Nhà thổ của Châu Âu
(Cadn.com.vn) - Nhà thổ giá rẻ, giao dịch trọn gói, dành cho tất cả mọi người... Đây chỉ là ví dụ nhỏ các hình thức mại dâm đang có tại Đức, kể từ khi nó được hợp pháp hóa vào năm 2002. Mại dâm bùng nổ đáng kể tới mức đối thủ thuộc phe cực đoan bảo thủ Christian gọi đây là "Nhà thổ của Châu Âu".
Mang về 17,7 tỷ USD/năm
Trong 2 thập kỷ qua, số lượng người hành nghề mại dâm (đa phần là nữ) tăng gấp đôi lên 400.000 người. Và bạn không cần phải đến đường phố nổi tiếng Reeperbahn Hamburg để tìm nhà thổ. Riêng Berlin có khoảng 500 nhà thổ và Osnabruck, một thành phố nhỏ, cũng có tới 70 nhà thổ. Ngoài ra, còn có khoảng 3.000 nhà thổ khác đang tồn tại trên khắp nước.
Nhà thổ Pascha ở Cologne ước tính phục vụ 800 người/ngày. Tòa nhà 12 tầng, mở cửa 24/24 giờ, là nhà thổ lớn nhất nước Đức, với 126 phòng và đầy đủ các dịch vụ khác như nhà hàng, thẩm mỹ viện, cửa hàng, hiệu giặt, phòng thu và một số quán rượu. Khoảng 150 phụ nữ cùng với 90 nhân viên khác đang làm việc tại đây. Mỗi ngày, hơn 1 triệu người đàn ông đến Đức để thỏa mãn nhu cầu - hầu hết đến từ các nước láng giềng nghèo hơn như Romania và Ukraine. Đức trở thành điểm đến hàng đầu cho nam du khách tìm kiếm những thú vui rẻ, hợp pháp và tương đối an toàn. Thậm chí, giờ đây, các nhà thổ ở Đức còn thu hút cả những người đàn ông Hà Lan, đất nước khá lỏng lẻo với nạn mại dâm. Họ chỉ cần vượt qua biên giới vào Đức thay vì phải đi du lịch tới các điểm xa xôi như Thái Lan.
Ngành công nghiệp tình dục mang về cho nước Đức khoảng 17,7 tỷ USD/năm.
Bên trong một nhà thổ ở Berlin. Ảnh: NYT |
Những bất cập
Cuộc chiến mại dâm đang làm đau đầu các chính trị gia Đức, bởi sự phản đối của các nhà nữ quyền, các nhà hoạt động nhân quyền và các nhân viên xã hội.
Chính phủ Đức - một liên minh ôn hòa do đảng Dân chủ Thiên chúa giáo của Thủ tướng Angela Merkel lãnh đạo - dù đã nhiều lần đề cập vấn đề này trong các cuộc đàm phán liên minh nhưng đâu lại vào đó. Hồi năm 2002, chính phủ hợp pháp hóa mại dâm khi cho rằng sẽ giúp đưa ngành kinh doanh này ra ánh sáng thay vì hoạt động ngầm để dễ dàng quản lý, để ngăn chặn nạn lạm dụng tình dục, để bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ... Theo luật hiện hành, người bán dâm có thể kiện đòi tiền lương, trả tiền an sinh xã hội và yêu cầu nhà tuyển dụng trả tiền bảo hiểm y tế.
Ngành công nghiệp tình dục từ lâu đóng góp một khoản thuế rất lớn, nhưng tệ nạn mại dâm không được coi là việc làm hợp pháp. Mục đích hợp pháp hóa khiến tệ nạn mại dâm trở thành công việc bình thường khác. Các chính trị gia nghĩ rằng, bằng cách này, phụ nữ có thể được cứu thoát khỏi tệ nạn buôn người.
Tuy nhiên, cho đến giờ này, tất cả những mục tiêu đó đều thất bại. Có rất ít bằng chứng cho thấy, hoàn cảnh của người lao động tình dục được cải thiện, mặc dù rõ ràng là ngành này đang phát triển hưng thịnh. Hầu hết các lao động tình dục vẫn không đăng ký hoạt động nên không có quyền khiếu nại khi bị đối xử tệ. Các quan chức cảnh sát cho biết, có rất ít gái mại dâm kiện chủ chứa. Ngoài ra, hoạt động mại dâm cũng kéo theo nạn buôn người. Theo thống kê của Văn phòng điều tra tội phạm Liên bang Đức, số nạn nhân của các vụ buôn người bất hợp pháp vào Đức để hành nghề mại dâm được cứu thoát trong năm 2011 là 987 người, hầu hết đến từ những quốc gia Đông Âu cũ. Nhưng văn phòng này cũng cho biết, đó chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".
Với nhiều bằng chứng cho thấy hợp pháp hóa mại dâm đã thất bại, ngày càng có nhiều người Đức đòi hủy bỏ luật kinh doanh mại dâm. Alice Schwarzer, tác giả những quyển sách bán chạy nhất về hoạt động mại dâm, đã đi đầu trong phong trào này. Theo bà Schwarzer, mại dâm là một hành vi vi phạm quyền con người cần được nghiêm cấm, như ở Thụy Điển và gần đây hơn là Pháp. Bà Schwarzer khẳng định, luật mà Đức ban hành năm 2002 chỉ bảo vệ chủ chứa chứ không thể bảo vệ những cô gái lao động tình dục, thậm chí còn làm cho đời sống của họ tồi tệ hơn.
Mới đây, cuốn sách mới nhất của bà có tiêu đề "Mại dâm: Vụ scandal của nước Đức", ngay sau khi xuất bản lại tiếp tục thổi bùng ngọn lửa đấu tranh đòi cấm hoạt động mại dâm.
An Bình (Theo SMHerald)