Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu: “Tôi sẽ còn viết về những đồng đội đã ra đi trên đất bạn”

Thứ bảy, 19/12/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu (P.S.S) quê làng Xuân Thiều, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, là cựu học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh, ĐH Văn khoa Sài Gòn, 11 năm trong quân ngũ ở chiến trường biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, hiện là Trưởng ban khai thác đề tài và Giao dịch Tác quyền – Nhà xuất bản Trẻ- TPHCM. Bao năm xa quê nhưng anh vẫn mang phong thái của người Đà Nẵng chân tình và cởi mở cùng chúng tôi trao đổi về thơ và người lính, đặc biệt là những người lính tình nguyện ở chiến trường Campuchia. 

P.V: Được biết, thời ở chiến trường Tây Nam anh đã làm rất nhiều thơ, có nhiều bài khiến biết bao trái tim xúc động?

Nhà thơ P.S.S: Thời ở lính, tôi làm trợ lý chính trị từ cấp tiểu đoàn đến sư đoàn nên có dịp tiếp xúc với nhiều người lính đến từ nhiều vùng quê và hiểu được tâm tư của đồng đội. Tôi viết trước hết như một giãi bày của người trong cuộc, sau đó là thay lời muốn nói với hậu phương, với người thân nơi quê nhà. Tôi không chỉ làm thơ, mà còn viết tản văn và cả viết báo nữa. Tôi làm lính hơn 11 năm thì đã có 8 năm chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Trong 8 năm đó, tôi đã sáng tác gần 200 bài thơ, một số đã được giới thiệu trên báo chí ở TPHCM, Hà Nội và một số địa phương khác.

P.V: Thơ của các nhà thơ quân đội trong kháng chiến chống Mỹ có điều gì khác so với thơ của những người lính ở chiến trường biên giới Tây Nam?

Nhà thơ P.S.S: Thơ chiến trường thời chống Mỹ và thơ chiến trường biên giới Tây Nam về cơ bản không có gì khác nhau. Vẫn là tiếng nói bi hùng của những người trong cuộc, cái hào sảng của lớp thanh niên Việt Nam lên đường vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng những lính ở chiến trường biên giới Tây Nam có thêm sức mạnh từ chiến thắng 30-4-1975. Và thời chúng tôi đi đánh giặc thì cả nước đang hưởng hòa bình. Mặt trận ở phía trước, chỉ lùi về 500m là đã có hậu phương yên bình...

P.V: Đề tài về người lính trong chiến tranh luôn luôn mang đến cho nhà thơ những cảm xúc mãnh liệt trong sáng tác. Thế nhưng thơ của người lính trong thời bình thì lại quá thiếu vắng, anh nghĩ sao về  điều này?

Nhà thơ P.S.S: Thời chúng tôi, cái chết và sự sống là sự may rủi của số phận. Giữa hiểm nguy rình rập, chực chờ, trong thiếu thốn khó khăn chúng tôi vẫn chiến đấu, “đi giữ nước mà mang trong lòng nhớ nước” nên cảm xúc dễ thăng hoa. Giờ đây trong cuộc sống thời bình, đời lính có phần đỡ hiểm nguy hơn nhưng khó khăn thiếu thốn thì cũng không phải ít. Những người lính ở Trường Sa, ở các đồn biên phòng ở biên giới, hải đảo vẫn có rất nhiều điều để viết... Tôi tin rồi sẽ có những nhà thơ lính của hôm nay làm lay động lòng người, cho dù cảm xúc của thời nay theo tôi cũng vơi đi ít nhiều do nhiều tác động...

P.V: Anh có cảm xúc như thế nào khi giờ đây nghe ai đó đọc bài thơ nổi tiếng một thời: “Gởi bạn bè làm xong nghĩa vụ”?

Nhà thơ P.S.S: Vẫn tràn trề xúc động bởi những điều tôi viết trong bài thơ không chỉ là lời nhắn gửi của người ở lại, mà là lời nhắn gửi của những người không còn về được nữa, họ đã trở thành ký ức của nhiều người, nhiều gia đình. Mới đây, tại Nhà Văn hóa Phú Nhuận TPHCM tôi đã tình cờ gặp được người cựu chiến binh của Mặt trận 579 chiến đấu ở Stung Treng. Anh đưa cho tôi tờ giấy pơ-luya úa màu thời gian, trong đó có chép hai bài thơ “Gởi bạn bè làm xong nghĩa vụ” và “Điểm danh đồng đội” của tôi. Anh nói nhờ hai bài thơ đó mà đơn vị anh đã được tiếp thêm sức mạnh. Tôi ký tên mình lên tờ giấy pơ-luya đã úa vàng mà lòng rưng rưng xúc động. Hạnh phúc lớn nhất của tôi là bài thơ đã được đọc đi đọc lại nhiều lần trong những lần họp mặt của cựu binh chiến trường K, bất kể họ thuộc Mặt trận nào: 479, 579, 779 hay 979.

P.V: Sau khi nhận được giải thưởng văn học Sông Mê Kông lần 2- tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia, sắp tới anh có dự định gì mới?

