Nhà máy thép Việt - Pháp không gây ô nhiễm như Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh?

Thứ sáu, 07/10/2016 10:00

(Cadn.com.vn) - Việc UBND tỉnh Quảng Nam có chủ trương di dời Nhà máy luyện cán thép Việt - Pháp (Nhà máy thép Việt - Pháp) từ TX Điện Bàn lên H. Nam Giang khiến nhiều người lo ngại tình trạng ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước. Trong khi đó, nhiều chuyên gia, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cho rằng Nhà máy thép Việt- Pháp chỉ tái chế sắt thép phế liệu nên không gây ô nhiễm như dư luận lo sợ.

Ô NHIỄM TẠI VỊ TRÍ CŨ

Năm 2010, UBND H. Điện Bàn (cũ) cho phép Cty TNHH Thép Việt -  Pháp đầu tư Nhà máy thép Việt Pháp tại Cụm công nghiệp Thương Tín 1 (P. Điện Nam Đông) trên diện tích gần 30ha, vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Năm 2012, khi đi vào hoạt động, nhà máy đã gặp phải sự phản đối của người dân do ô nhiễm tiếng ồn và bụi khói bay vào khu vực dân cư sinh sống. Từ đó đến nay, nhà máy phải hoạt động cầm chừng. Trước sự việc trên, nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng ở T.Ư và địa phương cũng thường xuyên kiểm tra, đánh giá tác động môi trường của nhà máy. Theo báo cáo của Sở TN&MT Quảng Nam cho biết, từ  năm 2013 đến nay có 8 lần đơn vị này lấy mẫu nước để kiểm tra và tất cả đều đảm bảo môi trường theo quy định. Quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cũng cho kết quả tương tự.

Còn Tiến sĩ Hồ Tấn Quyền, Phó Tổng thư ký Tổng hội Cơ khí Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí tự động hóa tỉnh Quảng Nam cho biết, trước đây qua nhiều lần kiểm tra, đánh giá tác động môi trường, kết quả Nhà máy thép Việt - Pháp đạt tiêu chuẩn về môi trường. Riêng năm 2014, cả 3 lần kiểm tra đánh giá tác động môi trường Nhà máy đều đảm bảo yêu cầu và gần đây nhất là vào tháng 6-2016, khi có ý kiến phản ảnh của người dân, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ CA) đã tiến hành lấy mẫu khói bụi, nước, để kiểm tra đánh giá, kết quả đều đáp ứng quy định cho phép, đúng quy chuẩn về môi trường. Thế nhưng người dân vẫn không đồng tình, cản trở hoạt động và cho rằng cần phải di dời nhà máy đi nơi khác.

Trước thực trạng trên, việc di dời nhà máy này ra khỏi khu dân cư là một điều tất yếu. Ngày 23-9 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã ký Thông báo số 420/TB-UBND về việc thỏa thuận địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng Nhà máy luyện cán thép Việt- Pháp tại thôn Hoa (TT Thạnh Mỹ). Diện tích quy hoạch là 17ha, tổng kinh phí 975 tỷ đồng, cách trung tâm TT Thạnh Mỹ khoảng 5km. Hiện khu vực này có 16 hộ dân sinh sống. Theo kế hoạch, số hộ dân này sẽ di dời đến nơi khác trước khi khởi công xây dựng. Về vấn đề môi trường trong thông báo cũng nêu rõ: “Trường hợp đánh giá tác động môi trường dự án tại địa điểm này không đạt các yêu cầu về môi trường, thì Sở TN&MT tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo”.

Người dân TX Điện Bàn cản trở không cho Nhà máy thép Việt - Pháp hoạt động
vì ô nhiễm môi trường.

KHÔNG Ô NHIỄM NHƯ DƯ LUẬN LO SỢ?

Tiến sĩ Hồ Tấn Quyền cũng cho biết thêm, về quy trình, công nghệ tái chế sản phẩm phôi thép ở Nhà máy luyện cán thép Việt - Pháp chỉ sử dụng nguồn nước tuần hoàn làm mát sản phẩm, không xả ra sông. “Tôi khẳng định, Nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh bản chất sản xuất quặng mỏ sắt, qua công đoạn xử lý thành quặng thô, sử dụng lò cao nung nấu, bổ sung than cốc, đá vôi và các phụ gia khác. Quá trình xử lý ra gang lỏng sau đó thổi ôxy vào, cuối cùng ra sản phẩm phôi thép và gang. Công nghệ xử lý phức tạp, cần lượng nước lớn để sản xuất nên rất dễ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt nguồn nước. Ngược lại, Nhà máy luyện cán thép Việt -Pháp bản chất là tái chế sắt thép phế liệu. Nguyên liệu vào đã có sắt thép. Bình quân 1,05 tấn sắt phế liệu sau khi qua công nghệ nấu luyện thép (bằng điện) sẽ cho 1 tấn thép. Do nước dùng để lọc tuần hoàn sử dụng lại, nằm trong hệ thống làm mát sản phẩm nên không phải lo về nước thải ra môi trường. Ô nhiễm ở đây chủ yếu là khí thải, bụi nhưng với quy trình xử lý qua nhiều công đoạn, nồng độ ô nhiễm nằm dưới ngưỡng cho phép”- ông Quyền thông tin thêm.

