Nhà thơ Hồ Dzếnh: Đau đáu miền chân trời quê ngoại

Thứ tư, 30/11/2016 09:37

(Cadn.com.vn) - Lễ kỷ niệm và tọa đàm 100 năm sinh nhà thơ Hồ Dzếnh được Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với gia đình nhà thơ tổ chức trang trọng tại Hà Nội ngày 29-11. Sự kiện được tổ chức nhằm tôn vinh nhân cách, những sáng tác tiêu biểu của nhà thơ Hồ Dzếnh, tiếp tục sưu tầm các sáng tác của ông để có được công trình toàn diện, tổng thể về cuộc đời, sự nghiệp, con người nhà thơ.

Nhà thơ kiêm nhà văn Hồ Dzếnh.

Phong trào Thơ Mới diễn ra sôi nổi hồi đầu thế kỷ XX đã đưa văn học Việt Nam từ trung đại sang giai đoạn hiện đại. Trong phong trào đó có rất nhiều tác giả xuất sắc xuất hiện mà nhà thơ Hồ Dzếnh là một trong những tác giả tiêu biểu. Nhà thơ Hồ Dzếnh tên thật là Hà Triệu Anh (1916-1991) kết quả của mối tình giữa một thương nhân người Trung Hoa với người con gái quê Thanh Hóa. Thủa nhỏ, ông học tiểu học ở Thanh Hóa, sau đó ra Hà Nội học hết bậc trung học. Ông kiếm sống bằng nghề dạy học, làm công cho các hiệu buôn người Hoa. Mang trong mình hai dòng máu Việt, Hoa nhưng hồn thơ Hồ Dzếnh bắt nguồn từ những cảm xúc về quê ngoại-Việt Nam. Hồ Dzếnh lớn lên trong tình thương yêu của người mẹ. Khi sáng tác, ông đã viết những câu thơ trân trọng, tràn đầy cảm mến về mẹ của mình, Người mẹ Việt Nam.

...Từ những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, trên văn đàn Việt Nam có 2 tập truyện ngắn gần như xuất hiện cùng một lúc. Cả hai tác phẩm đã được người đọc đón nhận với tất cả sự quý mến. Mãi đến hôm nay, bao thế hệ người đọc yêu mến văn chương vẫn còn say mê hai tác phẩm ấy. Đó là tập truyện ngắn “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng và “Chân trời cũ” của Hồ Dzếnh. Đây là hai trong những tập truyện ngắn hay của văn học Việt Nam ở thế kỷ XX. Những ngày đầu cầm bút, Hồ Dzếnh không có ý định thành nhà văn. Truyện ngắn của ông là truyện trữ tình, nhân vật chính xuyên qua tất cả các câu chuyện là tác giả. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Khánh Thơ nhận định: Văn xuôi của Hồ Dzếnh đã thực sự mở rộng khả năng của truyện ngắn trữ tình. Phá bỏ cái khung chật hẹp của thể loại, đưa vào đó khả năng tối ưu của sự tự biểu hiện, ông đã tạo nên sự giao thoa, tiếp nối giữa thơ và truyện. Với bút pháp nghệ thuật trữ tình tinh tế cùng với số phận và nhân thân đặc biệt của mình, Hồ Dzếnh đã tạo được một dấu ấn riêng trong dòng truyện ngắn trữ tình 1930-1945.

Nhưng, thơ mới thật sự làm cho tên tuổi của ông nổi tiếng và được đông đảo bạn đọc yêu thích. Thơ Hồ Dzếnh tràn đầy tình cảm, chân thật, độc đáo, mang vẻ đẹp tuyệt vời và sâu sắc, mới lạ. Thơ lục bát của Hồ Dzếnh mang hơi thở tâm hồn phương Đông. Nhà thơ Bùi Giáng mỗi lần đọc những bài thơ lục bát của Hồ Dzếnh đều nhận xét với tất cả lòng cảm phục: "Chẳng khác giải ngân hà lấp lánh nhớ nhung trên bầu trời văn học Việt Nam”. Hồ Dzếnh viết về tình yêu lứa đôi cũng thật đặc sắc. Ý thơ rất riêng. Với Hồ Dzếnh, lỗi hẹn trong tình yêu cũng là niềm hạnh phúc, tình lỡ là tình đẹp. Và, được thưởng thức “thú đau thương” trong tình yêu. Nhiều thế hệ khi vào tuổi yêu đã thuộc lòng bài thơ “Ngập ngừng” của Hồ Dzếnh: “Em cứ hẹn nhưng em đừng đến/Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân/Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần/Tôi nói khẽ: Gớm làm sao nhớ thế...”.

Người ta nhớ nhiều nhất là bài Chiều với thể thơ năm chữ, nhẹ nhàng mà quyến rũ:

“Trên đường về nhớ đầy/Chiều chậm đưa chân ngày

Tiếng buồn vang trong mây/Chim rừng quên cất cánh

Gió say tình ngây ngây/Có phải sầu vạn cổ

Chất trong hồn chiều nay?/Tôi là người lữ khách

Màu chiều khó làm khuây/Ngỡ lòng mình là rừng,

Ngỡ hồn mình là mây/Nhớ nhà châm điếu thuốc

Khói huyền bay lên cây...”

