Nhà thơ Trần Đăng Khoa với khán giả Đà Nẵng

Thứ bảy, 08/07/2017 09:48

(Cadn.com.vn) - Nhân dịp khai mạc “Tuần lễ sách Sơn Trà lần thứ 2-2017”, tối 6-7, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã có buổi giao lưu thú vị với khán giả TP Đà Nẵng về chủ đề: Văn thơ thiếu nhi và biển đảo Việt Nam qua tập thơ “Góc sân và khoảng trời” và tiểu thuyết mini “Đảo chìm”. Hàng trăm khán giả Đà Nẵng, trong đó có rất nhiều chiến sĩ hải quân Vùng 3 Hải quân đã háo hức, mong chờ giây phút được giao lưu với nhà thơ.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa (giữa) giao lưu với khán giả.

Chia sẻ tại buổi giao lưu,  nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết: Từ năm  lên 8 tuổi ông đã có thơ đăng trên các báo, lên 10 tuổi, ông  xuất bản tập thơ đầu tiên. Con đường đến với thơ văn của Trần Đăng Khoa qua lời kể của ông cũng rất tự nhiên, ấy là lần đầu tiên ông được đọc tập thơ “Tấm lòng chúng em”, viết về Bác Hồ của các tác giả nhỏ tuổi.  Những lời thơ mộc mạc, thơ ngây, chan chứa tình cảm của các em thiếu nhi trong tập thơ đã cuốn hút Trần Đăng Khoa ngay lập tức và Khoa nghĩ các bạn làm được thì mình cũng làm được và từ đấy rất chịu khó đọc sách với một tâm thế: Đọc để tập làm thơ. Kể về kỷ niệm khi viết những bài thơ đầu tiên như: “Xem ảnh Bác Hồ”, “Sao không về Vàng ơi”, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng lúc ấy lời thơ của mình còn rất ngây ngô, thấy gì viết nấy, khi đưa in lên báo đã được các nhà thơ, nhà văn tên tuổi chữa cho vài từ rất chuẩn và trở thành bài thơ  hay, từ đó ông hiểu ra được rằng: Thơ là nghệ thuật hư cấu chứ không phải có gì viết nấy. Tập thơ “Góc sân và khoảng trời” của Trần Đăng Khoa đã được in cách đây gần 50 năm, riêng Nhà xuất bản Kim Đồng đã tái bản 41 lần, còn nếu kể cả các Nhà xuất bản khác thì đã tái bản hơn 100 lần. Nhà thơ Trần Đăng Khoa tự trào về bản thân mình: “Tôi rất xoàng, chẳng có tài cán gì, chỉ có một ưu điểm là chịu khó đọc sách...”. Được một bạn đọc nhỏ tuổi đặt câu hỏi: Làm thế nào để làm thơ hay và viết văn tốt, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: “Tất cả bí mật nằm hết ở trong sách. Sách là người thầy lớn nhất. Phải chịu khó đọc sách, tự đào tạo mới là quan trọng nhất”. Ông cũng khuyên các bạn nhỏ bớt chơi games, dành thời gian đọc sách để cập nhật kiến thức, trau dồi nhân cách để ngày càng trưởng thành. Ông nói: “Thần đồng, thần đất gì cũng thế thôi, chân trời không ở đâu xa mà ở ngay dưới chân các cháu, phải cố gắng học để bay lên”.

Với tiểu thuyết mini  “Đảo chìm”, khán giả Đà Nẵng đã được  nghe tác giả Trần Đăng Khoa kể sâu hơn những truyện ngắn mini viết về người lính ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc ở Trường Sa. Có rất nhiều câu chuyện tươi vui, hài hước, xúc động về người lính đảo, cũng chính là những trải nghiệm của nhà thơ khi làm chiến sĩ hải quân trên đảo Trường Sa. “Đảo chìm”- nơi những người lính ngày đêm đối mặt với những biến động thất thường của biển khơi và cuộc sống của người lính trên Đảo Chìm vẫn vươn lên kiên cường giữa nắng, giữa gió. “Đảo chìm” cuốn hút là bởi tính thời sự trong các bài viết của Trần Đăng  Khoa cách đây hơn  30 năm đến nay vẫn còn nóng hổi và điều đó lý giải vì sao “Đảo chìm”  đã được tái bản đến lần thứ 25 với số lượng rất lớn. Nói về “Đứa con tinh thần” này, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: Khi cuộc sống đã rất đẹp thì không cần phải hư cấu gì thêm, ta chỉ cần bê nguyên vào sách là đã đẹp lắm rồi. Ông nói: Trường Sa bây giờ đã khác lắm rồi, không như thời Trần Đăng Khoa ở Đảo Chìm. Hồi ấy, mỗi đại đội được phát một quyển lịch nhưng không biết ngày nào là ngày nào vì không có thông tin, vì thế cùng một ngày nhưng ở  mỗi đơn vị, ngày trên lịch lại khác nhau. Để tránh sự khác biệt đó, chính trị viên mới thông báo tất cả các đơn vị lấy chung một ngày để thống nhất trong các hoạt động, còn so với đất liền thì lịch của lính Trường Sa chẳng ăn nhập gì. Một độc giả đã nhận xét: “Viết về Trường Sa không ai qua Trần Đăng Khoa”- có lẽ cũng bởi cái tài văn chương đầy “ma lực” của ông mà nhà văn Lê Lựu phải gọi rằng “Thần bút”.  Chính với lối viết thật, những câu chuyện rất đời thường của Trần Đăng Khoa mà  “Đảo chìm” cứ đi vào lòng người một cách tự nhiên, rất xúc động. Trường Sa có rất nhiều cột mốc, không chỉ bằng bê-tông cốt thép, những nhà giàn, những con tàu mà cột mốc ở Trường Sa còn là những bài hát, bài thơ, những câu chuyện, những con người... Đấy chính là những cột mốc chủ quyền biển đảo Việt Nam ở Trường Sa.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa ký tặng sách.

Giao lưu với nhà thơ Trần Đăng Khoa, khán giả như bị thôi miên bởi cách nói chuyện mộc mạc, dí dỏm  nhưng rất sâu sắc, ý nghĩa của ông. Khi nói về những điểm bất lợi của mình như: thân hình cục mịch, nhiều tuổi, bụng phệ..., Trần Đăng Khoa chẳng những không ngại mà còn rất hài hước. Ông chia sẻ “bí quyết” để được khen là trẻ, ấy là khai tăng tuổi lên, hiện nay ông 59 tuổi nhưng ai hỏi ông cũng bảo 78 tuổi, thế là họ khen “Sao mà trẻ thế!”, nhưng cũng có lần gặp sự cố ngoài ý muốn. Trần Đăng Khoa kể câu chuyện có lần chở vợ (kém ông 30 tuổi) đi vào đường cấm, bị anh cảnh sát giao thông tuýt còi lại. Anh không phạt mà hỏi thăm: “Thế năm nay bố  bao nhiêu “nhát” (tuổi) rồi?”, tưởng cũng như những lần trước để được khen là trẻ trước mặt cô vợ nên Trần Đăng Khoa trả lời “78 nhát”. Anh cảnh sát cười: “Thôi bố ơi, bố già thì chết được rồi, chỉ tội cho con gái bố...”. Khán giả được một phen cười lăn lộn... Cuối buổi giao lưu, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã ký tặng  sách cho hơn 100 khán giả.

K.T