Cũng như ông Quyền, bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN&MT thông tin thêm: “Nguyên liệu chính mà nhà máy này sử dụng là sắt thép phế liệu để nấu, hoàn toàn không sử dụng quặng. Về công nghệ, nhà máy dùng lò điện cảm ứng biến đổi điện năng thành nhiệt năng để nấu chảy nguyên liệu sản xuất ra phôi thép nên chủ yếu phát sinh ra bụi, khí thải. Nước thải sản xuất chủ yếu làm mát thiết bị được đưa vào bể tách dầu mỡ, bể lắng lọc chất thải rắn và được giảm nhiệt bằng tháp giải nhiệt, sau đó tuần hoàn tái sử dụng lại, hoàn toàn không thải ra môi trường, sông suối. Hai nguồn ô nhiễm chính của nhà máy là bụi và khí thải, nhưng quá trình thẩm định dự án các cơ quan chức năng sẽ kiểm soát chặt chẽ”.

Còn ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định: Quan điểm nhất quán của lãnh đạo tỉnh là không chấp nhận thu hút đầu tư bằng mọi giá mà để lại hậu quả cho môi trường. “Với Nhà máy thép Việt - Pháp, trước đây, chúng ta kêu gọi họ đầu tư để phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn. Bây giờ địa điểm không còn phù hợp với quy hoạch, phải vận động họ di dời. Vì thế, chúng ta phải có trách nhiệm vận động, hỗ trợ doanh nghiệp. Di dời là việc phải làm, tất yếu như vậy. Vấn đề là sau chủ trương của UBND tỉnh, các ngành chức năng và nhà máy phải khẩn trương hoàn thiện mọi thủ tục liên quan theo quy định của pháp luật thì mới cho phép khởi công xây dựng. Đồng thời, nhà máy phải tuân thủ nghiêm ngặt vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường, cơ quan chức năng sẽ giám sát chặt chẽ việc này”- ông Thu nói.

Chủ trương của tỉnh là vậy, song điều đáng nói, trước đó ngày 22-8-2016, Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam có Văn bản số 597/SKHĐT-HTĐT gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc xem xét chủ trương đầu tư dự án Nhà máy thép Việt - Pháp tại H. Nam Giang. Trong đó, Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam nêu rõ: Sở KH&ĐT không thống nhất chủ trương đầu tư mới nhà máy tại địa điểm này với lý do sau: Trong thời gian qua, dự án luyện thép Formosa Hà Tĩnh và Formosa Đồng Nai đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Chính phủ đã đưa ra quan điểm chỉ đạo không đánh đổi phát triển kinh tế để môi trường bị hủy hoại. Lĩnh vực sản xuất thép thuộc lĩnh vực công nghiệp nặng nên sẽ ảnh hưởng đến môi trường (nhất là các loại kim loại nặng thải ra trong quá trình sản xuất và khói bụi dù doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường).

Bên cạnh đó, hiệu quả mang lại theo báo cáo của doanh nghiệp chưa có tính thuyết phục. Qua thực tế Nhà máy thép Việt - Pháp mà chủ đầu tư đã thực hiện tại TX Điện Bàn (đang thuộc diện di dời), đóng góp ngân sách hàng năm không đáng kể, theo số liệu của Cục Thuế Quảng Nam, năm 2014 dự án nộp ngân sách 3 triệu đồng và năm 2015 là 12,6 triệu đồng…

Bão Bình

* Dự án Nhà máy thép Việt - Pháp nếu đầu tư tại H. Nam Giang (địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn) thì được miễn tiền thuế đất 11 năm, áp dụng mức thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế thu nhập DN 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư vào địa bàn được ưu đãi về thuế nhập khẩu.

* Theo kế hoạch di dời, Cty TNHH thép Việt - Pháp đề nghị TX Điện Bàn phải hỗ trợ kinh phí 123,8 tỷ đồng mới có điều kiện để tổ chức thực hiện di dời. Số tiền quá lớn, vượt thẩm quyền nên TX Điện Bàn đã có nhiều văn bản kiến nghị tỉnh Quảng Nam xem xét, giải quyết.