Gần 10 năm sau khi ra đời, bài Chiều đã được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ nhạc (năm 1950). Nhiều người cho rằng nhạc sĩ đã bắt trúng cái hồn của bài thơ, đã cộng hưởng với thi sĩ cùng tạo nên một bài hát mà giai điệu và ca từ đều đẹp, hờ hững mà da diết, vang vọng...

Đọc thơ Hồ Dzếnh, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Huyền chia sẻ đầy xúc cảm: Thơ ông như bức tranh dang dở, những cảm xúc ngập ngừng và được vẽ bởi sắc màu bảng lảng. Nếu như Đường thi của ông nhiều trầm lắng, suy tư thì Lục bát lại mang đến những tấm lòng u hoài, buồn nhẹ mà không kém phần thiết tha với cuộc sống ăm ắp tình. Nhà thơ Vũ Quần Phương, người từng có nhiều bài viết nghiên cứu sâu sắc về thơ văn Hồ Dzếnh chia sẻ: Với tập văn “Chân trời cũ” và tập thơ “Quê ngoại”, Hồ Dzếnh đã có một vị trí xứng đáng trên văn đàn Việt Nam trước cách mạng. Ở cả thơ lẫn truyện, người ta dễ dàng nhận ra Hồ Dzếnh - một tâm hồn giàu cảm xúc, tràn ngập yêu thương, trắc ẩn, gắn bó với những phận người hẩm hiu, nghèo khổ trong xã hội cũ. Cùng chung quan điểm đó, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ghi nhận: Hồ Dzếnh là sự hòa hợp của hai dòng máu, hai hồn thơ Trung Hoa-Việt Nam. Ông là một nhà văn, nhà thơ mẫu mực về nhân cách, sự nghiệp. Văn chương Hồ Dzếnh đậm tính chất hiện thực, đầy ắp thương yêu, nhiều chấn động của tâm hồn, của sự sẻ chia. Ông có đóng góp nhiều cho sự phát triển dòng văn học cách mạng Việt Nam. Hồ Dzếnh xứng đáng với Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, Hội đang phối hợp với gia đình nhà thơ xem xét xây dựng bộ sách toàn tập về Hồ Dzếnh để giúp các thế hệ sau có cơ sở tôn vinh, nghiên cứu về nhà thơ lớn này.

Ông mất vào ngày 13-8-1991 tại Hà Nội. Gần 60 năm cầm bút, Hồ Dzếnh để lại cho đời các tác phẩm chính: Về văn có: Dĩ vãng (Truyện vừa – 1940), Những vành khăn trắng (Truyện dài – 1942, ký bút danh Lưu Thị Hạnh), Tiếng kêu trong máu (Truyện dài – 1942), Một chuyện tình 15 năm về trước (Truyện dài, ký bút danh Lưu Thị Hạnh – 1943), Chân trời cũ (Tập truyện ngắn – 1943), Cô gái Bình Xuyên (Truyện vừa – 1946), Hồ Dzếnh -  tác phẩm chọn lọc (1988). Về thơ có: Tập thơ Quê ngoại (1942), Hoa xuân đất Việt (1946). Từ năm 1988 đến nay, tác phẩm của ông (cả thơ và văn xuôi) cùng với những công trình nghiên cứu về tác giả liên tục được in, xuất bản và tái bản.

Đọc thơ Hồ Dzếnh mới hay ngôn ngữ mẹ đẻ đã thành máu thịt tâm hồn ông, giản dị mà diệu kỳ biết chừng nào! Nhà thơ đã từng xúc động nói: “...Tôi yêu tiếng Việt lắm, tôi sung sướng thấy mình được tồn tại trong lòng tiếng Việt yêu thương”. Tình yêu ấy đã dệt nên những trang thơ còn mãi với thời gian. Cũng như Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh làm thơ và viết văn; và với cả hai, ông đều thành công. Tập truyện ngắn Chân trời cũ của Hồ Dzếnh không phải là hồi ký cũng không thuộc tác phẩm tự truyện, nhưng nó có sự cộng tác của cả hai thể loại này. Đọc những truyện viết trong đó như: Ngày gặp gỡ, Người chị dâu tôi, Con ngựa trắng của ba tôi, Lòng mẹ, Chú Nhì, Hai anh em... ta vẫn mường tượng rất rõ những ngày thơ ấu của nhà văn. Văn xuôi Hồ Dzếnh không lạ bởi nó chỉ là những dòng kể chân thực về cuộc đời; nhưng nó cũng không mòn cũ với thời gian vì nó đánh thức lòng yêu thương trắc ẩn của con người. Mà tấm lòng của con người thì đời nào cũng vậy!

K.N