Nhà thơ P.S.S: Tôi còn một trường ca viết về 10 năm chiến đấu và giúp bạn ở chiến trường K chưa in. Ngoài ra còn một số bài thơ, bút ký và tản văn viết trong thời làm lính và làm báo lính của mình. Tôi sẽ còn viết về những người trẻ đã ra đi trên đất bạn, bởi sự hy sinh của họ đã để lại những điều thần kỳ trên đất nước Campuchia cũng như ở Việt Nam.

P.V: Chắc anh đã nhiều lần có dịp trở lại đất nước chùa Tháp, cảm xúc của người lính tình nguyện ngày xưa và nhà thơ P.S.S hôm nay có gì khác nhau?

Nhà thơ P.S.S: Trong lời ngỏ của tập thơ “Khúc ca đồng đội” xuất bản nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng Phnom Penh, tôi đã viết: “Mỗi chặng đường qua, mỗi ngày vừa tới trên hành trình trở lại tôi cảm nhận đầy đủ hơn tiếng gọi bạn bè. Trong mênh mông đồng lúa, trong nhộn nhịp phố thị, trong tĩnh lặng phum xa, trong uy nghiêm đền tích... đâu đâu tôi cũng cảm nhận những ánh mắt trìu mến thân thương của những đồng đội đã khuất của mình”. Tôi đã có nhiều lần trở lại Campuchia trong những năm qua, mỗi lần đi là mỗi lần cảm nhận đầy đủ hơn về cuộc sống mới, là mỗi lần cảm thấy tự hào về những năm tháng tuổi trẻ của mình đã sống hết mình trên đất nước bạn Campuchia và may mắn sống sót trở về.

P.V: Xin cảm ơn Nhà thơ P.S.S đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi thú vị này!

Mai Phúc

(thực hiện)

Gởi bạn bè làm xong nghĩa vụ

Mai mầy về thành phố dang rộng tay
Đón mầy và đón bao thằng đã làm xong nghĩa vụ
Mai mầy về bình yên trong giấc ngủ
Có nhớ bạn bè biên giới ướt sương đêm
Có nhớ tụi tao khao khát hôn lên mái tóc mềm
Của con gái một thời thương nhớ nhất
Mầy về mùa mưa, quần áo không lấm lem bùn đất
Dép sa-bô gõ trên phố chiều vàng
Quen tính hay đi mầy cỡi xe đạp lang thang
Có nhớ tụi tao cởi trần đi phục.

Hãy mở mắt ra nhìn đời trong đục
Nhìn thật bao dung và cũng thật ra người
Hãy nhớ trong gian lao tụi mình vẫn cười
Trong thiếu thốn vẫn kiên trì khắc phục
Đừng chùn chân nếu chạm vào tiêu cực
Dấu ấn chiến trường nào dễ phôi phai.

Mai mầy về với người yêu trong tay
Hãy hôn giùm tao những nụ hôn đời lính
Hãy nói giùm tao trong phút giây trầm tĩnh
Rằng: cảm ơn nàng đã yêu lính biên cương
Gặp cô gái nào mầy thấy dễ thương
Hãy chào giùm tao nụ cười mong nhớ
Mầy đã trải qua những đêm nằm trăn trở
Cái riêng trong lòng đã chia sẻ cho nhau.

Vết thương nào không quằn quại cơn đau
Lại mơ thấy đôi tay mềm chăm sóc
Tụi mình con trai lúc lòng chùng, chực khóc
Đâu phải yếu mềm khi vuốt mắt bạn thân.

Mai mầy về đi dưới phố cây xanh
Nếu gặp nắng đừng đưa tay che vội
Hãy nhớ tụi tao trầm mình trong nắng dội
Khát dòng sông như khát thuở thanh bình
Phố lên đèn, ánh điện sáng lung linh
Có nhớ tụi tao bên này đêm - bóng - tối
Mấy tháng ròng giọt dầu hôi không biết tới
Nên rất trẻ thơ muốn trăng sáng bốn tuần.

Mầy về ra nông trường, vào xưởng máy hay cơ quan
Hãy làm việc bằng tinh thần người lính
Cái thiếu ở chiến trường mầy đâu cần làm sổ tính
Hãy làm thật nhiều sản phẩm giúp tụi tao.

Mai mầy về thành phố rợp cờ sao
Tao lại nhớ năm xưa tụi mình đi phấn khởi
Buổi tụi mình lên đường, chưa rõ bài Em vẫn đợi
Nên tay cô gái nào đứng vẫy mãi theo xe
Và thư đến với  tụi mình trong rừng khộp, rừng le
Thành sức mạnh trên đầu lê xuất kích
Mầy đi xi-nê có nhớ những lần bám địch
Nòng thép dài thay tay mát bàn tay
Tiễn mầy về, gió lốc, bụi mù bay
Cho tóc rợp bám đầy đường ít nắng

Trung đội thiếu mầy tao càng thấy vắng
Nhưng vững tin đội ngũ vẫn có mầy
Tao chừ còn nặng nợ với cỏ cây
Nên chẳng biết nói sao cho thấy rõ.

Đất nước mình: hòa bình và súng nổ
Ở mặt trận nào cũng cần có lòng tin
Trong thời đại tụi mình đất nước sẽ bay lên
Bằng trí tuệ và mồ hôi tuổi trẻ.

"Vì nhân dân quên mình" bài hát dậy trong lòng mới mẻ
Mai mầy về tao xin gởi bài thơ.

Phạm Sỹ Sáu