Nhà ở chống bão- cơ chế bền vững giúp người nghèo an toàn trước biến đổi khí hậu

Thứ tư, 14/03/2018 14:00

Bảo vệ cuộc sống, sinh kế của người nghèo

Nằm ở vị trí sát biển, TP Đà Nẵng dễ bị tổn thương bởi thiên tai, nhất là bão lụt. Hằng năm, người dân TP Đà Nẵng thường gánh chịu trên dưới 10 cơn bão, trong đó có những cơn bão gây thiệt hại nặng về nhà cửa như: Xangsane (2006), Ketsana (2009), Nari (2013)... Tuy nhiên, nhà ở an toàn cho tất cả người dân đô thị vẫn chưa hoàn toàn đảm bảo, riêng nhà ở của những hộ nghèo, cận nghèo và thu nhập thấp có nguy cơ cao. Ước tính trên địa bàn TPĐN hiện có khoảng 30.00 hộ dân có nhà ở bị xuống cấp, không có khả năng chống chịu thiên tai. Một khi có bão lớn, hàng nghìn người phải di tản đến những nơi an toàn để trú tránh bão và khi trở về sau bão, căn nhà của họ cũng không còn nguyên vẹn. Đối với người nghèo, cận nghèo và thu nhập thấp, căn nhà thường là tài sản có giá trị lớn nhất của gia đình, trong nhiều trường hợp đó còn là nơi làm ăn, mưu sinh của người dân. Do đó, thiệt hại về nhà cửa do bão gây ra đã ảnh hưởng lớn đến  cuộc sống, sinh kế của người dân, nhất là nhóm dân cư dễ bị tổn thương nói trên.

Đại diện đơn vị thực hiện dự án trao tặng tập sách kỹ thuật xây dựng nhà ở chống bão cho các Sở, ngành liên quan. 

Chính vì vậy trong gần 10 năm qua, TPĐN nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược chống chịu với biến đổi khí hậu và chú trọng đến vấn đề an toàn về nhà ở cho người dân. Ông Đinh Quang Cường- Văn phòng Biến đổi khí hậu Đà Nẵng, cho rằng: "Chiến lược chống chịu của TP Đà Nẵng tập trung vào 4 mục tiêu để xây dựng thành phố trở nên an bình, năng động, thích ứng cao và kết nối. Cụ thể trong các mục tiêu đều hướng đến người dân TP được sống trong môi trường lành mạnh, an toàn, có sự hợp tác giữa người dân và chính quyền và các tổ chức khác, xây dựng hạ tầng có tính chống chịu và thích ứng cao với biến đổi khí hậu...".

Từ năm 2011, TPĐN đã giao cho Hội LHPN TP triển khai thực hiện dự án: "Nhà ở chống bão vì một thành phố Đà Nẵng có khả năng chống chịu" nhằm tập trung cải thiện nhà ở, tăng cường khả năng chống chịu của cộng động với thiên tai. Dự án được triển khai thí điểm tại 8 xã , phường trong giai đoạn từ tháng 10-2011 đến tháng 6-2015. Đại diện Hội LHPN TPĐN cho hay, các chương trình nhà ở chống chịu với biến đổi khi hậu do Hội thực hiện đã triển khai cho hơn 430 hộ dân, với mức kinh  phí từ 80-120 triệu đồng/nhà chống bão. Dự án đã có tác động tích cực đến đời sống người dân, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người dân do bão lụt gây ra, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo. Tuy nhiên, do đặc thù về hoàn cảnh sống của hộ nghèo, cận nghèo cũng như mẫu thiết kế nhà chống bão trước đây chưa hoàn chỉnh nên việc triển khai chưa đạt yêu cầu cao.

Một số nội dung trong tập sách kỹ thuật xây dựng nhà ở chống bão

Hoàn thiện cơ chế mô hình "Nhà ở chống bão"

Ngày 13-3, Sở Ngoại vụ TP Đà Nẵng phối hợp Ngân hàng Phát triển Châu á (ADB), Viện Chuyển đổi Môi trường và Xã hội (ISET) tổ chức hội thảo giới thiệu kết quả Dự án "Nghiên cứu khả thi nhân rộng mô hình nhà ở chống bão vì một TP Đà Nẵng có khả năng chống chịu". Bà Lê Thị Thu Hạnh- Phó Giám đốc ở Ngoại vụ, cho biết: "Dự án được thực hiện từ tháng 7-2015 đến cuối tháng 1-2017, gồm 2 hợp phần chính: Xác định các chương trình và cơ chế tín dụng phù hợp cho việc xây dựng nhà ở chống bão cho hộ gia đình có thu nhập thấp tại Đà Nẵng. Cung cấp những thiết kế và giải pháp kỹ thuật phù hợp cho việc xây dựng, sửa chữa nhà ở chống bão". Cũng theo bà Hạnh, sau 2 năm thực hiện, kết quả của dự án được đúc kết trong tập sách hướng dẫn kỹ thuật xây nhà chống bão dành cho 3 đối tượng: cán bộ địa chính, thợ xây dựng và hộ dân. Tập sách hướng dẫn kỹ thuật xây nhà chống bão thể hiện chi tiết cách lồng ghép các tiêu chí chống bão trong quá trình xây dựng nhà ở cho các hộ có thu nhập thấp, trình bày cụ thể các yếu tố kỹ thuật, các kiểu nhà ở chống bão, các bước từ lập kế hoạch, thiết kế và thi công. Đặc biệt, tập sách kỹ thuật nói trên còn chú trọng đến 3 yếu tố về tính chắc chắn, tính dư thừa (có thể thay thế lẫn nhau trong trường hợp một hoặc nhiều thành phần gặp sự cố) và tính linh hoạt về công năng sử dụng (ví dụ nhà có gác lửng bê-tông để vừa trú bão, vừa tránh lụt). Để có được tập sách này, bà Hạnh cho hay, quá trình thực hiện dự án, đơn vị đã tiến hành hơn 10 buổi chia sẻ, lấy ý kiến trực tiếp của các thợ xây dựng, người dân của các địa phương thuộc 7 quận huyện. Người dân đánh giá cao tính hiệu quả và thiết thực của dự án, và đã có trường hợp tự thiết kế được nhà ở chống bão cho chính mình từ những kiến thức được dự án chia sẻ.

Việc Dự án "Nghiên cứu khả thi nhân rộng mô hình nhà ở chống bão vì một TP Đà Nẵng có khả năng chống chịu" đã đề xuất được một cơ chế huy động các bên liên quan cung cấp, hỗ trợ kỹ thuật cho việc thiết kế và giám sát xây dựng nhà ở chống bão, cũng như đề xuất mô hình chương trình tín dụng hỗ trợ hộ đặc biệt nghèo, hộ nghèo và cận nghèo sửa chữa, xây dựng nhà ở an toàn đã thể hiện quyết tâm của chính quyền TPĐN trong việc hoạch định và giải quyết trực diện các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu đối với Đà Nẵng.

QUANG PHÚC