"Nhà môi giới" tài ba!

Thứ tư, 13/06/2018 07:59

Khi hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thực sự diễn ra vào ngày 12-6 tại Singapore, vị tổng thống mới của Hàn Quốc Moon Jae-in là người được nhắc đến nhiều nhất bên ngoài phòng hội đàm.

Vị chính trị gia này, có cha mẹ là những người đến từ Triều Tiên, đã nói rằng, ông đã có “một đêm không ngủ” để chờ đợi thời khắc lịch sử đó. Thật sự mà nói, Tổng thống Moon Jae-in chính là “kiến trúc sư” đã làm nên sự đột phá trong quan hệ ngoại giao với Triều Tiên và là “môi giới” dẫn đường Mỹ-Triều đến hội nghị lần này. 

Trong suốt những tháng qua, Tổng thống Hàn Quốc đã tận dụng những lời khen ngợi, sự ấm áp và khiêm nhường trong cách tiếp cận với các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên. Kể từ ngày 27-4, sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử Hàn-Triều, ông Moon 2 lần gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng đã có chuyến công du đến Mỹ để hội đàm với người đồng cấp Trump để dọn đường cho hội nghị lần này.

Ông chủ Nhà Xanh thậm chí mô tả cách tiếp cận của mình là “đi bộ một cách bình tĩnh nhưng nhiệt tình” trên con đường hướng đến mục tiêu hòa bình, không rơi vào tình trạng lạc quan hay bi quan. Ông cũng dựa vào sự khiêm nhường để nâng cao vị thế của người khác. Mặc dù ông là người có công lớn nhất, nhưng ông đề nghị trao giải Nobel Hòa bình cho ông Trump nếu hòa bình thật sự đến với bán đảo Triều Tiên.

 Và vị chính trị gia này khéo léo sử dụng Thế vận hội Pyeongchang ở Hàn Quốc để mời - và cũng trả tiền - cho vận động viên Triều Tiên đến tham dự. Sự hào phóng đó đã dẫn đến kết quả mong đợi: hội nghị thượng đỉnh Hàn-Triều, trong đó đánh dấu sự kiện ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên đặt chân đến lãnh thổ Hàn Quốc.

Còn nhớ, vào năm 2017, khi ông Kim Jong-un và ông Trump liên tục đe dọa chiến tranh nhằm vào nhau, ông Moon lặng lẽ ủng hộ đối thoại và hòa giải. Ông đã hợp tác tốt với phía Trung Quốc và Nhật Bản để đưa cả hai bên đến bàn hội nghị thượng đỉnh lần này. Và ông đã làm đúng như những gì đã cam kết ngay sau khi lên nhậm chức: “Tôi sẵn sàng đi bất cứ nơi nào cho hòa bình của bán đảo Triều Tiên”.

Nhưng chưa hết. Ông Moon cũng biết chiến lược “khi ngoại giao mềm cần một sức mạnh cứng”. Khi Triều Tiên thử tên lửa vào năm ngoái, ông yêu cầu Mỹ đáp trả bằng một cuộc diễn tập chống tên lửa. Ông cũng kêu gọi trừng phạt mạnh mẽ hơn nhằm vào Triều Tiên. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, ông nghiêng nhiều hơn về sức mạnh của củ cà rốt hơn cây gậy, nhiều hơn trong việc áp dụng đối thoại hơn là đối đầu.

Sau nhiều thập kỷ nỗ lực chấm dứt tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, Hàn Quốc có lẽ đã học được cách sử dụng chiến lược “pha trộn” quyền lực của ngoại giao mềm và cứng. Hơn bất cứ điều gì khác, Tổng thống Moon Jae-in đã thành công khi “biến” ông Trump từ một con người khăng khăng chiến tranh với Triều Tiên thành một người tìm kiếm thỏa thuận hòa bình.

Với ông, kết quả hội nghị Trump - Kim là rất quan trọng, bởi chính nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của bán đảo Triều Tiên, nơi đã bị chia cắt thành 2 miền Nam Bắc kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

THANH VĂN