định của Bộ TT&TT cũng như quy định bảo mật thông tin của nhà nước.

Có thể thấy rằng việc yêu cầu chủ thuê bao nộp hình chân dung, cung cấp CMND... là việc làm cần thiết để siết chặt công tác quản lý tránh tình trạng sim rác, tin nhắn rác "hoành hành". Vì vậy, để nghị định sớm đi vào thực tiễn, thiết nghĩ khách hàng cần phối hợp thực hiện, tránh tình trạng nước đến chân mới nhảy, bên cạnh đó nhà mạng cần có những chính sách đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho khách hàng, đặc biệt cam kết đảm bảo tuyệt mật đối với thông tin cá nhân của khách hàng.

TRANG TRẦN