Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: Hồn đầy hoa cúc dại!

Thứ bảy, 12/12/2015 09:17

(Cadn.com.vn) - Chân như là từ của Phật, nghĩa là vô sinh vô diệt, nghĩa là chẳng cần biết gì nữa, là hư vô. Đó là chữ mà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã thốt lên với tôi khi gặp lại vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường- Lâm Thị Mỹ Dạ vào tháng 8-2015 vừa qua trong dịp vợ chồng Tường-Dạ về thăm Huế. Trước ngày trở bệnh nặng phải điều trị ở Bệnh viện T.Ư Huế, gặp tôi, Tường nói chuyện say sưa về Quảng Bình (tuy anh nói khó nghe). Anh  nói về những tướng lĩnh tài ba người Quảng Bình trong lịch sử đã tạo nên non nước Việt này. Đó là Nguyễn Hữu Cảnh thời Chúa Nguyễn, là Võ Nguyên Giáp, Đồng Sỹ Nguyên thời chống Pháp, chống Mỹ... Còn Mỹ Dạ thì quên hết, không nhớ gì cả. Mặt mũi ngây ngô như một đứa trẻ.

Tôi chỉ vào mình hỏi: "Nhớ ai đây không?". Không nhớ. "Ngô gì...?". Không nhớ. Các nhà văn Nguyễn Khoa Điềm, Mai Văn Hoan, Nhất Lâm đến thăm, hỏi Mỹ Dạ: "Có nhớ mình không?" nhưng chị cứ ngớ ra.  Cháu Bê Lip (Hoàng Dạ Thư) bảo: "Mẹ quên hết. Thơ mình không nhớ bài nào để đọc. Nhưng khi ai hát nhạc Trịnh, thì hát theo vài bài". Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cười, bình luận: "Mỹ Dạ đã thành chân như. Do thông minh quá nên mau thành trẻ con!".  Tôi hỏi bác sĩ Dương Đình Châu, một bác sĩ giỏi nổi tiếng ở Huế rất thân thiết với anh em văn nghệ sĩ, về bệnh tình của Mỹ Dạ. Anh Châu bảo đây là bệnh già não (Alzheimer). Bệnh này chỉ chữa bằng thể dục, khó phục hồi được.

Tác giả và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.

Cháu Hoàng Dạ Thi bảo: "Chú Ngô Minh biết không, ở Sài Gòn vật chất, thuốc men không thiếu thức gì, nhưng ba mẹ thiếu một thứ không ai bù đắp được. Đó là bạn. Ra Huế hôm qua tới giờ, bạn bè tới đông, ba cháu mừng lắm!". Từ khi nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bị trọng bệnh ở Đà Nẵng, liệt nửa người phải nằm một chỗ (1989), Mỹ Dạ đã chăm sóc chồng hơn 20 năm ròng. Anh Tường có lần bảo: "Dạ là người vợ đồng thời cũng là người mẹ của tôi!". Khi tuổi đã cao, nhiều bệnh tật xuất hiện, Mỹ Dạ vẫn đứng vững để cho anh tựa vào em! Chỉ ba bốn năm lại đây, bệnh già não làm cho Dạ quên hết tất cả để trở thành hư vô, để trở thành chân như.

 Nhà thơ nữ Lâm Thị Mỹ Dạ từng có thơ dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Chị có những bài thơ, câu thơ "găm" vào lòng người đọc. Nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam thuộc thơ chị, những bài thơ như: Đường ở Thủ Đô, Gặt đêm, Khoảng trời hố bom, Trái tim sinh nở,  Anh đừng khen em, Cho anh tựa vào em, Lá cờ trắng, Tôi về với tôi, Anh đã nhìn thấy em, Đề tặng một giấc mơ, Hồn đầy hoa cúc dại... được rất nhiều người yêu thích.

Sự hồn nhiên trong sáng đa cảm là một nét trong tính cách của Lâm Thị Mỹ Dạ. Chị là nhà thơ nữ hiếm hoi thời hiện đại, tự nguyện đi vào thế giới rộng rinh huyền ảo và vẫn tin mình không lạc khỏi chính mình. Trong bài "Hồn đầy hoa cúc dại", Lâm Thị Mỹ Dạ hỏi con gái:

Có nghe trong cơn gió

Nói cười trong chiêm bao

Trong trí nhớ của tôi có rất nhiều thơ của người bạn học trường huyện từ nhỏ. 24 tuổi, ra Thủ đô Hà Nội, Mỹ Dạ đã có thơ  Đường ở Thủ Đô rất thế sự: Đường bằng mà ngã lạ chưa/ Gập ghềnh đường chẳng đánh lừa được chân. Dưới bom đạn, Gặt đêm: Đạn bom em chẳng ngại đâu/ Chỉ e sương ướt mái đầu lá chanh... Rồi Khi hôn lên câu thơ hay, Ấp trang sách vào trước ngực, Em nghe tim mình thổn thức, Thương người làm thơ đã mất, Trái tim giờ ở nơi đâu... Em có nỗi buồn như tro / Hoang lạnh cả một thời thiếu nữ; Hay Em tựa vào em- đơn độc quen rồi/ Em tựa vào em - gắng vững giữa đời; Bàn tay nâng em thành bảo mẫu / Nước mắt lặn vào trong cho anh thấy nụ cười / Bệnh tật lo toan giấu vào đêm trắng/  Giữa tháng ngày trĩu nặng / Em đứng thẳng người/ Cho anh tựa vào em!...

Thơ của Dạ là cuộc đời của Dạ. Viết về Trái tim, Dạ có những câu thơ đúc thành nỗi đau thấm đẫm:

Ôi trái tim/ Sao em lại mang dáng lưỡi cày

Để suốt đời không bao giờ yên ổn

Để suốt đời cày lên

Cày lên

Đớn đau và hạnh phúc...

Còn nhớ cô học trò xinh đẹp, trắng trẻo lên sân khấu giới thiệu chương trình văn nghệ của Trường Cấp ba Lệ Thủy một thời. Còn nhớ đám cưới Tường-Dạ năm 1973 tổ chức tại Hà Nội trong sự đùm bọc của bạn bè văn nghệ sĩ cây đa cây đề của đất nước như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Anh Thơ,... Còn nhớ một thời gian Mỹ Dạ đi đâu cũng gọi Ngô Minh đi xe máy lên nhà chở. Lớp bạn học trường huyện làm thơ thành danh của chúng tôi có mấy người: Hải Kỳ, Đỗ Hoàng, Lê Đình Ty, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, thì Hải Kỳ, Lê Đình Ty đã khuất rồi, còn 3 thôi. Bây giờ Mỹ Dạ lại bệnh, không còn nhớ bạn mình là ai nữa. Đêm về qua cứ nghĩ đến chuyện ấy tôi thao thức mãi không ngủ được. Có lẽ đây là chuyến ra Huế lần cuối cùng của hai người. Anh Tường 80 rồi. Lâm Thị Mỹ Dạ thì đã thành hư vô...

Ngô Minh